Hành trình di sản UNESCO di sản tư liệu thế giới

|

Hành trình di sản UNESCO di sản tư liệu thế giới

Mộc bản triều Nguyễn, Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu và Châu bản triều Nguyễn là ba di sản tư liệu quý giá của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới. Giá trị những di sản tư liệu này ghi chép những thông tin đặc biệt quý giá, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam trong các giai đoạn xưa cũ.

Mộc bản triều Nguyễn

Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 2009.

Dưới triều Nguyễn do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo; và để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử, triều đình nhà Nguyễn đã cho biên soạn và khắc in rất nhiều tác phẩm chính văn, chính sử để truyền bá đi các nơi, trong quá trình hoạt động đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt là Mộc bản triều Nguyễn.

Mộc bản triều Nguyễn là bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành trang sách. Nội dung của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam trong thời kỳ phong kiến như: Lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa-giáo dục, tôn giáo - tư tưởng - triết học, văn thơ, ngôn ngữ-văn tự.

Mộc bản triều Nguyễn có nhiều tác phẩm quý hiếm như: "Đại Nam thực lục", "Đại Nam nhất thống chí", "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ"...

Ngoài giá trị về mặt sử liệu, Mộc bản còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam.

Hiện, khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đã được xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản, đồng thời được in rập ra giấy dó và số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng…

Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Với 82 bia tiến sỹ tương ứng với 82 khoa thi từ năm 1484 đến 1780, ghi tên các vị đỗ đại khoa tại các khoa thi. Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây cũng là những tư liệu chân thực, phản ánh bức tranh sinh động về chế độ đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam, kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê - Mạc.

82 Bia tiến sỹ là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên Bia tiến sỹ là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài.

Tháng 3/2010, Bia tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến tháng 7/2011, Bia tiến sỹ được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu. Tháng 5/2012, toàn bộ di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đến tháng 1/2015, 82 Bia tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Châu bản triều Nguyễn

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn - triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802-1945) được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2017.

Châu bản triều Nguyễn được hình thành trong hoạt động quản lý Nhà nước dưới triều Nguyễn, bao gồm: Văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền Trung ương và địa phương trình lên nhà vua phê duyệt, văn bản của các vua triều Nguyễn ban hành và một số văn kiện ngoại giao.

Châu bản triều Nguyễn chủ yếu được viết tay trên giấy dó. Hệ thống chữ viết trên Châu bản phản ánh các biến chuyển trong việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.

Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến Việt Nam, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước.

Châu bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh mọi lĩnh vực trong xã hội dưới triều Nguyễn như: Chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục...

Dưới triều Nguyễn, Châu bản là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử, các sách điển lệ chính thống như: "Đại Nam thực lục chính biên," "Đại Nam nhất thống chí," "Quốc triều chính biên toát yếu"...

Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017, UNESCO công nhận Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là di sản tư liệu thế giới./.


Việt Nam có 9 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh

Trong số 9 di sản này, UNESCO đã vinh danh 3 di sản là Di sản tư liệu thế giới và 6 di sản là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

3 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới gồm: Mộc bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2009); Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (năm 2011); Châu bản triều Nguyễn (năm 2017)

6 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang, (được công nhận năm 2012); Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, (năm 2016); Mộc bản trường học Phúc Giang (năm 2016); Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa) (năm 2018); Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (năm 2022); Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943), (năm 2022)./.

Nguyễn Trang