Khám phá những trầm tích văn hóa bên dòng sông Vàm Cỏ Đông huyền thoại

|

Khám phá những trầm tích văn hóa bên dòng sông Vàm Cỏ Đông huyền thoại

Sông Vàm Cỏ Đông được biết đến là một con sông với nhiều huyền thoại và sử tích lưu danh truyền đời. Sông bắt nguồn từ phía Bắc tỉnh Svay Rieng, nước Campuchia, với tên Khmer là Prek Kampong Spean. Khi qua biên giới Việt Nam sông có tên gọi theo tiếng bản địa là sông Cái Cay. Dòng sông Vàm Cỏ Đông có một vị trí rất quan trọng, có ảnh hưởng đến nhiều mặt về đời sống, kinh tế, văn hóa… của người dân ở hai phía tả ngạn và hữu ngạn từ xa xưa cho đến nay. Khám phá về những trầm tích văn hóa bên dòng sông Vàm Cỏ Đông huyền thoại sẽ cho chúng ta thêm hiểu biết nhiều điều bổ ích về dòng sông này cũng như những chứng tích lịch sử từ bao đời nay của vùng đất Tây Ninh.
 
Vàm Cỏ Đông là nơi hội tụ nhiều yếu tố của một điểm du lịch ấn tượng và hấp dẫn tại Tây Ninh. Đến với sông Vàm Cỏ Đông, du khách có thể bơi ngược dòng thượng lưu để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên đầy hoang sơ và yên bình, thư thái nơi đây. Hai bên bờ Vàm Cỏ Đông là hệ sinh thái thực vật xanh mướt, thơm ngát. Đặc biệt đây còn là dòng sông huyền thoại ghi lại những dấu ấn di tích lịch sử hào hùng thời chiến của dân tộc ta. Dấu ấn từ những di chỉ khảo cổ bên dòng sông Vàm Cỏ Đông là minh chứng cho những trầm tích lịch sử của hơn ngàn năm trước, tạo nên những dấu ấn thiêng liêng không thể phai mờ trên xứ sở này.

Qua hơn trăm năm khai quật và nghiên cứu, các di tích văn hóa Óc Eo ở Tây Ninh phân bố chủ yếu ở những vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông tạo thành trục Trảng Bàng - Bến Cầu - Gò Dầu - Châu Thành và một phần của Tân Biên. Mà tiêu biểu nhất có thể thống kê qua các cụm di tích như: Cụm Thanh Điền (Châu Thành), cụm Bình Thạnh (Trảng Bàng), cụm Bến Đình (Bến Cầu) và cụm Chót Mạt (Tân Phong - Tân Biên). Tất cả các di chỉ này hầu hết được các nhà khảo cổ xác định thuộc giai đoạn Óc Eo muộn (Hậu Óc Eo), tức là có niên đại cách đây trên 1.200 năm tuổi.

Cụm di tích Thanh Điền thuộc xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Cụm này gồm nhiều gò đất trên bậc thềm phù sa cổ cao khoảng 5m so với mực nước biển dọc theo bờ bên phải của Rạch Cái Răng, phân bố theo hàng dài trên dưới 3km theo hướng Bắc - Nam. Tất cả là 11 di tích đã được khảo sát khai quật. Nổi bật nhất trong cụm di tích này là khu di tích Gò Cổ Lâm.

Gò Cổ Lâm là khu di tích có quy mô lớn nhất trong 11 di tích của xã Thanh Điền. Theo đó, bên hông chùa Cổ Lâm, phía Tây tìm được 6 phế tích kiến trúc đền tháp được xây bằng gạch cổ và nhiều hiện vật liên quan khác như Yoni, Linga, đầu tượng, thân tượng, đế tượng…

 

Dòng sông Vàm Cỏ Đông huyền thoại với những dấu tích lịch sử 

Phía Đông gò còn phát hiện bàu nước vuông (tượng trưng cho biển sữa) với diện tích 240m x 180m, cách trung tâm gò 65m. Những phát hiện này được xác định niên đại thuộc giai đoạn cuối văn hóa Óc Eo. Đó là một trung tâm thờ các vị thần Vishnu và Shiva thời cổ xưa.

Cụm di tích Bến Đình thuộc xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu là khu phế tích xây dựng đền tháp cổ sát bờ Vàm Cỏ Đông. Tại nơi đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ít nhất có bốn chân tháp trên gò cao 5m, hiện là trung tâm miếu Bà. Cũng tại nơi này đã thu được các dữ kiện khác như gốm, chân đèn, bệ đá nắm tay tượng thần… có niên đại thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ IX - X sau Tây lịch. Mới đây (tháng 10/2019), Trung tâm Khảo cổ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiếp tục khai quật, thám sát vùng lõi của khu di tích và phát hiện nhiều dấu tích có hơn 1.000 năm tuổi. Đặc biệt là phát hiện nền móng kiến trúc tháp có điêu khắc hoa văn trên gạch rất cầu kỳ tỉ mỉ.

