Trên thế giới, tín dụng xanh được phát triển tại nhiều quốc gia với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và trở thành xu hướng phát triển chung. Tại Việt Nam, thị trường tín dụng xanh đã có những bước phát triển tích cực và được kỳ vọng là kênh huy động vốn hiệu quả cho phát triển bền vững.
Những bước phát triển tích cực
Tín dụng xanh được hiểu là những khoản tín dụng ngân hàng cung cấp cho các dự án không gây rủi ro hoặc gắn với bảo vệ môi trường.
Ngày 01/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Để thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, việc khơi thông nguồn lực tài chính, trong đó hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng.
Thực tế, tín dụng xanh đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quan tâm phát triển từ trước đó thể hiện qua việc hàng loạt các văn bản được ban hành như Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng (tháng 3/2015); Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 (tháng 8/2015); Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (tháng 8/2018), nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Một loạt nhóm giải pháp đã được triển khai như: (1) NHNN xây dựng và ban hành hướng dẫn để định hướng phát triển ngân hàng xanh cho các tổ chức tín dụng (TCTD), xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ cho các TCTD để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh; (2) Các TCTD tập trung xây dựng khung chiến lược và lộ trình hướng tới phát triển ngân hàng xanh theo 5 cấp độ…
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh; ban hành nhiều văn bản khuyến khích các TCTD tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh, các ngành và lĩnh vực thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải nhà kính; triển khai các gói giải pháp quản lý, giám sát rủi ro môi trường và xã hội.
Đồng thời, NHNN chủ động, tích cực trao đổi, làm việc với các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)… nhằm đánh giá, xem xét khả năng huy động nguồn lực của các tổ chức này cho phát triển xanh, phát triển bền vững, cũng như nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp, triển khai phù hợp với tình hình, xu hướng mới.
Với định hướng, lộ trình của NHNN và sự nỗ lực của các TCTD, tín dụng xanh đang có những bước phát triển tích cực. Theo NHNN, trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 2021, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 47%), nông nghiệp xanh (chiếm 32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay. Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN) và được đánh giá là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Kết quả khảo sát của NHNN với các TCTD còn cho thấy, các TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường, xã hội vào quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng xanh; quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp cho các dự án này, chủ yếu trong trung - dài hạn và có ưu đãi lãi suất. Đồng thời chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh.
Trong hệ thống NHNN, một trong những ngân hàng ưu tiên tập trung vốn tín dụng tài trợ các dự án tín dụng xanh và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua có thể nói đến là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). BIDV đã có tầm nhìn chiến lược rõ ràng về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh; dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm dần nguồn vốn tài trợ cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững để hỗ trợ triển khai nguồn vốn xanh và bền vững về Việt Nam. Tính tới 30/9/2022, BIDV dẫn đầu thị trường về tài trợ các dự án xanh với 1.210 khách hàng và dự án, tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 61.700 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng xanh khoảng 49.000 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ BIDV.
Trái phiếu xanh là một xu hướng trong dòng chảy tài chính xanh và được coi là công cụ huy động vốn hữu hiệu từ khu vực tư nhân cho các dự án mang lại lợi ích về môi trường và xã hội. Tại Việt Nam, đây là khái niệm tương đối mới. Để thị trường trái phiếu xanh phát triển theo kịp xu hướng chung của thế giới, những năm gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (UBCKNN) đã tích cực tham gia thúc đẩy các Tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN (AGBS), Tiêu chuẩn Trái phiếu xã hội ASEAN (ASBS) và Tiêu chuẩn Trái phiếu bền vững ASEAN (ASUS), dựa trên các Nguyên tắc trái phiếu xanh, Nguyên tắc Trái phiếu Xã hội và Hướng dẫn về Trái phiếu bền vững của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), nhằm tạo ra một loại tài sản bền vững ở Việt Nam. Năm 2021, UBCKNN hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC và Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu phát hành cuốn Sổ tay “Hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” nhằm hướng dẫn các tổ chức phát hành và các thành viên thị trường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN cũng như các quy định của Việt Nam về trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững.
Từ tháng 2/2020 đến nay, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với GGGI thực hiện chương trình “Sẵn sàng cho trái phiếu xanh của Việt Nam” giúp tăng cường khung pháp lý để phát triển trái phiếu xanh cho cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ/chính quyền địa phương; nâng cao năng lực và kiến thức của các cơ quan Nhà nước Việt Nam và các bên tham gia thị trường về phát hành trái phiếu xanh và thị trường vốn xanh toàn cầu; tăng cường đầu tư xanh thông qua 02 đợt phát hành trái phiếu xanh thí điểm.
