Khu vực FDI giúp Việt Nam vươn ra biển lớn

|

Khu vực FDI giúp Việt Nam vươn ra biển lớn


Trải qua dấu mốc 35 năm, khu vực thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, giúp Việt Nam vươn ra biển lớn và bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đạt nhiều thành tựu quan trọng

Tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung khẳng định, khu vực FDI luôn được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam được Đảng, Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để phát triển để phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác của nền kinh tế.

Với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút FDI. Theo đó, tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được khoảng gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, khoảng 280 tỷ đã được giải ngân. Trong năm 2020, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, theo báo cáo của Liên hiệp Quốc tế về Thương mại và phát triển, Việt Nam vẫn lọt vào 1 trong 20 quốc gia, nền kinh tế có nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài được thu hút lớn nhất trong năm. Điều này đã chứng minh cho những thành công của Việt Nam trong nỗ lực để thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với số lượng dự án và vốn đầu tư ngày càng gia tăng, khu vực vốn đầu tư nước ngoài đã và đang trở thành một khu vực kinh tế năng động và là một động lực tăng trưởng quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế.

 
Ảnh minh họa

Cùng với đó, 35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Không chỉ khía cạnh là nguồn lực đầu tư mà còn góp phần quan trọng hình thành nên một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng tạo việc làm, xuất nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, đóng góp vào ngân sách nhà nước, lôi kéo các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển và tham gia vào hoạt động an sinh xã hội của đất nước. 

Đồng thời, có những đóng góp quan trọng để giúp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng hơn nữa quan hệ với các nước, nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên thế giới và trong khu vực; giúp Việt Nam vươn ra biển lớn, tạo động lực và góp phần để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đưa Việt Nam bước lên một nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn đa quốc gia doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư những dự án quy mô lớn vào lĩnh vực công nghệ hiện đại với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. 

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua nhiều cải cách như Chính phủ cũng đã chỉ đạo tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Sau tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết riêng về đầu tư nước ngoài, với một nội hàm mới là “hợp tác đầu tư nước ngoài”, chứ không phải chỉ đơn thuần là “thu hút đầu tư nước ngoài” như trước đây. Đó là Nghị quyết 50-NQ/TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. 

Nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Chiến lược Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới...

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu trên, việc đề ra những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và có tính thực thi cao là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực..., trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số. Đổi mới sáng tạo chính là khâu đột phá của chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia.

Thứ hai, phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính.

Thứ ba, phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đưa khu vực đầu tư nước ngoài kết nối chặt chẽ với khu vực đầu tư trong nước, mang lại sức phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ nói trên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Chính phủ đã giao rất nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao hoàn thiện Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu sửa đổi; báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nghề cụ thể; cũng như xây dựng cơ chế quản lý các hoạt động xúc tiến đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư…

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giúp Việt Nam tiếp tục đạt được những thành công quan trọng trong hợp tác đầu tư nước ngoài; tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên và đảm bảo đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp…

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư để tiếp tục cải cách, tạo lập được môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất, hướng đến các chuẩn mực của OECD, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thuận lợi về mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, nguồn cung lao động có tay nghề, đồng thời nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước… nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài./.

 
Thu Hường