Đây là nội dung Tiểu dự án 1 của dự án 9 về Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.
Mục tiêu của tiểu dự án là xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối tượng của Tiểu dự án 1 là đồng bào các dân tộc thuộc danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025; Hộ dân tộc nghèo thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg; Hộ gia đình người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) sinh sống tại 2 bản: Cò Phạt, Búng thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; Các xã, thôn đặc biệt khó khăn có đồng bào các dân tộc thuộc danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 sinh sống ổn định thành cộng đồng.
Dự án tập trung vào các nội dung như: Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tại các thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên đầu tư các thôn đặc biệt khó khăn, cụ thể:
Về đường giao thông, xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, cứng hóa đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, bản, đường nội thôn, liên thôn. Về điện sản xuất, sinh hoạt, bổ sung các trạm biến áp và lưới điện phân phối đến các hộ dân. Về thủy lợi, xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ. Công trình chống sạt lở: Xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình chống sạt lở tại những điểm thôn, bản có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực dân cư, trường học. Các công trình về văn hóa - giáo dục gồm: Xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm chuyển tiếp phát thanh xã, công trình phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; kiên cố hóa các lớp học, sân chơi cho trẻ mẫu giáo, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú, bếp ăn cho học sinh và các công trình phụ trợ khác.
Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế bao gồm: Đối với các hộ DTTS có khó khăn đặc thù: Hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ tiêm vắc-xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm. Hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất, tổ chức lớp tập huấn cho các hộ gia đình về kiến thức sản xuất tại thôn, bản và tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm cho cộng đồng. Hỗ trợ xây dựng mô hình, tổ hợp tác liên kết theo chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động phát triển sản xuất khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các hộ DTTS còn nhiều khó khăn: Hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt. Trường hợp xác định vật nuôi hoặc cây trồng khác phù hợp với địa phương, thực hiện đầu tư và tính quy đổi giá trị từ bò hoặc gà, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ/hộ không thay đổi so với hạn mức được giao.
Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thông tin - truyền thông nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.
Hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù bao gồm: Đối với bà mẹ mang thai, tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; khám, quản lý thai nghén và chăm sóc y tế đối với phụ nữ mang thai, hỗ trợ phụ nữ mang thai được tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến; hỗ trợ sinh con đúng chính sách dân số và phương tiện đi lại cho bà mẹ mang thai. Đối với trẻ em dưới 05 tuổi: Hỗ trợ trẻ sơ sinh được tầm soát các loại bệnh bẩm sinh phổ biến; điều trị, cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi; hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng công thức (cơm/cháo dinh dưỡng công thức ăn liền) cân đối hợp lý và sữa học đường cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số tại thôn, bản có đông đồng bào các DTTS có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung.
Đầu tư phát triển bền vững người Đan Lai tại Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An bao gồm: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ phát triển cộng đồng; Hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; Hỗ trợ khai hoang cải tạo đất sản xuất, giống, vật tư sản xuất; Hỗ trợ về giáo dục, văn hóa, y tế và chăm sóc sức khoẻ người dân; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tộc người Đan Lai.
Dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện. UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn bảo đảm không trùng lắp đối tượng, nội dung với các dự án, tiểu dự án khác thuộc Chương trình; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.
Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 9 là 6.699,138 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương là 6.610,272 tỷ đồng (gồm: Vốn đầu tư là 1.966,409 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 4.643,863 tỷ đồng); Ngân sách địa phương là 88,866 tỷ đồng
Kết quả triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù trên địa bàn một số tỉnh triển khai dự án cho thấy, tại tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 744/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025 (Đề án) với tổng dự toán kinh phí thực hiện là 19.256,6 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025: Dự kiến khoảng trên 18.000 triệu đồng. Ngân sách địa phương: Dự kiến khoảng trên 1.100 triệu đồng. Trong triển khai thực hiện năm 2022, 2023 kinh phí giao là 6.595 triệu, kinh phí thực hiện đến tại thời điểm tháng 6/2023 là 1.670 triệu đồng, đạt 25,31% tổng kinh phí giao. Nội dung thực hiện là hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho 63 hộ; Hỗ trợ cho bà mẹ mang thai trên địa bàn Làng Le; Hỗ trợ phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số; Hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập; tổ chức 3 lớp tập huấn tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất; truyền dạy nghề truyền thống. Hiện đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng các công trình thực hiện đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Rơ Măm) theo nội dung Đề án với 02 danh mục: (1) Nâng cấp, sửa chữa, cải tạo đường nội thôn Làng Le; (2) Nâng cấp, sửa chữa Nhà rông văn hóa Làng Le. Uớc thực hiện đến 31/12/2023 đạt 90% tổng kinh phí giao. Bước đầu góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho hộ gia đình; hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng hợp lý cho học sinh từ 3-5 tuổi, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Rơ Măm.
Tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tham gia thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 đã đầu tư với tổng mức 2 tỷ đồng cho điểm Trường mầm non tại bản Rào Tre; Xây dựng đường giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư 1,748 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 cũng đã hỗ trợ Tổ sản xuất bản Rào Tre với 20 hộ là những hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo. Theo đó, hỗ trợ về xây dựng mô hình cải tạo đồng ruộng, đất canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất các sản phẩm là 363,28 triệu đồng. Hỗ trợ giống và chuồng trại là 446 triệu đồng. Hỗ trợ tập huấn, nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất và hỗ trợ tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm từ ngân sách Trung ương./.
PV