Cục Hải quan Lạng Sơn: Đẩy mạnh chuyển đổi số, thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh

|

Cục Hải quan Lạng Sơn: Đẩy mạnh chuyển đổi số, thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số và hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, Cục Hải quan Lạng Sơn đã nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Tỉnh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được Bộ và Tỉnh giao.

Xe hàng hóa xuất nhập khẩu đang làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Bắc, có đường biên giới dài 231,74 km tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, nước CHND Trung Hoa, với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và 9 cửa khẩu phụ. Lạng Sơn có vị trí đắc địa, đầu cầu quan trọng kết nối Khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Những năm qua, Lạng Sơn luôn là một trong những khu vực thông quan và xuất nhập khẩu hàng hóa lớn của cả nước.

Với vai trò thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn, thời gian qua, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm triển khai nhiều phương án, giải pháp nhằm nâng cao năng lực thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn Tỉnh. Trong đó, công tác phối hợp, hợp tác, trao đổi thông tin với Hải quan Trung Quốc trong quá trình thông quan hàng hóa XNK là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Cục duy trì các kênh liên lạc với nước bạn Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi thương mại và thực thi hiệu quả kiểm soát hải quan, tiến hành trao đổi số liệu dữ liệu theo yêu cầu phục vụ công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Cục chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu chủ động trao đổi, hợp tác với Hải quan Trung Quốc trong công tác quản lý hàng hóa XNK, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa XNK tại địa bàn Chi cục quản lý. Đồng thời, Cục cũng tham gia đoàn công tác của Tổng cục Hải quan làm việc song phương với Hải quan Trung Quốc về mô hình “Hải quan thông minh, Biên giới thông minh, Kết nối thông minh” tại Nam Ninh, Trung Quốc....

Giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp tại Của khẩu quốc tế Hữu Nghị

Song song công tác phối hợp với nước bạn, Cục Hải quan Lạng Sơn đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan. Ngay từ năm 2014, toàn bộ thủ tục hải quan đã được triển khai bằng phương thức điện tử và thực hiện thống nhất toàn quốc trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Đến năm 2022, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn tiếp tục xây dựng “Kế hoạch chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ” nhằm tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp gắn với thực hiện cửa khẩu số. Đến nay, 100% thủ tục hành chính được triển khai trên hệ thống dịch vụ công, 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số, 50% hàng hóa xuất nhập khẩu có độ rủi ro cao được giám sát bằng seal định vị điện tử, 100% các cửa khẩu, các kho, bãi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đáp ứng điều kiện triển khai hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động để giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra bằng phương pháp điện tử.


Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra rất thuận lợi, doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục hải quan mọi lúc mọi nơi, trên nhiều thiết bị, nhiều trường hợp, doanh nghiệp chỉ khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều thủ tục hành chính, giúp nâng cao tính minh bạch, phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, thời gian thông quan hàng hóa được rút ngắn giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả, trong năm 2023, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn của tất cả các loại hình xuất nhập khẩu (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt 52,028 tỷ USD, tăng 85,12% so với năm 2022. Lượng phương tiện xuất nhập khẩu trung bình đạt 1.100 xe -1.300 xe/ngày.

Thời gian tới, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan và định hướng trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Cục Hải Quan Lạng Sơn đang chuẩn bị các điều kiện để khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh. Với cửa khẩu thông minh, hai nước Việt - Trung cùng phối hợp xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa độc lập, khép kín tách biệt với đường vận chuyển hàng hóa hiện nay đang sử dụng, trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình “giao nhận” hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua việc áp dụng phương thức vận chuyển hàng hóa không người lái di chuyển theo tuyến đường cố định, không gián đoạn 24/7 từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, kết hợp với các thiết bị cẩu container tự động hóa trên cơ sở định vị vệ tinh và công nghệ 5G. Việc đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh dự kiến được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 2/2024 đến tháng 12/2025), tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng. Giai đoạn II (từ tháng 1/2026 đến tháng 12/2028) đi vào vận hành thí điểm.

Với mô hình cửa khẩu thông minh, Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 4 - 5 lần so với thời điểm hiện tại. Mục tiêu đến năm 2030, tổng kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu tất cả các loại hình qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đạt từ 100 tỷ USD trở lên; qua cửa khẩu Tân Thanh đạt từ 25 tỷ USD trở lên. Đặc biệt, mô hình này sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu./.

Đình Long