Nhân kỷ niệm ngày dân số thế giới 11/7
Theo Báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2022 của Liên Hợp Quốc công bố tháng 11 năm ngoái, dân số thế giới ước tính đạt 8 tỉ người. Đây là một cột mốc quan trọng, đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra tiềm năng vô hạn nếu phát huy được sức mạnh của thế giới con người.
Dân số thế giới đã đi một chặng đường dài với tốc độ tăng rất nhanh. Năm 1800 dân số thế giới ghi nhận cột mốc 1 tỷ người đầu tiên, sau đó tăng lên 2,5 tỷ năm 1950. 6 thập niên sau, dân số thế giới tăng nhanh chóng lên 7 tỷ người vào năm 2010. Chỉ 12 năm sau, năm 2022, dân số toàn cầu đã chạm mốc 8 tỷ người gấp 3 lần dân số của năm 1950.
Dân số thế giới được dự báo sẽ đạt con số 8,5 tỷ người vào năm 2030 và đạt mức cao nhất, khoảng 10,4 tỉ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100
|
Sự gia tăng nhanh chóng dân số toàn cầu trong những thập niên gần đây là kết quả của sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và y tế, giúp chất lượng cuộc sống của người dân có sự cải thiện đáng kể, tuổi thọ con người liên tục tăng, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm. Đây cũng là kết quả của mức sinh nhiều và duy trì nhiều năm ở một số quốc gia.
Báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2022 của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy xu hướng dân số toàn cầu tăng tập trung ở những nước đang và kém phát triển có thu nhập thấp và trung bình thấp và giảm ở các nước phát triển.
Ngày 24/4/2023, Cơ quan Dân số Liên hợp quốc cho biết, với tỷ lệ tăng dân số liên tục được duy trì nhiều thập kỷ, tính tới cuối tháng 4/2023, dân số của Ấn Độ đạt gần 1,43 tỷ người. Với con số thống kê đó, quốc gia Nam Á này đã vượt qua dân số Trung Quốc (1,4 tỷ người tính tới đầu năm 2023) và chính thức trở thành nước đông dân nhất thế giới. Hiện nay, tổng dân số của hai nước Ấn Độ và Trung Quốc chiếm hơn 1/3 dân số thế giới.
Quy mô dân số 8 tỉ người cho thấy một nguồn lực to lớn, nguồn lao động dồi dào để thế giới thực hiện những mục tiêu về phát triển con người, thúc đẩy kinh tế-xã hội, nhất là có thể giúp các nước nghèo trở thành động lực tăng trưởng, nếu các quốc gia có sự đầu tư tốt vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bình đẳng giới và phát triển kinh tế bền vững.
"Con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Kinh nghiệm trước đây cho thấy đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững."
|
Tuy vậy, đằng sau câu chuyện 8 tỷ người còn nhiều vấn đề đáng được quan tâm. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tác động ngày càng tăng của dân số lên các vấn đề như nghèo đói, việc làm, bất bình đẳng, khủng hoảng khí hậu, di cư, an sinh xã hội…
Tình trạng nghèo đói cần được giải quyết
Nghèo đói là cuộc chiến kéo dài tại các nước kém phát triển trên thế giới trong nhiều năm. Trong 3 năm vừa qua, vấn nạn nghèo đói càng trở nên tồi tệ hơn do bị càn quét bởi những làn sóng dịch bệnh Covid-19. Theo tổ chức Bảo vệ trẻ em (Save the Children), đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới phải hứng chịu khủng hoảng đói kém chưa từng thấy, số người đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực đã tăng mạnh. Các quốc gia khu vực châu Mỹ như Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, CHDC Congo, Haiti, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Yemen là những nước có số người đối mặt với tình trạng đói kém và suy dinh dưỡng khẩn cấp cao nhất, tăng từ 16,1 triệu người năm 2019 lên 25,3 triệu người năm 2022 (tăng gần 57%). Trong số này, Afghanistan là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất, với số người đối mặt với đói kém nghiêm trọng tăng từ 2,5 triệu người trong năm 2019 lên 6,6 triệu người trong năm 2022. Tình trạng nghèo đói diễn ra ngay cả trong lòng các quốc gia thịnh vượng.
