Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Than Uyên lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Than Uyên sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM). Đây là nhiệm vụ rất khó khăn vì Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 – 2025 có những tiêu chí yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Để hoàn thành mục tiêu này, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Than Uyên đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao các tiêu chí cho các xã đã về đích giai đoạn trước, đồng thời đưa 4/11 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối 2024.
Những thách thức không nhỏ
Theo Bộ tiêu chí xã NTM và Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao của tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, nhiều tiêu chí được nâng cao hơn so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 như: Thu nhập, nhà ở, hộ nghèo, giáo dục và đào tạo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm… Vì vậy, hầu hết các xã đã đạt chuẩn NTM của huyện Than Uyên giai đoạn trước đều gặp khó khăn trong quá trình “giữ chuẩn” vì để thực hiện những tiêu chí này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, ngoài sự nỗ lực của địa phương rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các sở, ban, ngành từ tỉnh, Trung ương. Đơn cử như xã Mường Than, đây là một trong hai xã đầu tiên của huyện Than Uyên đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, sau nhiều năm nỗ lực duy trì, nâng cao các tiêu chí hiện nay xã Mường Than đang đứng trước nguy cơ “mất chuẩn”. Mường Than chỉ có 11/19 tiêu chí đạt theo quy định còn 8 tiêu chí cần tiếp tục đầu tư để đảm bảo theo yêu cầu như: Quy hoạch, cơ sở vật chất, nhà ở dân cư, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng an ninh, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Không chỉ các xã Mường Than, hầu hết các xã đã đạt chuẩn NTM của huyện Than Uyên đều bị giảm chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu thành phần so với thời điểm công nhận NTM. Tính đến thời điểm này, kết quả rà soát tiêu chí NTM của Huyện chỉ đạt bình quân 8,36 tiêu chí/xã; có 2 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 8 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; riêng xã Khoen On đạt dưới 5 tiêu chí.
Than Uyên gắn nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch và giữ gìn bản sắc dân tộc
Việc các xã rớt chuẩn tiêu chí NTM một phần nguyên nhân do Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 có yêu cầu cao hơn. Song phải nhìn nhận thực tế là chất lượng xây dựng NTM của huyện Than Uyên chưa thật sự bền vững, vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích để đạt chuẩn. Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là thỏa mãn với kết quả đạt được nên không chú trọng việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí dẫn đến khi áp dụng quy định mới, nâng cao thì nhiều tiêu chí không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện trong giai đoạn mới.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các tiêu chí, một vài tiêu chí thành phần lại không phù hợp với điều kiện thực tế đối với xã vùng cao như: Chỉ tiêu về “tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử”; đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn ≥2 m2/người, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn ≥30%, tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định ≥30% khiến việc triển khai xây dựng nông thôn mới của huyện Than Uyên gặp nhiều thách thức.
Dồn lực về đích nông thôn mới
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng huyện Than Uyên vẫn đặt ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2024, 7 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 – 2020 phải đảm bảo yêu cầu theo Bộ tiêu chí mới, đồng thời 4 xã còn lại (bao gồm: Tà Mung, Khoen On, Tà Hừa, Pha Mu) sẽ đạt chuẩn NTM; đến năm 2025, sẽ có 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và Than Uyên sẽ đạt chuẩn huyện NTM.
Theo ông Nguyễn Văn Thăng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của Nhân dân. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện chương trình. Nhờ vậy, người dân các xã, bản trong Huyện ngày càng phát huy tốt vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc tự nguyện hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa,...
Về nguồn lực, huyện Than Uyên còn thực hiện lồng ghép nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới với các nguồn lực khác và đóng góp của Nhân dân, để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm; chú trọng phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn… Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Than Uyên đã bố trí kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước sạch và các hạng mục phụ trợ ở các bản: Cáp Na 1, 2 (Tà Hừa); bản On, bản Mở (Khoen On); bản Xoong, Lun 1 (Tà Mung); triển khai các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững như: Gạo Séng Cù, gạo Tan Pỏm (Tà Hừa); chè, chanh leo (Tà Mung). Hỗ trợ thành lập HTX Du lịch và Phát triển nông nghiệp xanh xã Pha Mu.
