Giai đoạn 2015-2020, huyện Hàm Yên đã khai thác và phát huy những tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Từ một huyện phát triển kinh tế thấp, đến nay, kinh tế của huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ. Để tạo đà bứt phá, Huyện đã xác định khâu đột phá từ thế mạnh của địa phương trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025.
Huyện Hàm Yên nằm ở phía Tây tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc giáp huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), phía Nam giáp huyện Yên Sơn, phía đông giáp hai huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình, và phía Tây giáp huyện Yên Bình, Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Điều kiện tự nhiên của Hàm Yên đã mang lại cho huyện những lợi thế lớn về nghề rừng, chăn nuôi và trồng trọt. Do đó, kinh tế Huyện phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp như trồng cam, lúa; nuôi cá và các loại gia súc như trâu, bò, dê; cây công nghiệp có chè; cây lâm nghiệp có keo... Với các điều kiện, tiền đề đó, từ điểm xuất phát rất thấp, nền kinh tế của huyện đã đạt tới bước phát triển mới và đi dần vào thế ổn định.
Phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện trong buổi làm việc với Lãnh đạo UBND huyện Hàm Yên
Để tiếp tục đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tập trung vào khâu đột phá: Xây dựng huyện nông thôn mới gắn với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế. Đảng bộ Huyện xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch; Huy động nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung giao thông, đô thị; Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 mà Huyện đã đặt ra là: Thu nhập bình quân đầu người trên 55 triệu đồng/người/năm; Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh năm 2010) trên 3.100 tỷ đồng, tăng bình quân 6,3%/năm; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) trên 1.830 tỷ đồng, tăng bình quân 8,2%/năm; 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ đô thị hóa 16%; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trên 155 tỷ đồng; Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 3%...
Cam sành Hàm Yên là sản phẩm OCOP gắn sao và được khách hàng rất ưa chuộng
Ngay từ những năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ của giai đoạn, huyện Hàm Yên đã thực hiện có hiệu quả bài toán phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào tăng trưởng của tỉnh Tuyên Quang và của cả nước nói chung. Kết quả, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2021 đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng 47% so với năm 2016; Giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện đến năm 2021 đạt 1.352,2 tỷ đồng, tăng 51,3% so với năm 2016; tổng sản lượng lương thực (lúa, ngô) đến năm 2021 đạt 53.415 tấn, đạt 100% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2021 đạt 109,1 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2016; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2016, cùng với phát triển kinh tế huyện khai thác triệt để đất đai, tiểu vùng khí hậu và thương hiệu đã có để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hoá, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cam sành – sản phẩm chủ lực của huyện Hàm Yên
Huyện đã tích cực thu hút đầu tư phát triển những ngành công nghiệp có tiềm năng trên địa phương mình như: Công nghiệp chế biến, điện, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số dự án đầu tư đáng chú ý trên địa bàn Huyện phải kể đến: Dự án nhà máy đường Tuyên Quang tại xã Bình Xa; Dự án sản xuất giầy dép xuất khẩu; dự án nhà máy chế biến gỗ, 02 nhà máy sản xuất gạch tại xã Thái Sơn; 02 dự án nhà máy Thủy điện trên Sông Lô. Đồng thời, phát huy lợi thế về trục đường giao thông, các danh thắng và lễ hội văn hoá truyền thống để phát triển dịch vụ du lịch nhằm quảng bá về mảnh đất, con người Hàm Yên với bạn bè gần xa.
Hội chợ OCOP Tuyên Quang năm 2021 công bố chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên. Ảnh: Đào Thanh
Đặc biệt, nhờ chú trọng phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện Hàm Yên đã hình thành một số vùng chuyên canh tập trung như: Vùng trồng cam với diện tích cam lên đến trên 6.000 ha. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu “Cam sành Hàm Yên” trên thị trường cả nước với những đặc điểm nổi bật của sản phẩm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá “Thương hiệu cam sành Hàm Yên”, chỉ dẫn địa lý cam sành Hàm Yên. Ngoài ra, Huyện tập trung hình thành những vùng chuyên canh, cây chè, cây lâm nghiệp; trồng cây mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường Tuyên Quang; phát triển các cây ăn quả (cây chanh tứ quý, cây bưởi, thanh long ruột đỏ, Táo Động tiên, …); phát triển đàn trâu, phát triển giống vịt bầu đặc sản (Vịt bầu Minh Hương), phát triển cá trên địa bàn các xã, thị trấn; triển khai Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đạt kết quả tích cực, đến nay huyện có 09 sản phẩm OCOP (trong đó: 01 sản phẩm 4 sao và 08 sản phẩm 3 sao).
Người dân xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cùng lực lượng kiểm lâm địa bàn.
Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang Online
Bên cạnh đó, Huyện thực hiện huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung cho giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới. Đến nay trên địa bàn huyện Hàm Yên đã có 08/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Xã Bình Xa, Đức Ninh, Thái Hòa, Nhân Mục, Phù Lưu, Minh Dân, Thái Sơn, Tân Thành), 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Bình Xa); dự kiến đến hết năm 2022 có thêm 03 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Bạch Xa, Minh Khương, Yên Phú). Cùng với nguồn vốn của Nhà nước, Huyện huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng kênh mương, giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Diện mạo từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, thị trấn đều đổi mới khang trang; thị trấn Tân Yên đạt đô thị loại V với các công trình xây dựng như Quảng trường Toàn Thắng, trụ sở mới của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện... Theo kế hoạch đến hết năm 2024 huyện Hàm Yên hoàn thành 09/09 tiêu chí huyện nông thôn mới và đến năm 2025 huyện Hàm Yên được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tặng quà tiền mặt 5 triệu đồng cho Tổ dân phố Bắc Yên, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên thực hiện bê tông hoá tuyến đường trong Tổ dân phố
Ngoài ra, để phát huy lợi thế địa phương đã được xác định trong khâu đột phá, Hàm Yên đang triển khai thực hiện 06 mô hình du lịch trên địa bàn huyện, trong đó: 05 mô hình du lịch vườn cây ăn quả tại 4 xã, thị trấn (xã Yên Phú, xã Đức Ninh, xã Yên Lâm và thị trấn Tân Yên) và 01 mô hình Làng văn hóa các dân tộc thôn Pác Cáp xã Phù Lưu. Hiện nay các mô hình đang triển khai thực hiện chỉnh trang khuôn viên, xây dựng các điểm dừng chân, check in. Đối với mô hình làng văn hóa hiện đang lựa chọn các hộ để xây dựng dịch vụ nhà nghỉ homestay.
Huyện Hàm Yên phát động phong trào bê tông hoá đường giao thông nông thôn
và xây dựng cầu trên đường GTNT.
Ảnh: Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, huyện Hàm Yên cùng nhân dân Tổ dân phố Bắc Yên, thị trấn Tân Yên
khởi công đổ bê tông tuyến đường tại tổ dân phố Bắc Yên
Những thành tựu đạt được cùng những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đã cho thấy sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Hàm Yên trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, nỗ lực thực hiện khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện đã đề ra cho giai đoạn 2021-2025. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang và các cấp lãnh đạo Huyện, Hàm Yên sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2021-2025, mang lại sự thay đổi toàn diện cho nền kinh tế địa phương và đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân./.
Nghĩa Thủy