Những nỗ lực trên đã mở đường cho thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam ngày một phát triển hơn. Theo báo cáo HSBC công bố vào tháng 6/2022, thị trường trái phiếu tại Việt Nam đã tăng trưởng lên trên 70 tỷ USD trong năm 2021. Hơn 80% lượng phát hành là trái phiếu chính phủ, còn lại của các ngân hàng phát triển. Cũng theo báo cáo, Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore, trong đó phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Trong năm 2021, thị trường vốn nợ bền vững của Việt Nam trong mảng xanh, xã hội và bền vững (green, social, and sustainability - GSS) đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp năm lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm vừa qua.
Hai thương vụ lớn nhất chiếm phần lớn tổng giá trị GSS của Việt Nam năm vừa qua được nhắc nhiều đến là CTCP Vinpearl (VPL) chào bán thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn VINGROUP - CTCP (HOSE: VIC) với thời gian đáo hạn vào năm 2026, lãi suất 3,25%/năm và khoản vay hợp vốn xanh 400 triệu USD đầu tiên trên thị trường quốc tế để phục vụ nhu cầu phát triển của VinFast. Với các hình thức trên, trái phiếu xanh được sử dụng như một công cụ phục vụ cho hình thức cho vay dài hạn.
Hơn thế nữa, trái phiếu xanh đã tái tạo lại các doanh nghiệp nhỏ, vừa trong nước. Theo thống kê, cả nước có khoảng 98% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng xanh, 4 ngân hàng lớn tại Việt Nam là Vietcombank, BIDV, Agribank và Sacombank đã đưa ra chương trình tín dụng với giá trị lên đến 100 triệu USD, áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với chi phí cho các khoản vay thấp hơn từ 1 đến 3% so với thị trường. Hiện các dự án năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và nông nghiệp hữu cơ đã nhận được tổng số tiền cho vay từ chương trình này là 26 triệu USD, nhờ đó có thể nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo cho nền kinh tế nước nhà từ việc cải tiến về công nghệ.
Đặc biệt, tháng 7/2022, công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) đã đi đầu huy động trái phiếu xanh khi phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm, được bảo lãnh một phần bởi GuarantCo - công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia. Đây là lần đầu tiên thị trường Việt Nam ghi nhận một tổ chức phát hành trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, dựa trên Nguyên tắc Trái phiếu xanh do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) công bố từ năm 2018. Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tìm đến kênh vốn này nhiều hơn, đặc biệt trong lúc nguồn tiền từ các quỹ trên thế giới đang bị thắt chặt khi mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên. Đồng thời, tạo động lực cho các công ty, tổ chức trong nước ban hành những khoản nợ xanh theo tiêu chuẩn quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực song sự phát triển của lĩnh vực tín dụng xanh ở Việt Nam được đánh giá là chưa nhanh như kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng do việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các TCTD Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, tuy nhiên hiện vẫn chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các TCTD thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng, để xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng cũng gặp nhiều vướng mắc do thiếu quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.
Bên cạnh đó, các TCTD gặp khó trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định, do việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đi đôi với thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn.
Hơn nữa, động lực tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam chưa xuất phát từ thị trường, thiếu vắng sự tham gia của các nhà đầu tư có tổ chức trên tất cả các mảng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu xanh, dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp và kém thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành, chỉ có số ít các doanh nghiệp lớn phát hành được ra quốc tế và còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư còn chưa chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức về trái phiếu xanh. Báo cáo khảo sát của Ủy ban Chứng khoán nhà nước năm 2021 đối với thị trường trái phiếu xanh cho thấy, 90% doanh nghiệp cho rằng họ khó tìm được người mua khi phát hành trái phiếu. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng phục vụ cho hệ sinh thái của thị trường trái phiếu xanh chưa hình thành đầy đủ. Số lượng các đơn vị tư vấn phát hành, các tổ chức xác nhận tiêu chuẩn “Xanh” theo chuẩn quốc tế thật sự có kinh nghiệm còn khiêm tốn. Mức độ minh bạch thông tin chưa được cải thiện.
Tín dụng xanh được xác định là công cụ hữu ích, hỗ trợ việc huy động các nguồn lực từ thị trường vốn trong nước và quốc tế cho các dự án bền vững và thân thiện với môi trường - xã hội. Để tháo gỡ các nút thắt đang tồn tại, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng xanh; rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng để đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường (2020); xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh của các nhà tài trợ, đặc biệt là các tổ chức tài chính quốc tế để khuyến khích các TCTD tham gia tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Tập trung xây dựng hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực…
Để tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng tỷ trọng tín dụng xanh cho tăng trưởng xanh, NHNN sẽ tập trung xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, phát triển nền tảng số, hạ tầng số, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững; đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các TCTD trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh. Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong việc thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.
Đây là những nền tảng để Việt Nam phát huy hiệu quả của kênh huy động vốn từ thị trường tín dụng xanh, từ đó thực hiện thành công “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” và thực hiện mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26 trong năm 2021 cũng như đạt được các mục tiêu phát triển bền vững./.
Kim Hải