Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn (NTM) theo hướng mới thực chất và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới, cả hệ thống chính trị của Huyện đang tập trung gỡ vướng các tiêu chí khó.
Tính đến tháng 9/2024, Krông Pắc đã có 12/15 xã đạt chuẩn NTM, Huyện đang tập trung
đưa 03 xã khó khăn về đích trong năm 2025
Tập trung nâng cao thu nhập
Huyện Krông Pắc, tọa lạc tại phía đông tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 30 km theo tuyến đường Quốc lộ 26, là cầu nối giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung. huyện Krông Pắc có diện tích tự nhiên 62.581 ha, bao gồm 15 xã và thị trấn Phước An, với dân số gần 200.000 người, trong đó 36,50% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình phát triển cây ăn quả ở xã Hòa Đông mang lại thu nhập cao cho hộ gia đình
Những năm qua, xác định việc xây dựng NTM phải đi vào chiều sâu, thực chất, đảm bảo hiệu quả, toàn diện và bền vững, huyện Krông Pắc tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện của các cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, người đứng đầu. Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ về chương trình và có sự đồng thuận, nhằm duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt, xây dựng các tiêu chí chưa đạt, hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đến đầu năm 2024, huyện Krông Pắc đã có 12/15 xã đạt chuẩn NTM, các xã chưa cán đích đều là xã đặc biệt khó khăn, đó là các xã: Vụ Bổn, Ea Hiu và Ea Yiêng. Hiện 03 xã này đang gặp nhiều thách thức trong quá trình hoàn thiện tiêu chí, chủ yếu do thu nhập dân cư thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao và hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế. Việc hoàn thành mục tiêu nông thôn mới đúng tiến độ tại các xã này đòi hỏi những giải pháp tích cực và hiệu quả.
Để giải quyết bài toán nâng cao thu nhập cho người dân, Huyện tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững. Đến nay, Huyện cũng xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cây lúa nước, đưa những giống lúa có giá trị cao vào sản xuất như ST24, ST25 với tổng diện tích 1.824 ha; triển khai xây dựng, chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP được 200 ha và kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Krông Pắc có 8.000 ha sầu riêng, sản lượng năm 2024 đạt trên 92.000 tấn. Sầu riêng Krông Pắc
được xuất khẩu sang nhiều thị trường mang lại hiệu quả kinh tế rất cao
Bên cạnh đó, Krông Pắc có thế mạnh về phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả với gần 29.000 ha cây lâu năm, 35.000 ha cây hàng năm với những cây trồng chủ lực như: Cà phê, sầu riêng, chuối, hồ tiêu… Trong đó, diện tích sầu riêng gần 4.000 ha, có 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm. Giá trị lan tỏa của thương hiệu sầu riêng Krông Pắc tiếp tục được khẳng định ở cả trong và ngoài nước. Toàn huyện hiện có 34 mã số vùng trồng sầu riêng, 12 mã cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt; sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt trên 60.000 tấn với thị trường đa dạng, rộng mở. Sản xuất sầu riêng đã có đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2023, nguồn thu từ cây sầu riêng mang lại người nông dân Krông Pắc khoảng 5.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh sầu riêng, huyện Krông Pắc còn có doanh nghiệp đầu tiên của Tây Nguyên xuất khẩu yến sào chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tiếp tục mở đường phát triển sâu một trong những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, giá trị cao của địa phương. Ngoài ra, Huyện có 27 trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp theo hình thức nuôi gia công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các sản phẩm OCOP trở thành đòn bẩy giúp nông sản Krông Pắc tăng sức cạnh tranh
và mở rộng thị trường tiêu thụ
Đối với những khu vực, đất sản xuất ít, kém màu mỡ, hầu như không có các doanh nghiệp đến đầu tư, Huyện xác định cần phải giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bằng cách đào tạo nghề, đưa lao động đi làm công nhân trong huyện và xuất khẩu lao động. Cùng với việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, huyện đã tuyển chọn và giới thiệu cho doanh nghiệp rất nhiều lao động (5.000 – 6.000 lao động). Đồng thời, có nhiều giải pháp hỗ trợ như: Tặng xe máy (đã qua sử dụng) cho lao động đi làm công nhân tại địa phương; tuyên truyền và chọn những lao động trẻ, tích cực để hỗ trợ vay vốn, cho đi học tiếng nước ngoài… nhằm xuất khẩu lao động. Đến nay, mỗi năm trung bình huyện Krông Pắc có 130 - 150 lao động đi xuất khẩu, tăng khá cao so với giai đoạn trước.
