Hòa Bình tăng tính kết nối nhờ giao thông "đi trước" mở đường

|

Hòa Bình tăng tính kết nối nhờ giao thông "đi trước" mở đường

Với phương châm “đi trước một bước”, tỉnh Hòa Bình đã tranh thủ tối đa các nguồn lực từ Trung ương và nhà đầu tư để đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công đường liên kết vùng
Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - Ảnh: Nhật Bắc

Giao thông kết nối, lan tỏa

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình Bùi Đức Hậu, cho biết: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các dự án, công trình giao thông quan trọng là một trong những khâu đột phá chiến lược đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngành Giao thông Hòa Bình đã kịp thời đề xuất, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Đồng thời phá vỡ các điểm nghẽn, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, du lịch, và tạo quỹ đất mới để phục vụ xây dựng, đầu tư hạ tầng thương mại, đô thị, nhà ở xã hội.

Nhiều dự án đã có sức lan tỏa, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Các dự án như: Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53, địa phận tỉnh Hòa Bình); đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với quốc lộ 6… có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các tuyến đường trục chính đô thị cũng được đầu tư khá đồng bộ, như hoàn thiện đường nối từ QL.6 vào đường Chi Lăng; đường Quang Tiến - Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình; đường nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1); đường xuyên tâm thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu; đường Thị trấn Đà Bắc - Thanh Sơn, Phú Thọ;... Qua đó, tạo ra quỹ “đất vàng”, với hàng loạt dự án hạ tầng thương mại, đô thị, nhà ở xã hội đang sôi động triển khai thu hút các Nhà đầu tư, tạo đà phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh.

Tính đến hết năm 2023, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của Hòa Bình đã có sự gia tăng về số lượng km, từ khoảng 10.680 km lên khoảng 10.998 km, tăng khoảng 318 km đường bộ các loại. Tỷ lệ bê tông hoá, nhựa hoá của các loại đường cũng được tăng lên đáng kể, trong đó hệ thống quốc lộ, đường 229 và đường tỉnh đã đạt tỷ lệ bê tông hoá, nhựa hoá 100% và đường huyện đạt 98%. Hệ thống cầu qua sông tăng 04 cầu so với năm 2020, với tổng chiều dài 2.125,66m.

Đột phá trong quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông

Đường Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ được mở lên 6 làn theo hình thức PPP.
Trong ảnh: Giai đoạn 01 tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng

Hòa Bình xác định rõ nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông dựa trên cơ sở định hướng quy hoạch của Quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, gắn với sự hài hoá, đồng bộ giữa đường bộ, đường thủy và đường sắt.

Theo đó, Hòa Bình ưu tiên phát triển các tuyến cao tốc qua địa bàn, gồm: CT.02, CT.03, các tuyến đường này đã đưa vào khai khác với quy mô cao tốc, tiền cao tốc. Một số trục quốc lộ chính được đầu tư, nâng cấp tối thiểu đường cấp III (QL.12B; QL.21; QL.15;...) và các đoạn tuyến quốc lộ tránh qua các khu vực đô thị (TP. Hòa Bình, Mai Châu, Chi Nê, Vụ Bản, Bo, Lương Sơn, Cao Phong,...) cũng được đầu tư hoàn thiện.

Các đường trục chính trong đô thị theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo 100% mặt đường bê tông nhựa, láng nhựa, bê tông xi măng. Trong khi các tuyến đường tỉnh được quy hoạch đầu tư, nâng cấp đạt tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV. Ngoài ra, Hòa Bình cũng đã quy hoạch chi tiết nhằm nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn vào cấp và đạt chuẩn theo tiêu chuẩn thiết kế đường bộ.

Theo quy hoạch, Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030, tổng chiều dài đường cao tốc khoảng 153,32 km, quốc lộ đạt khoảng 478,44 km (tăng thêm 156,34 km so với hiện tại). Tổng chiều dài đường tỉnh, liên huyện đến năm 2030: Đạt khoảng 677,85 km (tăng khoảng 187,35 km). Mật độ đường quốc lộ và đường tỉnh của tỉnh sẽ đạt 23,5m/100Km2 (trong đó quốc lộ là 478,44 km, đường tỉnh là 677,85 km).

Để triển khai đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông và triển khai nhanh, hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Hòa Bình sẽ bám sát định hướng quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng có tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công. Tạo mặt bằng sạch để phục vụ đầu tư xây dựng…

Với các dự án được đầu tư theo quy hoạch, hạ tầng giao thông của Hòa Bình sẽ từng bước đồng bộ kết nối với vùng Thủ Đô và các tỉnh khu vực Tây Bắc, tạo động lực để Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030./.

Đình Long