Định Hoá là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên là 513,774 km2. Nhiều vị trí có địa hình bằng phẳng trên núi cao tại các xã phía Bắc của huyện Định Hóa rất phù hợp để phát triển tổ hợp sân Golf, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng. Đồng thời, Huyện nằm trong vùng an toàn khu (ATK) với rất nhiều điểm di tích lịch sử cách mạng, có đền thờ Bác Hồ, nơi làm việc của nhiều Bộ, ngành Trung ương thời kháng chiến chống Pháp... Vì vậy, rất có tiềm năng để phát triển du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh.
Đồng chí Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa
Đi lên từ tiềm năng, lợi thế của địa phương
Trong những năm qua, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện Định Hóa đã đẩy mạnh cải cách hành chính, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, tăng cường kỷ luật kỷ cương… để thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện và đã thu được một số kết quả nhất định. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hết năm 2023 ước đạt 1.200 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống dưới 3%; thu hút được một một số doanh nghiệp đầu tư vào huyện như Công ty cổ phần Thagaco, Nhà máy gạch không nung Hậu Thủy, Nhà máy chè Sơn Phú... Đời sống nhân dân ngày càng được ổn định.
Người dân làng Saemaul Phú Ninh, xã Phú Đình, huyện Định Hóa thu hái chè. Ảnh: Tư liệu
Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Định Hóa đạt những kết quả khả quan. Từ năm 2011 đến năm 2021, huyện Định Hóa có 11 xã đạt chuẩn NTM. Kết thúc năm 2022, huyện có thêm 05 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 16/22 xã, đạt tỷ lệ 72,7%. Dự kiến hết năm 2023 sẽ có 22/22 xã và huyện Định Hóa sẽ là huyện đạt chuẩn NTM.
Với cơ cấu đất nông, lâm nghiệp là chủ yếu (chiếm 92%) nên Huyện tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, trong đó: Cây lúa, cây chè là những cây trồng chủ lực của huyện; cây quế được xác định là cây trồng mũi nhọn, đang là hướng đi mới, được quan tâm, tập trung chỉ đạo.
Du khách chọn mua sản phẩm OCOP của huyện Định Hóa tại Nhà trưng bày ATK
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Định Hóa đã tập trung chỉ đạo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn đi đôi với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Huyện thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã (HTX), lấy kinh tế HTX nông nghiệp làm trung tâm để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; an toàn, thân thiện với môi trường.
Sản xuất đũa từ cây cọ Định Hóa (Ảnh: Thảo Nguyên)
Hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa có 42 HTX đang hoạt động; trong đó có 37 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm qua, các HTX trên địa bàn Huyện luôn được các cấp ủy đảng chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ từ các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Huyện đã có 08 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao (04 sản phẩm trà; 03 sản phẩm gạo và sản phẩm được chế biến từ gạo; 01 sản phẩm đũa cọ). Theo kế hoạch năm 2023, Huyện có thêm 05 sản phẩm được xếp hạng. Hiện nay đã có 08 sản phẩm đăng ký phân hạng và đang thực hiện các bước theo chu trình.
Đẩy nhanh tiến độ công tác san lấp mặt bằng Cụm công nghiệp Tân Dương, huyện Định Hóa
Phấn đấu thực hiện các mục tiêu đề ra đến năm 2025
Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu đến năm 2025: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4%/năm trở lên. Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất nông nghiệp trồng trọt đến năm 2025 đạt 105 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 10%/năm trở lên; Tỷ lệ nghèo đa chiều đến năm 2023 giảm 7,5%; (năm 2024 và 2025, mỗi năm giảm 1,5% trở lên); 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Chợ Chu đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện Định Hoá đạt chuẩn nông thôn mới...
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Định Hóa tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện 03 đột phá. Đó là, tập trung phát triển đô thị để đến năm 2025, thị trấn Chợ Chu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV; Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực công nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn huyện; Phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch lịch sử - văn hóa.
Dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Định Hóa dự kiến hoàn thành
và đi vào hoạt động vào đầu năm 2024.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới; chủ động ứng phó với dịch bệnh, thiên tai; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Huyện; khuyến khích, thực hiện liên kết theo chuỗi sản phẩm đối với các làng nghề chè, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm trà Định Hóa; củng cố, phát triển các hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia thực hiện các mô hình, dự án gắn với Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Nhà tưởng niệm Bác Hồ nằm trên đỉnh đèo De, tựa vào dãy núi Hồng - địa danh nổi tiếng thuộc xã Phú Đình,
huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng Khu du lịch lịch sử sinh thái Chùa Hang - Di tích lịch sử nhà tù Chợ Chu - Hồ Bảo Linh, hạ tầng du lịch ATK Phú Đình... Tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh ATK Định Hóa anh hùng với đồng bào và nhân dân cả nước; phối hợp xây dựng và khai thác các tuyến du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm xanh trên địa bàn huyện./.
Nguyễn Minh Tú
Chủ tịch UBND huyện Định Hóa