Kinh tế Thủ đô - Bước chuyển mạnh sau 70 năm giải phóng

|

Kinh tế Thủ đô - Bước chuyển mạnh sau 70 năm giải phóng

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội trong 70 năm, từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến nay, luôn phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, nổi bật với nhiều con số ấn tượng.

Khẳng định vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước

Ngày 10/10/1954 là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế. Dù phải đối diện với không ít thách thức, nhưng trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, các cấp, bộ ngành, địa phương và của Nhân dân cả nước.

Vượt qua những khó khăn, thách thức trong hành trình 70 năm, Hà Nội từ một đô thị nhỏ bé, nghèo nàn, có diện tích khoảng 152km2 và 43 vạn dân, nay đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần, với cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại; đồng thời luôn giữ vị trí đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước. Số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 6,67%/năm; 6 tháng đầu năm 2024, GRDP ước tăng 6,0%.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của TP. Hà Nội. Trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6 ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4ha).

Với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội là một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong hàng chục năm qua. Đến nay, Hà Nội đã thu hút được trên 4.500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.



Bộ mặt Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại

Song song với đó, các dự án giao thông quan trọng, có tính liên vùng được Hà Nội quan tâm đầu tư. Nhiều dự án đã và đang hoàn thành, hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Thủ đô. Điển hình là các dự án: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình…

Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học… Thực hiện chủ trương phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong 3 năm gần đây (2021- 2023), đã có 79 doanh nghiệp với 112 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hà Nội.

Xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong giai đoạn 2011 - 2023 với tổng kim ngạch tăng bình quân 4,57%/năm. Năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành.

Hạ tầng thương mại nội địa như: Trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… cũng được Hà Nội chú trọng phát triển. Hà Nội hiện có hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động… Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Ngành du lịch cũng đã gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế). 8 tháng đầu năm 2024, du lịch Thủ đô tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với lượng khách du lịch quốc tế đạt hơn 3,9 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả ấn tượng. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn NTM; 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, TP. Hà Nội đóng góp rất lớn vào các chỉ số kinh tế của cả nước: Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số nhưng Thành phố đóng góp tới 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Hướng tới mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững

Có thể khẳng định, những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đạt được trong 70 năm sau Ngày Giải phóng là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển chung của cả nước. Nhìn lại quá trình phát triển của Hà Nội trong 70 năm qua, các chuyên gia khẳng định, TP. Hà Nội đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; những mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang dần hình thành và phát triển, đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững; nâng cao hiệu quả các nguồn lực, phù hợp với làn sóng đổi mới sáng tạo cũng như Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Hà Nội chủ trương tập trung phát triển kinh tế số, sản xuất xanh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, kết hợp bảo vệ môi trường; xác định mục tiêu đối với các ngành, lĩnh vực.

Theo Chương trình Chuyển đổi số của TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và lọt vào top 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…


Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển cho kinh tế Thủ đô và Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua chính là điều kiện rất thuận lợi để Hà Nội phát triển. Trong quá trình này, các chuyên gia nhận thấy, Thủ đô rất cần có những chiến lược cùng những giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tốc độ và bảo đảm tính bền vững.

Bàn về mô hình kinh tế mới Hà Nội hướng đến, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội là chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, được hậu thuẫn bởi kỹ năng, công nghệ, có sự đột phá về năng suất và bền vững.

Hà Nội cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, phát triển xanh, thân thiện với môi trường và chuyển sang giai đoạn 3 của quá trình phát triển, tức nền kinh tế dựa vào đổi mới, sáng tạo và kinh tế số; tăng trưởng cao nhưng phải nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời Hà Nội chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, lợi thế cạnh tranh bậc cao.

Để phát triển kinh tế Hà Nội tuần hoàn, bền vững, theo các chuyên gia, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và mô hình một số thủ đô của châu Á, Bắc Âu... để đưa ra một chương trình, hình mẫu. Nên lấy “chất riêng” của Hà Nội gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc để ra thông điệp - Sách Trắng của Thủ đô; Phát triển lựa chọn các ngành kinh tế mang tính xương sống - căn cốt để phát triển bền vững - xanh sạch cho Thủ đô và hiệu ứng lan tỏa ra vùng Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.

Đồng thời, Hà Nội nên có mô hình một vòng tròn lan tỏa để phát triển kinh tế, tức là công nghiệp gắn với nông nghiệp, tiếp đến gắn với y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch... Tất cả gắn kết với nhau, bổ trợ cho nhau, lấy ưu điểm của nhau để phát triển. Nhất định phải lấy sự sống an lành - xanh sạch - hạnh phúc - mức sống tốt nhất cho người dân Hà Nội để làm mục tiêu phát triển, từ đó làm hình mẫu để phát triển ra cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu phát triển kinh tế Hà Nội theo hướng tuần hoàn, bền vững là hướng đi mới, xứng tầm với vị thế - tiềm năng của Thủ đô, phù hợp với Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại./.

 
PV