Cuối năm 2022, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng cảnh báo, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng đói nghèo nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại và có khoảng 60 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Kể từ đầu đại dịch Covid-19, số người đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực hoặc đối mặt với đói kém đã tăng từ 135 triệu người tại 53 quốc gia lên 345 triệu người tại 82 quốc gia.
Sự gia tăng dân số toàn cầu ngày càng tập trung ở các nước nghèo nhất thế giới, trong đó hầu hết quốc gia nằm tại vùng Hạ Sahara ở châu Phi. Chính tốc độ gia tăng dân số nhanh liên tục ở các quốc gia này có thể cản trở tình trạng đói nghèo vốn chưa được giải quyết sẽ ngày càng trầm trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thế giới liên tục có nhiều biến động phức tạp, bất ổn. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) nhận định, hiện nay có gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa; 45 quốc gia trên thế giới đang cần hỗ trợ lương thực nhập khẩu để tránh tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Vấn nạn nghèo đói ngày càng trở nên tồi tệ hơn
Nghèo đói đồng nghĩa với chất lượng sống của người dân thấp. Theo Chương trình định cư con người của Liên Hợp Quốc (UN-Habitat), vấn đề cư dân sống trong nhà ổ chuột đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu khi hiện có tới hơn 1 tỉ người trên toàn cầu sống trong các khu ổ chuột, nơi họ sống một cuộc sống tạm bợ, bấp bênh và phải vật lộn để tiếp cận các tiện nghi cơ bản nhất. UN-Habitat dự báo, cùng với sự tăng lên về dân số, các khu ổ chuột thế giới dự kiến đạt 3 tỉ người vào năm 2050. Đây là một bài toán khó với nhiều chính phủ trên khắp thế giới.
Dân số gia tăng cũng được cho là sẽ gây nhiều áp lực cho thị trường việc làm toàn cầu. Trong những năm qua, thị trường lao động thế giới chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Tháng 5/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tổng số người chết vì đại dịch Covid-19 trên toàn cầu tính đến thời điểm đó là gần 15 triệu người, nhiều hơn 13% so với dự kiến trong vòng 2 năm. WHO tin rằng thực tế con số này còn cao hơn vì nhiều quốc gia chưa thống kê được hết số người chết vì Covid-19. Đại dịch Covid-19 cũng làm xuất hiện dòng người hồi hương “khổng lồ” do kinh tế nhiều nước bị suy thoái, các nhiều doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất kinh doanh, phải sa thải, cắt giảm giờ làm của người lao động. Những vấn đề này đã khiến thế giới bị xáo trộn do mất đi đáng kể lực lượng lao động. Hiện thị trường lao động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc có tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm thanh niên ở mức cao nhất lịch sử, lên tới 20,8% trong tháng 5/2023 do hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục suy giảm khi nhu cầu trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu ở mức yếu.
Ngược lại, sau đại dịch, sự nỗ lực phục hồi kinh tế của một số quốc gia đã kéo theo việc làm, lương tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm xuống mức kỷ lục 6,5% trong tháng 3/2023, là mức thấp nhất kể từ khi Eurostat bắt đầu tổng hợp số liệu thất nghiệp vào tháng 4/1998. Theo số liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ công bố ngày 5/5/2023, thị trường lao động nước này ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2023 ở mức 3,4%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tại Hàn Quốc, số người thất nghiệp cũng giảm dần trong gần một năm qua, song số lượng việc làm mới nước này đang có xu hướng tăng chậm lại do những bất ổn kinh tế kéo dài. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản cũng đang dần được cải thiện trong 6 tháng đầu năm nay.
