Phát huy hiệu quả giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội năm 2024 đã được các ngành, các cấp triển khai thời gian qua, trong 9 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang giữ nhịp độ tăng trưởng, đặc biệt ngành hàng may mặc, da giày có thêm nhiều đơn đặt hàng mới, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, công nhân phải tăng ca, tăng giờ làm và doanh nghiệp có nhiều chính sách phúc lợi vừa khuyến khích tinh thần và tăng thu nhập cho người lao động.
Ước chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2024 tăng 2,96% so với tháng trước và tăng 14,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành chế biến, chế tạo tăng 3,66% so với tháng trước và tăng 16,60% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,01% so với tháng trước và tăng 15,02% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,55% so với tháng trước và tăng 4,08% so với cùng kỳ; ngành khai khoáng giảm 9,81% so với tháng trước và giảm 19,95% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,03% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 3,58%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,11%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,59%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,11%.
Khối lượng sản xuất một số sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh trong tháng Chín và 9 tháng đầu năm 2024 như sau:
Sản lượng đá xây dựng khai thác tháng 9/2024 ước đạt 416,4 ngàn m3, giảm 9,81% so với tháng trước và giảm 19,95% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,525 triệu m3, giảm 3,58% so với cùng kỳ. Sản phẩm đá xây dựng khai thác giảm do một số mỏ khai thác hết hạn cấp phép tạm ngừng hoạt động, chờ cấp phép mới.
Sản phẩm thủy sản đông lạnh, tình hình xuất khẩu thủy sản tiếp tục khởi sắc, các doanh nghiệp ký kết thêm đơn hàng xuất khẩu nên sản lượng tăng cao so với cùng kỳ. Sản phẩm thủy sản đông lạnh tháng 9/2024 ước đạt 14,6 ngàn tấn, tăng 1,16% so với tháng trước và tăng 4,53% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 125,7 ngàn tấn, tăng 13,74% so với cùng kỳ. Bên cạnh xuất khẩu thành phẩm chế biến phi lê, các doanh nghiệp còn xuất khẩu cá nguyên con và cá cắt khúc. Sản phẩm thủy sản tiêu thụ phần lớn ở các thị trường truyền thống, như: Trung Quốc, EU, Mỹ, Brazil, Mexico, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Singapore ...
Đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu theo hợp đồng từ trước, cũng như nhu cầu tiêu thụ trong nước, sản lượng xay xát gạo tăng so cùng kỳ. Sản lượng gạo xay xát tháng 9/2024 ước đạt 145,7 ngàn tấn, tăng 10,40% so với tháng trước và tăng 2,40% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.301 ngàn tấn, tăng 1,57% so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu trên thị trường hiện nay có chiều hướng tăng và đang ở mức cao so cùng kỳ, các doanh nghiệp gia tăng việc thu mua sản lượng nguyên liệu, chế biến sản phẩm đáp ứng các đơn hàng đã ký kết.
Sản phẩm may mặc có nhiều hơn đơn đặt hàng từ Mỹ và các nước châu Âu,… vì vậy sản xuất tăng đáng kể so với cùng kỳ. Sản phẩm quần áo các loại tháng 9/2024 ước đạt 4,7 triệu cái, tăng 1,27% so với tháng trước và tăng 24,75% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 45,7 triệu cái, tăng 52,08% so với cùng kỳ.
Sản phẩm giày, dép da các loại tháng 9/2024 ước đạt 2,9 triệu đôi, tăng 16,57% so với tháng trước và tăng 86,19% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng ước đạt 22,5 triệu đôi, tăng 31,56% so với cùng kỳ. Thị trường tiêu thụ chủ lực như: Mỹ, Hà Lan, Nhật, Tây Ban Nha,… Các doanh nghiệp thường xuyên tuyển dụng thêm lao động để sản xuất theo đơn đặt hàng đã ký kết, nên sản xuất tăng đáng kể.
Sản lượng điện mặt trời sản xuất tăng khá nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, ước tháng 9/2024 đạt 58,5 triệu kwh, tăng 2,13% so với tháng trước và tăng 22,14% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng ước đạt 521 triệu kwh, tăng 6,06% so với cùng kỳ.
Bên cạnh nhiều sản phẩm sản xuất tăng, cũng có một số sản phẩm sản xuất giảm so cùng kỳ như: Sản phẩm ba lô các loại 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3,2 triệu cái, giảm 2,56% so cùng kỳ; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn ước đạt 660,7 tấn, giảm 35,01%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự tính tháng 9/2024 giảm 2,78% so với tháng trước và giảm 21,54% so với cùng kỳ. Trong đó so cùng kỳ: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 12,60%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 21,72%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 56,87%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự tính tháng 9/2024 tăng 5,50% so với tháng trước và giảm 10,56% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024 tăng 2,36% so với cùng kỳ; trong đó, ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,23%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có tiên quan tăng 12,52%.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 9/2024 tăng 4,69% so với tháng trước và tăng 11,32% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,33% so với cùng kỳ, trong đó so với cùng kỳ: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,46%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,42%; ngành cung cấp nước tăng 2,06%./.
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh An Giang