Huyện Lâm Bình phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội

|

Huyện Lâm Bình phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội

Lâm Bình là huyện vùng cao nằm ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, có trên 10 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ tại các xã, thị trấn trong huyện. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính năm 2011, huyện Lâm Bình có 917,55 km2 diện tích tự nhiên, địa hình Huyện bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao mà chủ yếu là núi đá vôi và khe sâu; độ che phủ rừng chiếm trên 75%. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Huyện phù hợp với chăn nuôi đại gia súc và có các loại cây trồng như: Cây chè, cây lạc, cây lúa, ngô, khoai, sắn... một số cây lâm nghiệp như cây quế, keo, bạch đàn và một số loại nông sản phụ khác. Ngoài sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ, huyện Lâm Bình còn có điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng Homestay, du lịch lòng hồ...

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thổ Bình phát huy hiệu quả tiêu chí tổ chức sản xuât.
Ảnh: Các thành viên HTX phân loại sản phẩm lạc củ

 
Giai đoạn 2021-2025, huyện Lâm Bình đã đặt ra nhiều mục tiêu làm động lực phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Cụ thể: Phấn đấu giá trị sản xuất ngành Công nghiệp đạt trên 377 tỷ đồng, tăng bình quân 4,3%; ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 456 tỷ đồng, tăng bình quân 5,6% (theo giá so sánh 2010). Trồng mới trên 3.490 ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ trên 78%. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện; đến năm 2025 thu hút trên 200 nghìn lượt khách. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 29,6 tỷ đồng. Nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, trong đó duy trì 2 xã đạt chuẩn, có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 4 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.
 

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn ưu đãi
phát triển sản xuất tại Điểm giao dịch xã Phúc Yên

 
Năm 2022 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và cũng là năm “bước ngoặt” trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với nhiều tín hiệu lạc quan. Nắm bắt được điều đó, huyện Lâm Bình đẩy mạnh phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế toàn diện. Với tiềm năng sẵn có về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, Lâm Bình đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện. Các giải pháp thực hiện bao gồm: Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng tập trung đẩy mạnh khai thác tiềm năng về sinh thái cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp lập các dự án đầu tư, khai thác các khu, điểm du lịch và các loại hình du lịch có tiềm năng, lợi thế; hợp tác đầu tư, chia sẻ lợi ích với các hộ dân trong quản lý và khai thác loại hình du lịch cộng đồng. Nhờ đó, huyện Lâm Bình đã thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân trong huyện. 9 tháng đầu năm 2022, số lượt khách du lịch đến Lâm Bình đạt khoảng 109 nghìn lượt, tổng doanh thu xã hội về du lịch đạt trên 91 tỷ đồng.
 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình nuôi dê tại thôn Nà My, xã Thổ Bình
 
Về nông nghiệp, Huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành từ cấp xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức sản xuất đúng khung thời vụ. Tiếp tục thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Triển khai các biện pháp, giải pháp duy trì tổng đàn vật nuôi, kiểm tra hướng dẫn phòng chống dịch bệnh. Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng lương thực đạt 23,29 nghìn tấn; đàn trâu đạt 9.894 con, đàn bò 3.087 con, đàn lợn 33,98 nghìn con, đàn dê 4.482 con, đàn gia cầm 226,14 nghìn con. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đạt 3,66 nghìn ha, tổng sản lượng thủy sản đạt 450 tấn. Huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ trồng rừng trong năm 2022, nhờ đó đến hết quý III/2022, toàn huyện đã trồng được 707,9 ha rừng, bằng 108,9% kế hoạch đề ra.
 
           
            Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận
xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 cho lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Thổ Bình

 
Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; chỉnh trang khuôn viên nhà ở; vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng, cải tạo các công trình vệ sinh, nước sạch của hộ gia đình... Triển khai thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch. Các tiêu chí nông thôn mới tại các xã đã đạt chuẩn tiếp tục được triển khai giải pháp củng cố và nâng cao. Nhờ đó, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Thổ Bình), số tiêu chí đạt bình quân/xã là 14,3 tiêu chí.
 
Đồng bào dân tộc H’Mông, huyện Lâm Bình với nghề dệt thổ cẩm truyền thống
 
Huyện cũng tích cực đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, chỉ đạo quyết liệt, khắc phục dứt điểm tình trạng chậm chuẩn bị đầu tư, thi công và giải ngân, thanh quyết toán. Đồng thời triển khai thực hiện Kế hoạch thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025, tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư các công trình, trọng tâm là các công trình khu vực trung tâm huyện và các điểm du lịch.
 

Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình
 
Lâm Bình tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp năm 2022; thường xuyên nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. 9 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) của Huyện đạt 243,89 tỷ đồng. Mặt khác, công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn huyện cũng được quan tâm, chỉ đạo sâu sát, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn huyện phát triển và đóng góp cho kinh tế huyện.
 

Các cơ sở Homestay ở Lâm Bình luôn hấp dẫn khách du lịch bởi sự yên bình, gần gũi với thiên nhiên
 
Là một huyện vùng sâu, vùng xa, quy mô kinh tế huyện còn nhỏ, bên cạnh những tiềm năng lợi thế, Lâm Bình cũng gặp nhiều khó khăn đặc thù trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, Đảng bộ và nhân nhân huyện Lâm Bình mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, huyện tập trung nguồn lực đầu tư, tạo động lực để Lâm Bình tiếp tục phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trên lộ trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội./.                                                                                                                 
P.V