Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi với 10 huyện, thành phố, 230 xã, phường, thị trấn, diện tích 3.895 km2, dân số trên 1,8 triệu người với hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 8 dân tộc có từ 1.000 người trở lên là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Hoa đã tạo nên bản sắc đa dạng và để lại nhiều di sản văn hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó, Bắc Giang là vùng đất có bề dày truyền thống, hiện còn bảo lưu được hơn 2000 di tích lịch sử - văn hóa với nhiều di tích được xếp hạng, di tích kiến trúc nghệ thuật đa dạng về loại hình. Đặc biệt, Bắc Giang còn có truyền thống văn hóa ẩm thực lâu đời, độc đáo với các món ăn dân dã ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách...
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã có nhiều nỗ lực đóng góp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Sở đã chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, góp phần quảng bá những nét đặc trưng của các địa phương và đồng bào các dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Sở đã chỉ đạo tiến hành nghiên cứu, bảo tồn một số lễ hội tiêu biểu, khôi phục các nghi lễ truyền thống và có giá trị. Định kỳ 2 năm/lần, Sở phối hợp cùng huyện Việt Yên tổ chức Liên hoan hát quan họ toàn tỉnh tại Lễ hội chùa Bổ Đà, cùng huyện Lục Nam tổ chức Liên hoan hát Văn, Lễ hội Suối Mỡ... nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó, Sở tiến hành đầu tư nâng cấp, tu bổ các di tích và thiết chế văn hóa liên quan đến hoạt động trình diễn dân ca Quan họ, Ca trù, hỗ trợ cộng đồng phục dựng các phong tục, nghi lễ, nghi thức và không gian văn hóa sinh hoạt Quan họ, Ca trù, hát Then...
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy các di tích trọng điểm được Sở quan tâm đầu tư, chú trọng. Từ năm 2015 đến năm 2021, tỉnh đã tu bổ, tôn tạo 321/721 di tích xếp hạng (chiếm 44,5%); đến nay, toàn tỉnh có 05 di tích quốc gia đặc biệt, 95 di tích cấp quốc gia, 605 di tích cấp tỉnh, 04 bảo vật quốc gia. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, khu danh thắng Suối Mỡ… Hệ thống di tích Tây Yên Tử trở thành điểm nhấn của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh - sinh thái bền vững.
Hiện tại trên bàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp lữ hành du lịch, 42 nhà hàng đạt chuẩn, 445 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Nhờ đó, tổng lượng khách du lịch giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 20-25%/năm, ước đạt khoảng 7,7 triệu lượt khách, doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt khoảng 4.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, Sở sẽ tiến hành thuê chuyên gia tư vấn có uy tín trong và ngoài nước lập quy hoạch các khu du lịch, ưu tiên dành quỹ đất thu hút các dự án lớn, xây dựng các tổ hợp khách sạn, resort từ 4 sao trở lên, xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại các khu du lịch, điểm du lịch. Trong đó, tập trung vào 4 sản phẩm du lịch chính: du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf), du lịch cộng đồng. Kết nối các tour du lịch và thị trường khách sạn theo hướng: Hà Nội – Thành phố Bắc Giang – Lục Nam – Lục Ngạn – Sơn Động và ngược lại, Hà Nội – Thành phố Bắc Giang – Việt Yên – Hiệp Hòa, Hà Nội – Thành phố Bắc Giang – Tân Yên – Yên Thế, Hà Nội – Thành phố Bắc Giang – Yên Dũng – Côn Sơn – Kiếp Bạc, Hải Dương. Khai thác có hiệu quả Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, các điểm di tích trong hệ thống Những di tích Khởi nghĩa Yên Thế, di tích ATK II Hiệp Hòa…
Trọng Nghĩa