Ngoài việc chú trọng phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Krông Pắk đã rất quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống cho đồng bào các dân tộc như hỗ trợ bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, đan lát; duy trì tổ chức các lễ hội, nghi lễ và những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc...Những hoạt động này, không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa, mà còn giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập từ thu hút khách du lịch. |
Mô hình kết hợp làm nông nghiệp với phát triển du lịch ở Krông Pắc.
Trong ảnh: Du khách thăm và thưởng thức sầu riêng tại vườn ở xã Ea Yông
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hoàn thành tiêu chí khó
Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cần vốn rất lớn, đặc biệt đối với các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh, thời gian qua thì Huyện đang tập trung đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhân dân đồng thuận, phát huy được vai trò chủ thể, tự giác đầu tư, nâng cấp nhà cửa, đường làng ngõ xóm và tình nguyện hiến đất, góp tiền, góp ngày công để xây dựng đường giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tính đến tháng 6/2024, tỉ lệ nhựa hóa, cứng hóa đường Huyện đạt 90,19%, đường xã đạt 74%, đường thôn, buôn 42,46%. Đến nay, 100% số thôn, buôn có điện, 99,5% số hộ dân trên toàn huyện được sử dụng điện. Những kết quả đạt được là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực, cố gắng, sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc tích cực và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong Huyện.
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Hòa Đông
Tuy nhiên, hiện nay tại 03 xã đặc biệt khó khăn, các tiêu chí hạ tầng (giao thông, thủy lợi…) vẫn chưa đạt, nguyên nhân một phần do các xã này xuất phát điểm thấp, nguồn nội lực trong dân còn hạn chế. Để tháo gỡ "nút thắt" này, Huyện ưu tiên bố trí ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã: Ea Hiu, Vụ Bổn, Ea Yiêng chủ động thực hiện những nội dung, tiêu chí do địa phương, cộng đồng dân cư tự thực hiện; phát động và duy trì phong trào thi đua xây dựng NTM tại địa phương bằng nhiều hình thức, không chờ đến khi được bố trí vốn mới thực hiện.
Bên cạnh các tiêu chí về hạ tầng cơ sở, Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 cũng nâng mức hoàn thành của các tiêu chí cao hơn giai đoạn trước,;đồng thời bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu về: Sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường, chất lượng môi trường sống, hành chính công... Trong đó, chỉ tiêu môi trường luôn là thách thức lớn nhất vì nó liên quan trực tiếp đến nhận thức, cách làm của người dân nông thôn. Để tạo dựng cho mỗi người dân có thói quen giữ gìn và bảo vệ môi trường, Huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giao cho các tổ chức cơ sở hội như: Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn, khu dân cư bảo vệ môi trường để nhân rộng ra toàn xã. Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay việc phân loại rác tại nguồn đã một số địa phương được người dân thực hiện có hiệu quả, không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi ra môi trường, những hộ kinh doanh hai bên đường rác thải được phân loại, để gọn gàng để xử lý hiệu quả, chất lượng môi trường sống được cải thiện rõ rệt.
Người dân xã Hòa Đông tham gia xây dựng tuyến đường hoa của địa phương
Chương trình xây dựng NTM ở Krông Pắc đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Huyện và đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Thời gian tới, để đưa các xã còn lại về đích NTM và hoàn thành các tiêu chí của huyện NTM, Krông Pắc tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân, phát huy nội lực từ sức dân - vốn là trung tâm của quá trình xây dựng NTM. Đồng thời, Huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tăng cường hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, xây dựng nhãn hiệu, liên kết bao tiêu sản phẩm, chế biến, tiêu thụ gắn với triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng NTM, tích cực bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp để hướng tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu./.
Trịnh Long