Độc đáo những phiên chợ Tết cầu may vào dịp đầu năm

|

Độc đáo những phiên chợ Tết cầu may vào dịp đầu năm


Đi chợ Tết đầu năm để cầu may mắn, thuận lợi, hanh thông đã trở thành một nét văn hoá đẹp của người Việt
 
Đối với người Việt Nam, chợ không chỉ là nơi buôn chốn bán mà còn là không gian giao lưu văn hóa. Từ xa xưa đi chợ ngày đầu xuân năm mới để cầu bình an, mau mắn còn là một phong tục cổ truyền tốt đẹp của người Việt. Đặc biệt, tại một số địa phương có tục mở những phiên chợ độc đáo chỉ họp đúng một lần vào dịp Tết.

Trong những phiên chợ ấy, người bán không đặt nặng việc lời lãi, chỉ mong bán nhanh lấy cái may cho việc làm ăn năm mới. Còn người mua thì mong cầu được cái lộc đầu năm với những mong ước tốt lành. Có lẽ vì thế mà những phiên chợ Tết thực sự góp phần lưu giữ và tôn vinh trở thành một điểm hẹn văn hoá giao thoa giữa bao đời, bao vùng miền, bản sắc dân tộc.
Chợ Viềng Nam Định
Chợ Viềng là phiên chợ cầu may nổi tiếng ở Nam Định. Ở đây có đến 4 phiên chợ Viềng nhưng nổi tiếng nhất là chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, họp từ đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch.
Vì là phiên chợ cầu may có tiếng trong cả nước, chợ Viềng tập trung khách thập phương tứ xứ mỗi dịp Tết đến xuân về.

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tại chợ Viềng, người ta bán đủ loại mặt hàng, từ thịt trâu, thịt bò, dụng cụ sản xuất đến cây giống, đồ cúng lễ… một số đồ dùng cũ nhưng vẫn còn nguyên vẹn cũng được bày bán.

Đến với phiên chợ Viềng, mọi người đều có một ý niệm mua lấy may, bán lấy may, ăn lấy may, chơi cũng lấy may và như vậy người bán được hàng và khách chơi chợ ai cũng muốn mua được thứ gì đó. Bởi lẽ đó, người bán không nói thách, người mua không mặc cả, nếu “băn khoăn” về giá cả sẽ mất đi sự “linh thiêng”. Thực hiện được ý niệm này, người bán, người mua cả năm sẽ được “tấn tài, tấn lộc”.
Chợ Chuộng Thanh Hoá
Chợ Chuộng thuộc xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá là một phiên chợ độc đáo có một không hai. Hàng năm, cứ đến mùng 6 Tết, hàng ngàn người lại kéo nhau đến phiên chợ này cầu cho một năm thuận hoà, may mắn.

Các mặt hàng chủ yếu có tại Chợ chuộng là những đồ ăn dân dã, đặc biệt thứ hàng hóa không thể thiếu trong chợ Chuộng là cà chua, bánh đa và trứng gà. Người dân đến chợ Chuộng dù không quen biết, nhưng hễ gặp nhau là họ "choảng" nhau bằng cà chua, trứng... Mặc dù bị ném cà chua vào người nhưng ai cũng cười tươi vì theo quan niệm của người dân nơi đây, càng bị ném nhiều, năm đó càng gặp may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Với người dân nơi đây, đến tham gia phiên chợ Chuộng đầu năm, họ sẽ trút bỏ những xui xẻo và gặp được nhiều may mắn trong năm mới, nếu ai bỏ lỡ phiên chợ Chuộng thì cả năm ấy làm ăn thất bát, gặp nhiều rủi ro.

Trong tiềm thức người xứ Thanh phiên chợ này quan trọng tới nỗi, ở đây vẫn có câu “Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Chuộng”.
Chợ Âm Dương Bắc Ninh
Chợ Âm Dương còn được biết đến với cái tên chợ Gà được mở một lần duy nhất vào đêm ngày mùng 4, rạng ngày mùng 5 ở làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Chợ Âm Dương đặc biệt từ cái tên đến nơi dựng chợ cũng như mặt hàng buôn bán. Gọi là chợ, nhưng chỉ là một bãi đất trống, không có lều, quán cũng không sử dụng đèn, nến, càng không có sự ồn ào, náo nhiệt đặc trưng của nơi buôn chốn bán, chỉ mua bán đồ vật tế lễ và những con gà đen tuyền.

Tương truyền giống gà đen tuyền có thể nhập được vào cõi âm để xét tình hình về tâu bẩm với đấng Thành Hoàng, để Ngài liệu bề phù hộ cho dân làng được nhân khang, vật thịnh. Nhà nào có gà đen đem bán ở chợ để hiến tế Thành Hoàng sẽ được hưởng phúc lớn.

Tương truyền, theo quan niệm tín ngưỡng của người dân ngày xưa, chợ họp buổi tối để người trần thế và âm phủ có thể cùng đi chợ mua may bán rủi.

Vì vậy, người đi chợ không nói cười ồn ào, không thắp đèn vì sợ gà cất tiếng gáy làm người âm hoảng sợ. Đặc biệt, đầu chợ Âm dương luôn đặt chậu nước để thử tiền cõi âm hay tiền cõi dương.

Đến sáng khi chợ Gà vừa tan thì ngay trên khu vực chợ, nhiều quán trầu cau của các bà, các cụ xuất hiện để cho các "liền anh", "liền chị" mời nhau xơi trầu và hát quan họ. Nếu quán chật trội thì họ lại trải thêm chiếu lên nền sân chợ, hoặc ngồi trên cánh đồng xung quanh mà hát.
Chợ Gia Lạc (Huế)
Chợ Gia Lạc có lịch sử từ rất lâu đời, cứ 3 ngày Tết  là chợ lại họp một lần. Chợ Gia Lạc thu hút đông đảo người dân về tham gia mua sắm, giao lưu. Đến với chợ Gia Lạc, du khách có thể tìm thấy  được rất nhiều mặt hàng từ hoa quả, trầu cau đến các đồ thực phẩm, các món đặc sản nổi tiếng của Huế hay đồ chơi con trẻ. Lệ thường người đi  phiên  chợ  Gia  Lạc  mùng  1  Tết  sẽ  mua  một  trái  cau,  một  ngọn trầu với mong muốn bình an trong năm mới, sau đó mới mua đặc sản của chợ theo sở thích. Đầu xuân, đi chợ tết Gia Lạc đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Huế, họ đi chợ cốt mong được cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ, sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi dân gian để thử vận đầu năm.../.
T.Long