Hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Tăng tiếp cận nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số
Sơn La là một tỉnh miền núi với địa hình bị chia cắt mạnh, sông suối nhiều và thác ghềnh với những dãy núi cao, người DTTS ở Sơn La trước đây chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt dẫn từ suối, ao hồ, khe núi, giếng đào và nước mưa. Do dựa hoàn toàn vào thiên nhiên nên nguồn nước của bà con lúc có, lúc không. Nhất là về mùa khô, lượng mưa ít nên các dòng chảy thường xuyên hết nước, người dân thiếu nước trầm trọng. Để đảm bảo đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh dựa trên nguồn vốn từ Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt hiệu quả. Theo đó, tùy điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng bào DTTS nhiều nơi đã được thụ hưởng từ chính sách thiết thực của Chương trình.
Cuối năm 2022, công trình nước sinh hoạt của bản Hát Sét, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã hoàn thành việc sửa chữa, đưa vào sử dụng, giúp hơn 120 hộ của bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Công trình có tổng đầu tư hơn 104 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Vào đầu năm 2023, công trình cấp nước liên bản xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn có tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng cũng được khởi công, đến nay đã hoàn thành hơn 50%, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.100 hộ của các bản Vựt Bon, Cơi Quỳnh, Cuộm Sơn, Dăm Hoa. Việc thi công công trình nước sinh hoạt liên bản xã Chiềng Mai sẽ góp phần nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt của xã lên trên 95%.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Mai Sơn được đầu tư xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho trên 1.600 hộ của các xã Phiêng Cằm, Chiềng Chăn, Chiềng Mai, Chiềng Lương; đầu tư công trình nước sinh hoạt phân tán cho 63 hộ thuộc các xã Chiềng Mai, Chiềng Dong, Chiềng Kheo, Nà Ớt, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi.
Thái Nguyên nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng
Tại tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Dự án 1, nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng, cùng với đó người dân cũng được hỗ trợ mua sắm các téc nước, xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Có khoảng 300 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tiến độ triển khai.
Có thể kể đến như, đầu năm 2023, UBND huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ téc chứa nước cho hơn 300 hộ gia đình của 12 xã trên địa bàn, mỗi téc chứa nước được cấp có thể tích 1.000 lít, tổng số tiền thực hiện chương trình này là trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân ở tổ dân phố Bãi Á, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) cũng được hỗ trợ téc nước, góp phần đảm bảo sức khoẻ và sinh hoạt cho người dân. Giai đoạn 2021-2023, phòng Dân tộc huyện Định Hoá đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, là người DTTS trên địa bàn. Cụ thể, toàn huyện có 934 hộ, thuộc 23 xã, thị trấn đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1. Trong đó, 881 hộ được hỗ trợ téc nước, 36 hộ được hỗ trợ đào giếng, 15 hộ được hỗ trợ đường ống dẫn nước, 2 hộ được hỗ trợ xây dựng bể chứa nước. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 15,7 tỷ đồng. Riêng tại huyện Phú Lương, năm 2023, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho 377 hộ nghèo là người DTTS&MN thuộc 12 xã trên địa bàn huyện. Tổng số tiền thực hiện hỗ trợ là 1,13 tỷ đồng. Việc cấp téc chứa nước giúp các hộ nghèo DTTS được tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt và đời sống, góp phần đảm bảo sức khỏe cho đồng bào, nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn, miền núi.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, 10 công trình cấp nước sinh hoạt đã đến với người dân vùng khó, 33 công trình cấp nước sinh hoạt đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đạt hơn 70% khối lượng. Đây là những công trình mà người dân đã mong chờ từ lâu, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước triền miên, nhất là trong các tháng cao điểm nắng nóng, nước suối khô cạn. Qua đó, giúp người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.
Có thể thấy, hỗ trợ nước sạch cho hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số là chính sách hết sức cần thiết, phù hợp với thực tế tại các địa phương. Nhờ triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt (Dự án 1, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống./.
MN