Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản, đồng thời khai thác sức mạnh của thương mại điện tử, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm kiếm, mở rộng thị trường …, ngành Công Thương Sơn La đã góp phần đảm bảo ổn định sản xuất, tạo thế vững chắc cho phát triển kinh tế.
Nỗ lực thúc đẩy công nghiệp chế biến
Sơn La là vựa cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước với diện tích trên 4.700 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, Tỉnh đã xây dựng được các vùng trồng tập trung, có quy mô lớn với cây trồng chủ lực như: cà phê (khoảng 20.782 ha), chè hiện (có 5.857ha), mía (trên 10.136) ha và sắn (đạt 42.093 ha). Đây chính là lợi thế để Sơn La phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản có khả năng cạnh tranh cao.
Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung rà soát, hoàn thiện các quy hoạch như: Quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch hạ tầng khu, cụm công nghiệp, giao thông, thương mại; triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La. Cùng với đó, Sở Công Thương cùng với các địa phương, ban ngành liên quan cũng tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn, đảm bảo các vấn đề môi trường trong sơ chế, chế biến nông sản; xây dựng và phát triển hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp để kết nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Đến nay, công nghiệp chế biến tỉnh Sơn La có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quy mô sản xuất của các cơ sở công nghiệp chế biến được mở rộng, từng bước áp dụng các công nghệ chế biến mới, tiên tiến, hiện đại. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh hiện, có trên 30 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, trong đó 01 nhà máy đường; 02 nhà máy tinh bột sắn; 08 cơ sở chế biến cà phê nhân; trên 20 cơ sở sản xuất chè,...; Ngoài ra, Tỉnh còn có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ như: Sản xuất rượu ngô, mận; các loại hoa quả sấy: mận; xoài; chuối; mắc ca. Một số nhà máy có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đó là: Nhà máy sữa Mộc Châu (ViNaMilk Mộc Châu) với công suất chế biến sữa tươi tiệt trùng lên 200 tấn/ngày, sản xuất sữa chua công suất 30 tấn/ngày; Nhà máy đường Mai Sơn công suất 5.000 tấn mía cây/ngày; Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Mai Sơn công suất chế biến đạt 300 tấn tinh bột ngày; các nhà máy chế biến Chè công suất trung bình đạt 50 - 70 tấn chè búp tươi/ngày (đặc biệt, 5 nhà máy có công suất trên 200 tấn/ngày).
Dây chuyền sấy tĩnh hạt cà phê của Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La
Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, tình hình sản xuất công nghiệp Sơn La cũng đối mặt nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng cao; dịch bệnh, biến đổi khí hậu có diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương Sơn La đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp khai thác hết công suất hiện có, đầu tư cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao trình độ quản trị điều hành và nâng cao chất lượng lao động. Năm 2023, đã có hơn 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có trên 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu được tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ (về tín dụng, đào tạo, tiếp cận thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ…) để vận hành ổn định, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Song song với đó, Sơn La đã tập trung cao cho công tác thu hút đầu tư nhất là các doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả. Trong năm 2023, Tỉnh cũng có thêm các dự án đầu tư mới chính thức đi vào hoạt động góp phần gia tăng giá trị nông sản chủ lực như: Nhà máy chế biến cà phê Sơn La, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La; Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc, Dây chuyền chế biến trà Cascara của Công ty cổ phần Phúc Sinh.
Sau 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số toàn ngành công nghiệp tỉnh Sơn La tăng 1,5%, trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến nông sản tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: chè sơ chế tăng 22,2%; sữa tươi tiệt trùng tăng 8,1%; đường kính tăng 4,7%; tinh bột sắn tăng 1,5%. Giá trị hàng nông sản chế biến tham gia xuất khẩu ước đạt 95,1 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh sự khởi sắc của công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất điện cũng là thế mạnh của tỉnh Sơn La và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn Ngành. Tổng sản lượng điện của Sơn La năm 2023 đạt khoảng 10,5 tỷ kwh (chiếm khoảng 13,5% sản lượng thủy điện của cả nước), đóng góp vào ngân sách tỉnh 1.374 tỷ đồng (chiếm 32% tổng thu ngân sách trên địa bàn). |
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử
Nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của sản phẩm chủ lực của địa phương (đặc biệt là nông sản), song song với hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, ngành Công Thương Sơn La còn tăng cường các hoạt động gắn kết sản xuất với tiêu thụ, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tận dụng thế mạnh của thương mại điện tử (TMĐT) để mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong lẫn ngoài nước.
