Khẳng định thương hiệu Việt trong bối cảnh mới

|

Khẳng định thương hiệu Việt trong bối cảnh mới

Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự thăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Khẳng định thương hiệu Việt trong bối cảnh mới

Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm. Điều này đã khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đây đồng thời cũng được xem là một bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Những năm qua với sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp của những doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được vinh danh đã tạo dựng được thương hiệu quốc gia thăng hạng mạnh mẽ, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh.

Theo tổ chức Brand Finance (Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Vương quốc Anh), thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022; đồng thời Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, khi tăng 74% trong giai đoạn 2019-2022. Cùng với sự phát triển của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36%. Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu quốc gia và các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi của Đảng, Nhà nước.

Thành công này minh chứng cho việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia nói riêng và là sự bảo chứng tốt nhất về chất lượng dịch vụ, hàng hóa của Việt Nam trên trường quốc tế. Mặt khác, thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục thăng hạng không chỉ tạo ra những lợi thế nhất định cho doanh nghiệp trong quá trình cung cấp hàng hoá, dịch vụ mà còn là một sự đảm bảo thu hút đầu tư và gia tăng các quan hệ đối tác.

Thời gian qua, để tôn vinh những thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng có uy tín, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo, triển khai các hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia, góp phần củng cố, nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Thông qua hỗ trợ của chương trình, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình theo cách chuyên nghiệp hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, uy tín và chất lượng cao. Theo đó, số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục tăng qua các thời kỳ, từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 124 doanh nghiệp năm 2020, đến năm 2022 số lượng đã tăng gần 6 lần và cũng là năm có số lượng tham gia đông đảo nhất sau gần 20 năm phát triển. Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngày càng được khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường trong nước và thị trường toàn cầu qua những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực và sự coi trọng của các đối tác quốc tế.

Trong năm 2022 đã có 172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia và có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129.000 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600.000 lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng đã chắp cánh cho hàng trăm thương hiệu Việt có cơ hội tiếp cận thị trường mới, xu hướng kinh doanh mới. Đến nay, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã có tiếng trên thị trường thế giới và đang từng ngày xây dựng những thương hiệu Việt vươn ra toàn cầu trong đó có thể kể đến như: Viettel, Vinamilk, Thaco, Hòa Phát, Habeco, Vietcombank, PNJ, Vietnam Airlines, Nutifood, Cadivi, Viglacera, Saigontourist… Việt Nam hiện cũng đã nổi tiếng với thị phần xuất khẩu gạo, cà phê, dệt may… thuộc top đầu thế giới và các mặt hàng có giá trị cao như: Các sản phẩm từ gỗ, thủy sản, tiêu, hạt điều, rau quả, cao su… cũng đang đóng góp lớn vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang gặp khó khăn trong xây dựng thương hiệu tại nước ngoài; một số doanh nghiệp do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của phát triển thương hiệu; quy mô sản xuất của doanh nghiệp còn nhỏ; Vẫn còn doanh nghiệp chưa chú trọng đến bảo hộ sở hữu trí tuệ nên nhãn hiệu Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng hoặc bị các đối thủ cạnh tranh đăng kí mất khi doanh nghiệp tiến ra thị trường nước ngoài.

Với mục tiêu xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam thông qua thương hiệu sản phẩm, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 sẽ có sự gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch; từ đó xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế. Chương trình cũng tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận trên phạm vi cả nước, từ trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành, tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.

Trong Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tập trung thực hiện 3 hoạt động chính. Đó là nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của chương trình; quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Bên cạnh đó, sức mạnh của kiều bào nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng các doanh nhân người Việt đang hoạt động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ chính là đòn bẩy giúp thương hiệu Việt Nam lan toả ra thế giới.

Với tiêu chí của Chương trình là "Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong", cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tiếp tục từng bước khẳng thương hiệu Việt trong bối cảnh mới.

Nhiệm vụ và giải pháp phát triển thương hiệu Việt trong bối cảnh mới

Để nâng cao vị thế, sức cạnh tranh thương hiệu quốc gia Việt Nam trong thời gian tới, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:  

Một là, tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.

Hai là, đảm bảo và không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm thương hiệu Việt thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Ba là, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; tăng cường chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bốn là, tập trung đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập trên tất cả các lĩnh vực.

Năm là, không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức kinh doanh; tuân thủ đúng quy định, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Chú trọng hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu.

Sáu là, không ngừng xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

Nguyễn Trang