Khu di tích Bến Đình được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Có thể nói, đây là cụm di tích lớn của Tây Ninh. Những phát hiện tại khu vực này đã phần nào hé lộ một phần bức tranh đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của con người đã sống ở đây từ hơn 10 thế kỷ trước.

Khu di tích tháp Bình Thạnh nằm trên địa phận ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Tháp này có tên là Prey Prasath (tháp giữa rừng), tháp được xây trên một khu gò đất đắp cao hình vuông. Tháp cao 10m, mỗi cạnh dài 5m, mặt chính quay về hướng Đông. Tháp được phát hiện vào năm 1909, tuy nhiên tại thời điểm đó phần đỉnh tháp đã bị hư đổ. Sau này đến năm 1938, tháp đã được tiến hành tu sửa. Người Pháp đã đúc một tấm đan bằng xi măng trám trên đỉnh để nước mưa không đổ vào trong lòng tháp.

Bên cạnh di chỉ quý giá trên còn có một ngôi tháp khác cũng cùng niên đại với tháp Bình Thạnh, đó là tháp Chót Mạt. Khu đền tháp này được xây dựng trên một nền đất gò giữa cánh đồng, nay thuộc ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên. Tháp Chót Mạt, được xác định xây dựng khoảng thế kỷ thứ VIII sau Tây lịch thuộc nền văn hóa Óc Eo. Tháp được phát hiện chính thức cùng tháp Bình Thạnh vào những năm đầu của thế kỷ XX. Tháp được trùng tu lần đầu vào năm 1938. Qua tài liệu báo cáo khảo cổ học Tây Ninh của Viện Nghiên cứu khảo cổ Đông Dương, kiến trúc tháp được xây bằng gạch có bình diện vuông 5m x 5m, đỉnh tháp cao 10m, mỗi chiều kiến trúc tháp đều bị hư hại mất gần một nửa, 2 mặt tường tháp ở phía Tây và Bắc hầu như bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn phần móng tường chân đế tháp, các hoa văn trang trí đã bị nứt nẻ. Đến năm 2003, UBND tỉnh Tây Ninh quyết định phê duyệt dự án đầu tư trùng tu tôn tạo bảo tồn di tích tháp Chót Mạt và được tiến hành triển khai trùng tu tôn tạo phục hồi, trưng bày mở hố khai quật và đưa vào sử dụng.

Có thể nói, ngoài 2 ngôi tháp Bình Thạnh và Chót Mạt còn khá nguyên vẹn (đã được trùng tu), hai bên tả hữu ngạn của sông Vàm Cỏ Đông còn khá nhiều di chỉ khác. Từ Phước Chỉ đến Bình Thạnh, từ Gò Soài, gò Miễu Bà, gò chùa Thầy Lưỡng qua gò Cổ Lâm cho đến tận Tân Biên là cả một hệ thống dày đặc các phế tích đền tháp cổ của đất Tây Ninh.

Từ các nhà học giả người Pháp xưa kia cho đến Phân Viện Khảo cổ hiện nay đã thống kê trên 40 di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo muộn có mặt trên mảnh đất này. Điều đó đã chứng minh khu vực trung lưu sông Vàm Cỏ Đông nói riêng và Tây Ninh nói chung đã từng là địa bàn nối tiếp từ văn hóa Đồng Nai của 5.000 năm trước cho đến hậu Óc Eo sau này. Và theo nghiên cứu, nền văn hoá Óc Eo là nền văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của Vương quốc Phù Nam cổ xưa. Vương quốc này đã từng tồn tại từ thế kỷ thứ I cho đến thế kỷ thứ VI - VII trên miền đất Nam bộ. Tuy nhiên, trước nhiều cuộc chiến tranh kéo dài liên miên đã làm cho văn hoá Óc Eo bị lụi tàn, cùng với các đợt tấn công của đế quốc phương Bắc vào các nước Đông Nam Á trong thế kỷ XIII đã khiến vùng đất này trở thành hoang hoá, đổ nát. Và mãi cho đến khi những cư dân người Việt đến khẩn hoang vào thế kỷ XVII, vùng đất này mới thực sự hồi sinh và phát triển rực rỡ cho đến ngày nay./.
 
PV