Con số trên cho thấy việc làm tại nhiều quốc gia có xu hướng tăng, dù vậy việc làm của người dân không ổn định. Theo thống kê của ILO, trong năm 2022, có khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới đã làm việc trong khu vực phi chính thức, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Cuộc xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, thắt chặt chính sách tiền tệ và tình trạng bất ổn nói chung đã và đang kéo theo sự gia tăng việc làm ở khu vực phi chính thức. Trong những tháng đầu năm 2023, Chính phủ nhiều nước thực hiện tăng lương để “chiêu mộ” nhân tài, tuy nhiên mức lương này được cho là “hụt hơi” so với tình trạng lạm phát liên tục tăng tốc. Đó là chưa kể trên thực tế, tăng trưởng kinh tế trì trệ ở nhiều quốc gia khiến nhiều người lao động vẫn phải chấp nhận những công việc có chất lượng thấp và mức lương thấp. Đây sẽ là thách thức lớn đặt ra cho các nước trong cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Bất bình đẳng gia tăng
Sự dai dẳng của nghèo đói cùng với tính chất bấp bênh, không ổn định trong việc làm đã làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng vốn luôn hiện hữu trong xã hội. Trải qua đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu khủng hoảng, bất bình đẳng ngày càng rõ nét hơn giữa các cộng đồng dân cư có điều kiện kinh tế - xã hội, tuổi tác, giới và màu da khác nhau, khiến cho người nghèo trên toàn cầu chồng chất thêm những khó khăn. Cuối năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, sau hai năm bùng phát, Covid-19 đã khiến 120 triệu người bị đẩy xuống mức cực nghèo trong khi các tỷ phủ lại giàu thêm. Không chỉ vậy, cơn bão lạm phát ở châu Âu, Mỹ những tháng đầu năm nay cũng đang nới rộng khoảng cách giàu nghèo tại các quốc gia này.
Như vậy có thế thấy rõ, nếu bài toán nghèo đói không được giải quyết thì hàng triệu người vẫn tiếp tục sống trong “hố sâu” của bất bình đẳng, đồng thời không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội cũng như các cơ hội về giáo dục. Điều này càng đáng lo ngại hơn khi dân số thế giới có xu hướng tăng nhiều hơn ở các nước kém phát triển có thu nhập thấp.
Những khó khăn của nghèo đói, sự bùng nổ của dịch bệnh Covid-19 và sự tàn khốc của cuộc chiến tranh Nga – Ukraina đang diễn ra khiến cho những người di cư buộc phải rời bỏ quên hương để đi tìm một cuộc sống mới tốt đẹp và bình an hơn. Ngày 14/6 mới đây, Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết, số người di cư trên khắp thế giới đã lên tới con số kỷ lục 110 triệu người, trong đó, riêng năm 2022 đã có khoảng 19 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, đánh dấu mức tăng hằng năm lớn nhất. Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái hiện nay, cơ hội kiếm được việc làm của người lao động di cư trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, tình trạng phân biệt chủng tộc luôn tồn tại ở các nước phát triển, càng rõ ràng hơn với những người nhập cư da màu sẽ khiến các nhà lãnh đạo quốc gia phải đau đầu trong việc đi tìm một giải hữu hiệu để quản lý người nhập cư mà vẫn đảm bảo sự bình đẳng.
Những người di cư buộc phải rời bỏ quên hương để đi tìm một cuộc sống mới tốt đẹp và bình an hơn
Sức ép lớn lên hệ thống an sinh xã hội
Đằng sau con số 8 tỷ người còn là câu chuyện già hóa dân số. Dân số thế giới đang một ngày già đi. Theo số liệu mới công bố của Ban Dân số Liên Hợp Quốc, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến tăng gấp đôi trong 3 thập niên tới, vào khoảng 1,6 tỉ vào năm 2050, trong đó dân số châu Á đang già đi nhanh hơn bất kỳ châu lục nào khác do tỷ lệ sinh giảm mạnh. Khiến cho các nền kinh tế gặp khó khăn do thiếu lao động, đồng thời đặt gánh nặng lên vai các chính phủ trong việc đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, hệ thống y tế và hệ thống hưu trí quốc gia.
Cột mốc dân số thế giới 8 tỷ người cũng đang và sẽ gây sức ép nặng nề môi trường toàn cầu, khiến cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng thêm. Dân số không ngừng tăng lên thì các nguồn tài nguyên thiên nhiên dần trở nên cạn kiệt dần do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu nhà ở, sản xuất lương thực, thực phẩm, sản xuất công nghiệp… Đồng thời lượng khí thải ra môi trường ngày càng nhiều hơn. Nhiệt độ trái đất đang ấm lên từng ngày, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước, ô nhiễm không khí, nguồn nước và hứng chịu những thiên tai, thảm họa… như một lời nhắc nhở chúng ta cần có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ hành tinh xanh.
Có thể thấy, thế giới 8 tỉ người đang và sẽ tạo ra nhiều áp lực cho các quốc gia. Hơn bao giờ hết chính phủ các nước cần định hình lại chiến lược phát triển, nhằm mang tới cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc cho người dân, để không một ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương. Việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững được đánh giá là con đường tốt nhất của thế giới hướng tới một tương lai hạnh phúc, khỏe mạnh./.
