Thanh Sơn là vùng đất cổ thuộc tỉnh Phú Thọ có địa hình thể hiện những nét đặc trưng của một vùng bán sơn địa, được người Việt khai phá và định cư từ rất sớm. Với tiềm năng đất đai và tài nguyên cùng hệ thống giao thông thuận lợi, huyện Thanh Sơn có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế toàn diện.
Lễ khởi công xây dựng Nhà máy may số 2 tại xã Sơn Hùng của Công ty TNHH May HAMALIN
Nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường được Huyện hoàn thành, thậm chí vượt định mức kế hoạch đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Huyện đạt 859,8 tỷ đồng, bằng 121,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, vốn đầu tư qua ngân sách nhà nước đạt 93,7 tỷ đồng, vốn đầu tư qua khu vực dân cư và tư nhân đạt 766,1 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Huyện đạt 129,55 tỷ đồng, đạt 111,6% dự toán tỉnh giao và bằng 146% so với cùng kỳ. Công tác quản lý ngân sách thực hiện dự toán thu, chi; thực hiện quyết toán thu, chi của các đơn vị dự toán trên địa bàn Huyện đã được cải thiện rõ rệt, không còn xảy ra tình trạng chậm, muộn quyết toán hay hồ sơ chứng từ không đảm bảo đủ điều kiện quyết toán. Công tác CCHH được huyện chú trọng, bộ phận “một cửa” hoạt động có hiệu quả và được UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá cao.
Cầu vàng bắc qua Dự án Thanh Sơn Riverside Garden
Điều đáng nói là, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã có những ảnh hưởng chung đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và cả nước, tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Sơn vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Các sản phẩm chủ yếu lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ, điển hình như: Quặng sắt tăng 106,5%; đá khai thác tăng 5,7%; cao lanh các loại tăng 2,1%; chè chế biến tăng 3%; gạch bằng đất nung tăng 5%; gỗ chế biến tăng 8%. Hoạt động thương mại - dịch vụ được Huyện sát sao kiểm tra, giám sát thị trường cũng như chất lượng hàng hóa, giá cả; kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách dù bị ảnh hưởng do giá cả một số mặt hàng như xăng, dầu, khí đốt… tăng cao nhưng cơ bản vẫn duy trì ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa và đi lại của người dân.
Công ty TNHH MJ Vina, xã Cự Thắng chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đảm bảo duy trì sản xuất,
giải quyết việc làm cho người lao động
Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của địa phương, huyện Thanh Sơn tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nguồn lực cho phát triển, đặt trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành, lĩnh vực là tiềm năng lợi thế. Với thế mạnh phát triển du lịch, Thanh Sơn đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch các dự án dịch vụ thương mại, nghỉ dưỡng. Một số dự án trọng điểm của Huyện phải kể đến: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn đến năm 2030; Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 đối với dự án Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng và sân golf Hồ Phượng Mao tại các xã Cự đồng, Thắng Sơn, Tất Thắng; Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư nông thôn mới, biệt thự nghỉ dưỡng, nông nghiệp kết hợp giáo dục trải nghiệm và sân golf Thanh Sơn; Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu nhà ở kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Phượng Mao và du lịch trải nghiệm Thác Đá Mài tại huyện Thanh Sơn và huyện Thanh Thủy; Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở đô thị phía Tây Bắc thị trấn Thanh Sơn; Chỉ đạo rà soát, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp Thắng Sơn, cụm công nghiệp Thục Luyện…
Biểu diễn cồng chiêng, nét đẹp văn hóa của những cô gái Mường, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn
Về Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã chủ động triển khai thực hiện. Kiện toàn, phân công lại nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ đạo, Văn phòng điều phối, Tổ thẩm định tiêu chí khu dân cư nông thôn mới huyện. Chỉ đạo UBND các xã rà soát lại các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, đồng thời tập trung nguồn lực tiếp tục xây dựng nông thôn mới. Kết quả, các xã đạt 19 tiêu chí gồm: Xã Lương Nha; Địch Quả, Sơn Hùng, Thục Luyện; các xã đạt từ 15-18 tiêu chí: Cự Thắng, Võ Miếu, Văn Miếu, Thạch Khoán, Hương Cần, Giáp Lai; các xã còn lại đạt từ 10-14 tiêu chí. Bình quân toàn huyện đạt 14,5 tiêu chí/xã, tăng 0,2 tiêu chí so với năm 2020. Năm 2022, Huyện tiếp tục chỉ đạo 2 xã Cự Thắng và Võ Miếu rà soát các tiêu chí để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022; đồng thời rà soát các khu dân cư để xây dựng 5 khu dân cư đạt chuẩn. Việc triển khai mỗi xã một sản phẩm cũng được Huyện chú trọng, thông qua việc xây dựng kế hoạch và đăng ký 8 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao.
Nuôi dê sinh sản trên nhà sàn theo kỹ thuật mới của HTX nông lâm Tất Thắng, xã Tất Thắng
Với quyết tâm phát triển kết cấu hạ tầng tạo nền tảng phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, huyện Thanh Sơn tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 bám sát tình hình thực tế của Huyện. Tăng cường huy động nguồn xã hội hóa, nguồn lực đầu tư; tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng then chốt với trọng tâm là quy hoạch xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, các điểm công nghiệp trên địa bàn. Đầu tư nâng cấp hệ thống điện, các công trình, dự án có tính liên kết vùng như: Đường Thanh Thủy - Thanh Sơn giai đoạn 2021-2025; cải tạo, sửa chữa tuyến đường Văn Miếu - Thượng Cửu. Thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp để thực hiện dự án: Cụm công nghiệp Thục Luyện, khu nhà ở đô thị Tân Tiến, khu nhà ở đô thị Thanh Sơn… Bên cạnh đó, huyện Thanh Sơn đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, nhờ đó, Huyện đã có 69/77 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 89,6%, trong đó gồm: 20/25 trường mầm non, 26/27 trường tiểu học và 23/25 trường trung học cơ sở.
Được vay vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH huyện đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi bò,
gia đình anh Nguyễn Xuân Nhân-khu Mật 1, xã Văn Miếu đã thoát nghèo, xây được nhà kiên cố
Trong thời gian tới, huyện Thanh Sơn tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội; Tăng quy mô, giá trị và tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế; tập trung thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
Với sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt và kịp thời của Huyện ủy, HĐND, UBND, huyện Thanh Sơn quyết tâm giữ vững sự ổn định trong tăng trưởng kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã nội, an ninh quốc phòng; xây dựng huyện Thanh Sơn ngày càng phát triển./.
Nghĩa Thủy
Một số hình ảnh về phát triển kinh tế và du lịch huyện Thanh Sơn
Phong tục tắm suối, nét đẹp văn hóa của phụ nữ Mường – Xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn
Niềm vui của phụ nữ Mường dưới Cọt nước – Xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn
Các đại biểu tham dự Lễ khởi công xây dựng Nhà máy may số 2 tại xã Sơn Hùng của Công ty TNHH May HAMALIN
Thanh Sơn Riverside Garden tạo nên sức sống mới cho huyện Thanh Sơn nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thục Luyện đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ
HTX Nông nghiệp An Phú, xã Địch Quả tập trung chăn nuôi giống gà ri thả đồi theo hướng hàng hóa,
đem lại hiệu quả kinh tế cao
Sản phẩm thịt chua Thanh Sơn của HTX Thịt chua Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn
được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành trong nước ưa chuộng, tin dùng