Điểm sáng bức tranh thương mại hàng hoá của Việt Nam trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm

|

Điểm sáng bức tranh thương mại hàng hoá của Việt Nam trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đã trở thành điểm sáng cho xuất nhập khẩu Việt Nam trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.

Tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 63,45% vào tốc độ tăng chung toàn nền kinh tế. Riêng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%.

 
Tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8 tỷ USD, giảm 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,3 tỷ USD, tăng 6,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Sáu giảm 11,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 8,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 12,6%.

Trong quý II năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,4 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,9% so với quý I năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,41 tỷ USD, giảm 11,9%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 121,04 tỷ USD, giảm 12,2%, chiếm 73,6%.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 6 tháng đẩu năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 144,82 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 13,4 tỷ USD, chiếm 8,1%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 4,13 tỷ USD, chiếm 2,5%.

Về nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,41 tỷ USD, tăng 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,30 tỷ USD, tăng 3,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Sáu giảm 16,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 19,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,2%.

Trong quý II năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 76 tỷ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,2% so với quý I năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,22 tỷ USD, giảm 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,98 tỷ USD, giảm 17,8%.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,1%). Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 142,66 tỷ USD, chiếm 93,7%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 9,54 tỷ USD, chiếm 6,3%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 37,2 tỷ USD giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 14,5 tỷ USD, giảm 9,8%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,2 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,7 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 24,5 tỷ USD, giảm 30,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 13,4 tỷ USD, giảm 34,8%; nhập siêu từ ASEAN 4 tỷ USD, giảm 39,1%.

Điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt 316,7 tỷ USD, giảm 15,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh là tăng trưởng của 6 tháng 2 năm trước đều đạt rất cao (năm 2022 tăng 17%; năm 2021 tăng 33,1%). Nếu so sánh về quy mô thì 6 tháng năm 2023 đạt tương đương với quy mô của 6 tháng năm 2021 (tổng kim ngạch bằng 99,3%. Trong đó, xuất khẩu hàng hoá bằng 103,7%; nhập khẩu hàng hoá bằng 94,9%).

Theo báo cáo của Tradingeconomics cập nhật đến tháng 4/2023 cho 16 nền kinh tế lớn trên thế giới, thì có đến 13/16 quốc gia (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu; 12/16 quốc gia (chiếm 75%) cũng có tốc độ sụt giảm nhập khẩu trong tháng 4/2023. Có 4 quốc gia Đông Nam Á điển hình trong danh sách đều ghi nhận mức sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu khá lớn. Cụ thể: Indonesia xuất khẩu giảm 17,6% và nhập khẩu giảm 25,5%; Thái Lan xuất khẩu giảm 21,4% và nhập khẩu giảm 7%; Malaysia xuất khẩu giảm 18,7% và nhập khẩu giảm 10,1%; Singapore giảm thấp nhất với kim ngạch xuất khẩu giảm 4,8% và nhập khẩu giảm 2,5%.

Do vậy, kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Đồng thời cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc là thị trường có thương mại 2 chiều lớn nhất với Việt Nam đã thật sự mở cửa nền kinh tế cũng sẽ là yếu tố tích cực cho xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, đặc biệt là đối với những nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản.

Nhận định thời gian tới, trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với lạm phát trong những tháng cuối năm, tác động tới các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu; thực trạng suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới; xung đột địa chính trị… dẫn tới nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm (yếu tố này rất khó đoán định trong thời gian tới), điều này sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023.

Tổng cục Thống kê cũng đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, cụ thể:

Một là, tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại (đặc biệt là các FTA đã ký kết) và nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường và ngành hàng truyền thống, cụ thể các thị trường bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh...

Hai là, theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời;

Ba là, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu./.

 
Nguyễn Việt Phong
Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ - TCTK