tại hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op trên toàn quốc
Cụ thể, Sở Công Thương Sơn La đã phối hợp tổ chức và khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội nghị XTTM trực tiếp và trực tuyến, các tuần trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm do các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố tổ chức; duy trì các điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Bên cạnh đó, Sở cũng chủ động cung cấp thông tin và đề nghị các tỉnh, thành phố trong khu vực (đặc biệt trung tâm kinh tế của cả nước) phối hợp, hỗ trợ XTTM và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La. Đồng thời cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn đưa thông tin kịp thời về các hoạt động XTTM, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản để thu hút đông đảo đối tác, người tiêu dùng trong và ngoài nước tìm hiểu, kết nối giao thương và mua bán sản phẩm.
Đáng chú ý trong năm 2023, ngành Công Thương Sơn La đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác tham dự Hội chợ Thương mại Quốc tế Trung - Việt lần thứ 29 và “Lễ hội Du lịch Biên quan Trung - Việt” tại TP Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, tham gia trưng bày gian hàng tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023) tại thành phố Nam Ninh (một trong những sự kiện XTTM lớn nhất được tổ chức tại Trung Quốc). Đối với thị trường trong nước, Ngành đã tham mưu để tỉnh tổ chức thành công Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm cà phê Sơn La trong chuỗi các sự kiện tại Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 góp phần để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân, du khách tham quan, trải nghiệm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hội chợ Thương mại quốc tế Trung - Việt lần thứ 29. Ảnh: Trọng Vinh
Song song với công tác xúc tiến thương mại, ngành Công Thương Sơn La cũng đã bắt kịp xu thế “bùng nổ” của TMĐT khi tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương đưa các sản phẩm hàng nông sản của tỉnh Sơn La lên sàn thương mại điện tử hợp nhất Sanviet.vn (địa chỉ giới thiệu và bán các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các địa phương trên địa bàn toàn quốc), đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên 03 sàn thương mại điện tử quốc tế (Alibaba.com, EC21.com, Agrimp.com).
Ngoài ra, ngành Công Thương Sơn La cũng đã tổ chức các lớp tập huấn tập huấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh… trên địa bàn tỉnh tiếp cận, nâng cao kỹ năng, nắm được quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội, tập trung vào sàn TMĐT Postmart và TikTok... Thực tế cho thấy, so với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá.
Anh Bùi Văn Toản (huyện Mai Sơn) chủ kênk tiktok “Nông sản Tây Bắc 26”
với 200 nghìn lượt theo dõi, giúp người trồng mận ở Yên Châu tiêu thụ 3-5 tấn mận hậu/ngày
Trong xuất khẩu hàng hóa, Ngành phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thường xuyên cập nhật thông tin thị trường và các quy định xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX định hướng sản xuất, tiêu thụ, mở rộng thị trường ngoài nước. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2023 đạt trên 186,8 triệu USD, tăng 6,9%, trong đó giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,6 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm của Sơn La được xuất khẩu tới 21 nước và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu tại các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Châu Âu, Đài Loan, Pakistan, Afghanistan, các nước Trung Đông… Các nông sản xuất khẩu chủ yếu gồm: Cà phê, chè, tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn khác, long nhãn, chuối, xoài, chanh leo.
Bằng những cách làm năng động, theo kịp xu thế chuyển đổi số, cùng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, Sơn La sẽ sớm biết các thách thức thành cơ hội để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, tiếp tục làm trụ đỡ cho kinh tế Sơn La phát triển./.
Trịnh Long