Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Cao Lộc chú trọng chỉ đạo thực hiện bài bản, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân. Qua đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn của Huyện ngày thêm khởi sắc, phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Nhân dân đồng lòng, chung sức cùng xây dựng NTM
Lãnh đạo UBND huyện Cao Lộc tiếp nhận kinh phí hỗ trợ
xây dựng NTM của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện
Huyện Cao Lộc có tổng diện tích tự nhiên xấp xỉ 62 ngàn ha, phần lớn trong đó là đất nông nghiệp (chiếm 92%). Năm 2023, dân số toàn Huyện là 82.890 người bao gồm các dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa và các dân tộc khác sinh sống trên phạm vi của 20 xã và 02 thị trấn với 154 thôn, khu, khối phố.
Xác định công tác quy hoạch đi trước một bước, Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia huyện Cao Lộc đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát, điều chỉnh, lập mới và triển khai quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021 - 2030 cho 16 xã với tổng kinh phí gần 6,3 tỷ đồng. Đến hết năm 2023 đã có 05/20 xã đạt chuẩn tiêu chí quy hoạch. Chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã đáp ứng được yêu cầu là cơ sở cho việc xây dựng các Đề án xây dựng nông thôn mới xã trong giai đoạn trước mắt, phục vụ tốt cho công tác xây dựng nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2030.
Diện mạo nông thôn mới ở Cao Lộc ngày càng khởi sắc
Để tạo nên phong trào xây dựng nông thôn mới ở Cao Lộc, ngày càng đi vào thực chất, Huyện đẩy mạnh công tác với nhiều hình thức: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, Nhân dân các dân tộc trong huyện Cao Lộc đã phát huy vai trò chủ thể, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để đẩy nhanh thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Thời gian qua, trong số hàng trăm con đường lớn nhỏ được bê tông hóa hay rải nhựa, có hàng nghìn mét vuông đất là do người dân tự nguyện hiến tặng để làm đường. Tính riêng năm 2023, người dân Cao Lộc đã tự nguyện hiến 34.820 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, sân thể thao thôn và các công trình hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn; đóng góp trên 1,3 tỷ đồng thực hiện các công trình nông thôn mới. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng giao thông của toàn Huyện từng bước được hoàn thiện và nâng cấp kết nối liên xã, liên huyện. Đến hết năm 2023, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 64%; có 11/20 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông.
Song song với mạng lưới giao thông, Huyện còn đầu tư sửa chữa, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai; xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn theo quy định. Năm 2023, tỷ lệ dân cư nông thôn của Huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%; có 19/20 xã đạt chuẩn tiêu chí về thủy lợi. Hệ thống lưới điện nông thôn cũng được cải tạo và nâng cấp với 18/20 xã đạt chuẩn tiêu chí điện. Đồng thời, Huyện cũng đầu tư xây dựng, sửa chữa 15 trường học trên địa bàn với tổng kinh phí gần 70 tỉ đồng. Các trường THCS xã Thụy Hùng, Tiểu học xã Cao Lâu và Mầm non xã Gia Cát đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Việc chăm lo sức khỏe cho người dân tại các trạm y tế xã, trung tâm y tế Huyện được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhờ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế được bổ sung trang bị, nâng cấp theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh.
Nông thôn khởi sắc, nông nghiệp phát triển
Chuyển đổi sang trồng hồng không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong huyện Cao Lộc
Bên cạnh việc nâng cấp hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Cao Lộc còn huy động tổng hợp các nguồn lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất. Đến hết năm 2022, trên địa bàn Huyện có 153,5 ha diện tích sản phẩm nông, lâm nghiệp đã được chứng nhận Vietgap, 45,5ha được chứng nhận Hữu cơ. Trong năm 2023, Huyện phát triển thêm 48 ha với 05 sản phẩm được chứng nhận Vietgap, đó là, lúa bao thai, hồng không hạt và hồi. Trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo tiêu chuẩn chất an toàn, Huyện tập trung duy trì 12 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiện có (đạt được năm 2022) và phát triển 10 chuỗi liên kết mới (thực hiện năm 2023) có hiệu quả.
Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, huyện Cao Lộc đã triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2023, Huyện có 07 sản phẩm của 05 chủ thể đăng ký tham gia chương trình được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy định. Ngoài ra, Huyện tham gia các hoạt động trưng bày các sản phẩm OCOP, mời, khuyến khích, hỗ trợ các Hợp tác xã, chủ thể tiêu biểu có các sản phẩm đặc sản, chủ lực của Huyện tham gia các hoạt động quảng bá, hỗ trợ thiết kế, bảo hộ logo cho các chủ thể, hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất, mã vạch, bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ tư vấn, hoàn thiện hồ sơ, viết câu chuyện sản phẩm cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND thị trấn Cao Lộc mở 01 điểm giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn, bước đầu hình thành điểm du lịch cũng như điểm giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm cấp xã cũng được mở mang, xây dựng mới. Đội ngũ cán bộ chuyên môn của Huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh nâng cấp các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, cửa hàng tạp hóa được đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Đến hết năm 2023, 100% xã của Cao Lộc đạt chuẩn tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Sự khởi sắc của nền kinh tế đã giúp Huyện giảm số hộ nghèo giảm xuống còn 5,27%; tạo thêm việc làm mới cho hàng nghìn lao động, góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Cao Lộc đã tạo nên phong trào sâu rộng, có sức lôi cuốn, nhận được sự đồng thuận ủng hộ cao từ người dân đem lại hiệu quả thiết thực. Điều này được minh chứng rõ nhất tại xã Gia Cát. Năm 2015, Gia Cát là xã đầu tiên của huyện Cao Lộc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, những năm sau đó, Gia Cát tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu mới. Cụ thể, xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động huy động nguồn lực của người dân cùng chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí. Đến năm 2022, 100% tuyến đường trục xã, trục thôn được cứng hóa, có đèn chiếu sáng và giữ gìn sạch đẹp; 91,5% đường ngõ, xóm được cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; 100% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện lưới quốc gia; 3/3 trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo quy định; 100% nhà văn hóa thôn đạt chuẩn; tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 100%… Thành công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao góp phần nâng cao thu nhập, đẩy nhanh giảm nghèo trên địa bàn Gia Cát. Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022, hiện nay Gia Cát đang tiếp tục lộ trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với nền tảng vững chắc bằng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
Với sự đoàn kết và sáng tạo, người dân Cao Lộc đã và đang biết cách tự làm thay đổi mình về mọi mặt, cùng nhau tạo nên những chuyển biến mới về đời sống, văn hóa của mỗi nhà, mỗi người, của bản làng ngày một ấm no, hạnh phúc. Tính đến năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn Huyện đạt 285/380 tiêu chí (các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2021 đánh giá đạt 19/19 tiêu chí, các tiêu chí bị ảnh hưởng do tác động của Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 08/3/3022 sẽ thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng và đạt các tiêu chí trong giai đoạn 2023-2025), đạt 75%, tăng 26 tiêu chí so với năm 2022, số tiêu chí bình quân trên xã đạt 14,25/19 tiêu chí. Có 10/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 50%, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trịnh Long