Dân số Việt Nam chạm mốc 100 triệu người
nguồn lực vững vàng cho phát triển kinh tế - xã hội Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đạt con số 100 triệu người vào năm 2023, xếp trong nhóm 15 nước có dân số cao nhất trên thế giới.Những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ trong giai đoạn 2010-2019 có xu hướng tăng ở tất cả các bậc đào tạo, trong đó số lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên tăng nhiều hơn cả. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên tăng lần lượt từ 1,7% và 5,7% của năm 2010 lên 3,8% và 10,6% năm 2019.Bên cạnh đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp khá, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thể hiện qua năng suất lao động của toàn xã hội được nâng cao. Báo cáo Năng suất lao động giai đoạn 2011-2020 của TCTK, năm 2020, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động). Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đạt 6,05%, vượt mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hằng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là “Giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm cao hơn 5,5%”.Tuy vậy, lao động việc làm ở Việt Nam vấp phải rất nhiều thách thức. Trình độ đào tạo, kỹ năng lao động, ý thức chấp hành kỷ luật của người lao động còn hạn chế… chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng. Số người từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 75,4 triệu người, trong đó có 51,7 triệu người thuộc lực lượng lao động. Trong số 51,7 triệu người lao động, có tới 73,8% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 26,2% lao động có chuyên môn kỹ thuật (bao gồm 3,7% người có trình độ sơ cấp, 1,9% người có trình độ trung cấp, 1,9% người có trình độ cao đẳng và 6,1% người có trình độ từ đại học trở lên). Năm 2022, cả nước có khoảng 38,1 triệu người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và 13,6 triệu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên.Dù NSLĐ của Việt Nam đang ngày càng cải thiện, song vẫn thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2 lần) và Mi-an-ma (gấp gần 1,6 lần). Trong 3 thập niên đổi mới và hội nhập (1990-2020), NSLĐ của Việt Nam đạt tốc độ tăng bình quân đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Những điều trên dẫn đến năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng.Bên cạnh đó, tuổi thọ bình quân nước ta ngày một tăng lên, đạt mức 73,6 tuổi vào năm 2022, cao hơn so với các nước có cùng điều kiện kinh tế, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều can thiệp ứng phó với bất bình đẳng khi sinh nhưng thực tế tỉ số giới tính khi sinh của trẻ em mới sinh năm 2022 là 111,6 trẻ trai/100 trẻ gái, vẫn đang ở mức cao hơn so với mức cân bằng tự nhiên. Nếu các biện pháp can thiệp tiếp tục không phát huy hiệu quả, dự báo Việt Nam sẽ dư thừa 2,3 - 4,3 triệu nam giới vào năm 2050, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội.Tuy chất lượng lao động Việt Nam được cải thiện, song chênh lệch giữa lao động trình độ cao đẳng, đại học luôn lớn hơn khá nhiều so với lao động có trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp. Cụ thể, năm 2019 chênh lệch này là 4,9 điểm phần trăm, gần gấp 2 lần. Điều này phản ánh sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo, Việt Nam rơi vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, đặt ra bài toán đào tạo cho nguồn nhân lực nước ta.Hơn nữa, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức là tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới, người Việt có thể sẽ "già trước khi giàu"; số lao động có việc làm phi chính thức khá cao với 64,8% trong 6 tháng đầu năm nay. Những vấn đề này sẽ là tạo một gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội nước ta.Dù vậy không thể phủ nhận, quy mô dân số 100 triệu người là nguồn lực vững vàng cho thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội phát triển đất nước nhanh, bền vững. Hơn nữa, dân số Việt Nam lại đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, gần 70% dân số trong độ tuổi lao động, với một thế hệ trẻ thích ứng nhanh với sự phát triển, đang tạo nên một thị trường lao động năng động và tạo sức hút lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, khi các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế của quốc gia, thì cột mốc 100 triệu dân mở ra cơ hội cho nước ta nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới nếu Việt Nam đầu tư hiệu quả cho giáo dục - đào tạo, để nâng cao kỹ năng, trình độ lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng./. |
Phạm Hoài Nam
Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (TCTK)