Các mô hình phát triển kinh tế đang mang lại hiệu quả cho người dân
Với quan điểm xây dựng NTM phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, huyện Than Uyên đẩy mạnh việc hỗ trợ các hợp tác xã và người dân trong huyện phát triển kinh tế, trong đó trọng tâm là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Huyện cũng tập trung triển khai đẩy nhanh việc giải ngân các nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; đề án hạ tầng các khu sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung được đầu tư trên địa bàn. Nhân dân đồng lòng tham gia đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện các đề án trồng chè, quế, mắc ca, sơn tra và các đề án phát triển nông nghiệp bền vững.
Với việc xác định 3 sản phẩm chủ lực: lúa, chè, cá, hiện nay Huyện có 1.500ha diện tích lúa sản xuất hàng hóa với 3 nhãn hiệu sản phẩm "Gạo Tẻ tròn Than Uyên", “Gạo đặc sản Séng Cù Than Uyên”, “gạo nếp Tan pỏm đặc sản Than Uyên”; có trên 1.800 ha chè với sản lượng đạt trên 6.000 tấn búp tươi/năm; có 825 lồng cá với tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt cả năm ước đạt trên 800 tấn/năm. Ngoài 3 sản phẩm chủ lực xác định từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã phát triển thêm được gần 1.400 ha cây mắc ca, 2.600 thùng ong, trên 400 ha cây ăn quả sản lượng 1.000 tấn/năm. Đến cuối năm 2023, trên toàn huyện có 35 sản phẩm OCOP, trong đó trên 26 sản phẩm đạt 3-4 sao. Nhờ đó, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của Huyện đạt hơn 3,6%; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 43 triệu đồng.
Các sản phẩm OCOP trở thành đòn bẩy giúp nông sản Than Uyên tăng sức cạnh tranh, ngày càng vươn xa
Xác định cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, lấy người dân làm chủ thể. Do vậy, không chỉ phát triển kinh tế mà cả diện mạo vùng nông thôn cũng cần phải thay đổi để ngày càng sạch đẹp. Hiện nay, rác thải sinh hoạt tại các xã đã được thu gom tại các điểm bản ra khu tập kết theo quy định, được thuê vận chuyển đến bãi rác thải sinh hoạt tập trung để xử lý, không gây ùn, ứ mất vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.
Các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Than Uyên cũng đã triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường. Đơn cử, Huyện đoàn Than Uyên thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên phát quang bụi rậm, khơi thông cống, mương, quét dọn, thu gom xử lý rác thải; trồng cây xanh. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện có nhiều mô hình hay trong bảo vệ môi trường như: Xử lý, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh; thành lập mô hình “Đoạn đường xanh, sạch, đẹp”, “Tổ phụ nữ thu gom và phân loại rác”... Huyện còn tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ đi chợ không sử dụng túi nilon để đựng thực phẩm, hướng dẫn, vận động các cấp hội trồng mới nhiều cây xanh phủ xanh đất trống, đồi trọc, trồng con đường hoa. Cùng với đó, xây dựng mô hình “Làm gạch sinh thái từ rác thải nhựa” để xây dựng tường bao, ghế ngồi bằng vật liệu nhựa tái chế hay làm thành những lọ hoa để bàn xinh xắn và thân thiện với môi trường. Đến nay, toàn Huyện có 58 câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường”, 1 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, 1 mô hình “3 sạch” ở các xã, thị trấn do phụ nữ duy trì và phát huy hiệu quả”.
Phụ nữ xã Pha Mu chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới
Bằng sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và trên hết là khát vọng vươn lên trong mỗi người dân, chương trình xây dựng NTM của Than Uyên đã "gặt hái" được nhiều kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn miền núi các xã trong Huyện đã có nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng thiết yếu của Huyện từng bước được hoàn thiện, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thu nhập, đời sống của người dân các xã, bản trong Huyện cũng nhờ đó mà ngày càng cải thiện, nâng cao. Tính đến thời điểm tháng 8/2024, toàn huyện đạt bình quân 16 tiêu chí NTM/xã. Trong đó, xã Pha Mu đạt 19/19 tiêu chí (đang hoàn thiện hồ sơ trình công nhận); xã Tà Hừa đạt 16/19 tiêu chí; xã Tà Mung đạt 16/19 tiêu chí; xã Khoen On đạt 14/19 tiêu chí; thu nhập bình quân toàn Huyện đạt 48 triệu đồng/người/năm. Với tiến độ này, tin rằng mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2025 của huyện Than Uyên sẽ thành hiện thực.
Trịnh Long