Đà Nẵng: Kinh tế - xã hội 5 tháng có những chuyển biến tích cực

|

Đà Nẵng: Kinh tế - xã hội 5 tháng có những chuyển biến tích cực

Bước sang quý II năm 2024, kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng có những chuyển biến tích cực. Thành phố tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm quảng bá, kích cầu du lịch, một trong những lĩnh vực kinh tế, qua đó đã tạo sự lan tỏa và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng một số lĩnh vực như: Lưu trú, ăn uống; thương mại, vận tải, vui chơi, giải trí... Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất của Thành phố cũng có những tín hiệu khả quan hơn.

Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ với các hoạt động sự kiện liên tục được tổ chức; công tác triển khai phát triển các sản phẩm du lịch được quan tâm thực hiện; công tác truyền thông, xúc tiến du lịch đã và đang tích cực thực hiện với chương trình thu hút khách du lịch MICE nội địa và quốc tế đến TP. Đà Nẵng; triển khai kế hoạch phát triển du lịch cưới giai đoạn 2024-2025; các chặng bay quốc tế được mở mới và khôi phục lại... Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2024, ước đạt 2.534 tỷ đồng tăng 61,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10.503 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu lưu trú 5 tháng ước đạt 3.781 tỷ đồng tăng 39,3%; doanh thu ăn uống ước đạt 6.721 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.785 nghìn lượt, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1.504 nghìn lượt, tăng 27,0%; khách trong nước đạt 2.281 nghìn lượt, tăng 20,4%. Lượt khách ngủ qua đêm ước đạt 2.589 nghìn lượt, tăng 10,4%, trong đó khách quốc tế ngủ qua đêm ước đạt 1.422,4 nghìn lượt, tăng 25,1%. Lượt khách nghỉ trong ngày ước đạt 1.196,4 nghìn lượt tăng 63,0%, trong đó khách quốc tế nghỉ trong ngày ước đạt 82 nghìn lượt, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023. Số ngày lưu trú bình quân tính chung cho khách ngủ qua đêm 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,29 ngày/lượt; trong đó khách quốc tế là 1,60 ngày/lượt; khách trong nước là 1,16 ngày/lượt.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 đầu năm 2024 ước đạt 6.376 tỷ đồng doanh thu, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 30.267 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có doanh thu tăng bao gồm: Đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+31,4%); vật phẩm văn hoá, giáo dục (+21,4%); gỗ và vật liệu xây dựng (+20,9%); xăng, dầu các loại (+17,2%); sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ (+15,7%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (+14,6%); lương thực thực phẩm (+13,4%); hàng may mặc (+10,1%); hàng hóa khác (+8,2%); nhiên liệu khác không kể xăng, dầu (+0,46%).

Doanh thu bán buôn hàng hóa có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước và tăng khá rõ nét so với cùng kỳ năm 2023, tổng mức bán buôn hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 13.639 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 22,5% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán buôn ước đạt 61.021 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
 

Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất cũng có những tín hiệu khả quan hơn. Về thủy sản, 5 tháng năm 2024, tổng sản lượng các loại thủy sản khai thác và nuôi trồng ước đạt 16.897,7 tấn tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế sản lượng thủy sản khai thác 5 tháng năm 2024 đạt 16.286,7 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 16.225,5 tấn tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng khai thác thủy sản nội địa đạt mức tăng khá với 11,6% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên mức tăng này ít ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung do lĩnh vực này chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chưa tới 1%) trong tổng sản lượng thủy sản khai thác.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản lũy kế 5 tháng năm 2024 đạt 611,0 tấn tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố ước 189,9 ha, trong đó, diện tích nuôi cá ước đạt 157 ha; diện tích nuôi tôm (tôm thẻ chân trắng) ước đạt 32,9 ha. Thủy sản nuôi phát triển bình thường, kích cỡ đồng đều, một số ao nuôi đã và đang thu hoạch, một số ao nuôi đang cải tạo chuẩn bị thả giống. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều hộ nông dân đã và đang cải tạo, vệ sinh ao hồ, chuẩn bị bước vào vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt năm 2024.

Về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm 2024 tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, có đến 3/4 nhóm ngành cấp 1 có mức tăng trưởng dương, gồm: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 15,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,7%... Với vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, một số ngành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng khá ấn tượng phải kể đến như: Dệt (+41,9%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+24,7%); sản xuất đồ uống (+24,4%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (+19,2%)... Ở chiều ngược lại, vẫn còn nhiều ngành chưa thể phục hồi, điển hình như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan khác (-27,7%); sản xuất phương tiện vận tải khác (-26,8%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (-25,3%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (-19,8%); hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị (-14,9%); sản phẩm điện tử, máy vi tính (-14,3%)...

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2024, một số sản phẩm tăng cao, đóng góp chính cho mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp như: Cấu kiện nhà lắp sẵn băng kim loại (+118,5%); vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên (+81,9%); thịt cá đông lạnh (+38,0%); hộp và thùng bằng giấy nhăn và bìa nhăn (+36,0%); bộ lọc dầu hoặc xăng dùng cho động cơ đốt trong (+34,3%); nước ngọt (+27,1%); keo đã điều chế và các chất dính đã được điều chế khác (+26,7%)...

Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 2,1% so với cùng kỳ, trong đó, các nhóm ngành đạt mức tiêu thụ cao phải kể đến như: Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (+206,5%); dệt (+58,5%); dệt (+58,5%); sản xuất đồ uống (+29,4%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (+22,1%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+16,3%)…

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.319,1 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 753,5 triệu USD, tăng 1,0%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 565,6 triệu USD, tăng 28,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì xuất siêu gần 187,9 triệu USD./.

Nguồn: Cục Thống kê TP. Đà Nẵng