Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng
Số liệu công bố tại lễ tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex ngày 8-1-2013, tại Hà Nội cho biết, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 17,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2011. Như vậy, nếu so sánh con số tăng trưởng 8,5% của năm 2012 với 38% của năm 2011 thì rõ ràng, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2012 có dấu hiệu giảm rõ rệt. Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu đặt con số này giữa bối cảnh chung của toàn ngành dệt may thế giới thì rõ ràng, thành tích của ngành dệt may năm nay hoàn toàn không thấp.
Cụ thể, năm 2012, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu dệt may cũng bị ảnh hưởng bởi giá xuất khẩu của năm nay xuống thấp hơn so với năm 2011 từ 7 – 8%, thậm chí có mặt hàng thấp hơn đến 10%. Điều này chứng tỏ, dù kim ngạch chỉ đạt tăng trưởng 8,5% nhưng sản xuất hoàn toàn không giảm so với năm 2011. Bên cạnh đó, dù nhu cầu nhập khẩu dệt may nói chung tại nhiều thị trường lớn có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm sút nhưng hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào các thị trường này vẫn tăng trưởng ổn định. Cụ thể, mặc dù nhập khẩu dệt may nói chung vào thị trường Mỹ giảm 0,5% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9,2%, đạt 7,5 tỷ USD; Nhập khẩu dệt may nói chung vào Hàn Quốc giảm 7% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9%, đạt 1,3 tỷ USD; Nhập khẩu dệt may nói chung vào Nhật Bản tăng 8% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng đến 19,3%, đạt hai tỷ USD. Nhóm các thị trường khác như Châu Phi, Trung Đông… vẫn duy trì được mức tăng trưởng từ 3,17 tỷ USD của năm 2011 lên 3,77 tỷ USD cho năm 2012, tăng trưởng khoảng 19%.
Như vậy, khi đặt trong bối cảnh suy giảm chung của ngành dệt may toàn thế giới, thành tích tăng trưởng 8% của ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn không phải là điều dễ dàng có được. Việc giữ vững tốc độ tăng trưởng tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã giúp ngành dệt may tạo đà để mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Châu Phi, Trung Đông... Đặc biệt, năm 2012 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc vượt qua mốc một tỷ USD, đưa dệt may trở thành nhóm ngành hàng có bốn thị trường trọng điểm nằm trong 25 thị trường có kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Riêng với thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đóng góp 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Với thành tích như vậy, năm 2012 cũng là năm thứ tư liên tiếp ngành dệt may đứng đầu trong các nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước ta.
Năm 2012 cũng ghi nhận sự cố gắng của nhiều DN dệt may trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cũng như tăng giá trị xuất khẩu. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu dệt may đạt 8,8 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại của ngành dệt may đạt 8,4 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ.
“Đuối” ở thị trường trong nước
Không có được bảng thành tích đẹp như xuất khẩu, năm 2012, sức tiêu thụ mặt hàng dệt may tại thị trường trong nước vẫn chưa đạt được như mong muốn. Ông Lê Tiến Trường chia sẻ: Doanh thu ở thị trường nội địa của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) năm 2012 đạt khoảng 900 triệu USD, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ 2011. Đây là con số tăng trưởng thấp nhất từ năm 2007 đến nay. Đối với Vinatex, doanh thu tại thị trường nội địa chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu. Như vậy, tỷ trọng hàng xuất khẩu và hàng tiêu thụ trong nước hiện ở mức 70% – 30%. Nếu so sánh với tỷ lệ 85% – 15% cách đây vài năm, con số này đã thay đổi. Tuy nhiên nếu so sánh với sự tăng trưởng khá nhanh chóng của kim ngạch xuất khẩu thì con số tăng trưởng tại thị trường nội địa lại khá thấp, đặc biệt trong hoàn cảnh nhu cầu hàng dệt may tại thị trường trong nước còn khá lớn.
Nói về nguyên nhân khiến hàng dệt may chưa chiếm lĩnh được thị trường trong nước, không thể không nhắc đến sức mua sụt giảm trong suốt cả năm 2012 với tất cả các mặt hàng, không loại trừ dệt may. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng giá cả chưa hấp dẫn mới chính là rào cản chính khiến các sản phẩm dệt may Việt Nam khó chinh phục thị trường nội địa. Chính ông Lê Tiến Trường cũng khẳng định: “DN dệt may không thể làm tất cả các mặt hàng, từ phân khúc hàng giá rẻ đến phân khúc hàng cao cấp vì các mặt hàng này có rất nhiều điểm khác nhau về phương thức sản xuất, kiểu phân phối, hình thức quảng cáo, marketing… Chính vì vậy, Vinatex đang tập trung vào phân khúc hàng cao cấp, sản phẩm khó, thị trường tại các đô thị lớn”. Với định hướng này, trung bình một chiếc sơ mi sản xuất trong nước sẽ có giá khoảng 200 – 250 ngàn đồng/chiếc – rõ ràng không phải mức giá mà phần đông người tiêu dùng có thể dễ dàng bỏ ra. Như vậy, dù là một “tên tuổi đang lên” trên bản đồ dệt may thế giới, dù doanh thu tại thị trường trong nước vẫn tăng trưởng từng năm, nhưng thực tế do mức giá còn khá cao nên mức độ “phổ cập” các sản phẩm dệt may Việt Nam là chưa rộng. Đứng trước sức cạnh tranh của hàng dệt may nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là hàng Trung Quốc, có thể hiểu sự lựa chọn phân khúc hàng cao cấp của các DN dệt may Việt Nam, tuy nhiên, việc một quốc gia có sự tăng trưởng xuất khẩu khá mạnh về dệt may mà những đối tượng người tiêu dùng chính – nông dân và người có thu nhập thấp lại khó có thể được sử dụng hàng dệt may “Made in Vietnam” một cách đại trà thực sự là một nghịch lý khó chấp nhận. Việc đầu tư công nghệ, mở rộng phân khúc thị trường, sản xuất hàng có chất lượng, giá cả phải chăng là điều nên được các DN tính đến, đặc biệt trong hoàn cảnh thực tế nhu cầu các sản phẩm dệt may trong nước hoàn toàn không nhỏ?
Năm 2013, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 18,8 – 19,2 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 9% so với năm 2011.