Đối ngoại Việt Nam nâng tầm vị thế quốc gia

|

Đối ngoại Việt Nam nâng tầm vị thế quốc gia

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Và ngày nay, trong tiến trình hội nhập quốc tế, đối ngoại Việt Nam có sứ mệnh mới, góp phần quan trọng tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quan trọng nâng cao vị thế và gia tăng thế lực cho đất nước.

Những thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Trong 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác đối ngoại.

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước, Đảng ta đã xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó có những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trên tất cả các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 22-NQ/TW về Hội nhập quốc tế, quyết định chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập toàn diện; Chỉ thị 32-CT/TW về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới.

 
 
Ảnh minh họa

Ban Bí thư đã có Chỉ thị 04-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân; Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong tình hình mới. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã thông qua Nghị quyết 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các bộ, ban, ngành, địa phương đã xây dựng nhiều đề án, chương trình hành động để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đối ngoại đã góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên LHQ, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả các thành viên ASEAN. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.

Hội nhập kinh tế kinh tế quốc tế có nhiều đột phá, qua đó đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 244 thị trường và đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam cũng đã tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế-phát triển hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, với mạng lưới 15 FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Việt Nam là một trong số ít nước tham gia hầu hết các liên kết kinh tế quan trọng. Các thị trường mà Việt Nam có FTA đều tăng trưởng xuất khẩu tốt. Mạng lưới FTA cũng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn và trở thành mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỉ USD.

Đối ngoại kinh tế phục vụ phát triển đất nước được triển khai chủ động, toàn diện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tập trung thúc đẩy quan hệ kinh tế với các đối tác, tích cực vận động các nước mở cửa thị trường cho hàng hóa và lao động của Việt Nam, thu hút đầu tư nước ngoài và du lịch, vận động các định chế tài chính quốc tế và các đối tác dành cho Việt Nam các điều kiện vốn vay ưu đãi. 10 năm qua, công tác vận động kênh phi chính phủ nước ngoài thu hút viện trợ được 2,85 tỉ đô la Mỹ; các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ được triển khai ở 63 tỉnh thành cả nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Có thể nói, kinh tế đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới 5 năm qua.

Vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương và đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Đến nay, Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã 2 lần làm Chủ tịch ASEAN (2010, 2020); làm Chủ tịch Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO, 2002), Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) (2010, 2020), 2 lần trúng cử với số phiếu ủng hộ rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (nhiệm kỳ 2008- 2009 và 2020-2021), 2 lần là nước chủ nhà APEC (2006 và 2017); đăng cai thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018; tổ chức tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 (2019).
Việt Nam cũng tích cực tham gia các diễn đàn đa phương chính đảng như: Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMWCP), Ủy ban thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP); tích cực thúc đẩy hợp tác qua các kênh ngoại giao nghị viện như: Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); tham gia tích cực Diễn đàn Nhân dân ASEAN; tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách tại các diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng khác; tham gia tích cực các diễn đàn đa phương nhân dân như: Diễn đàn Nhân dân ASEAN, các cơ chế hợp tác thanh niên, luật sư, doanh nghiệp... Nhìn chung, các nước đánh giá cao và mong muốn Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong các cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực.

Không chỉ trở thành lực lượng đi trước mở đường trong từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, công tác đối ngoại của Việt Nam còn góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, an toàn sức khỏe cho nhân dân, thể hiện rõ nét trong suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19 vừa qua.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, Việt Nam đã triển khai công tác “ngoại giao y tế,” “ngoại giao vaccine” rất kịp thời và hiệu quả. Đến nay, đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, góp phần quan trọng cho công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam cũng đã viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, thể hiện rõ vai trò “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.

Những thành tựu trong công tác đối ngoại của Việt Nam đã để lại những dấu ấn quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại những nguồn lực, là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong nước giai đoạn mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Định hướng chiến lược cho công tác đối ngoại

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.”

Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, để có thể “nhìn trước” những tiềm năng và thách thức, cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đặt ra, Đại hội Đảng XIII xác định các nhiệm vụ đối ngoại thời gian tới gồm: Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước. Bảođảmcaonhấtlợiíchquốcgia-dântộctrêncơsởcácnguyêntắccơbảncủa Hiếnchương Liênhợpquốcvà luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”; nhấn mạnh đây là mục tiêu tối thượng, xuyên suốt, bất biến. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia.

Tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, “tăng độ tin cậy”; đối ngoại đa phương “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị, kinh tế quốc tế.”

Đối ngoại cùng quốc phòng, an ninh và cả hệ thống chính trị phối hợp, đóng góp vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa; tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Củng cố đường biên giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng.

Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội sở tại. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh… Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc, có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phối hợp thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ ba trụ cột đối ngoại, các cơ quan, lực lượng đối ngoại nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp; tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các kênh và các cơ quan đối ngoại, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế./.


 
Thu Hường