Tăng cường xuất khẩu gạo nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực

|

Tăng cường xuất khẩu gạo nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực

Sau mùa bội thu năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục vượt xa kỳ vọng trong 7 tháng đầu năm 2023. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu cũng dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao. Việc hàng loạt các thị trường truyền thống tăng nhu cầu nhập khẩu và giá gạo tăng cao đang tạo cơ hội để ngành gạo Việt Nam tăng tốc xuất khẩu, song vẫn phải đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
 
Xuất khẩu gạo tiếp tục vượt xa kỳ vọng
 
Năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam “bội thu” với khối lượng đạt 7,13 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt con số kỷ lục 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so năm 2021. Đây được xem là một “kỳ tích” trong khó khăn khi nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ và chịu tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu, biến động địa - chính trị giữa các nước. Con số ấn tượng trên giúp Việt Nam tiếp tục nằm trong Top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.
 
Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục vượt xa kỳ vọng. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, Việt Nam xuất khẩu trên 4,83 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về kim ngạch so cùng kỳ năm trước.
 
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục vượt xa kỳ vọng

Châu Á là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trong 6 tháng năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang khu vực châu Á đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo trọng điểm của Việt Nam với sản lượng xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn, chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu cả nước, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là Trung Quốc chiếm trên 16% trong tổng lượng xuất khẩu (tương đương 677,4 nghìn tấn), tăng 60,7%. Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 trong khu vực châu Á, chiếm 11,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 492,8 nghìn tấn), tăng 15 lần về lượng so với cùng kỳ năm trước.
 
Xuất khẩu gạo cũng ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường có FTA thế hệ mới. Lượng gạo xuất khẩu sang thị trường EU tuy chỉ chiếm tỷ trọng 2% trong tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng tăng 28% so cùng kỳ năm trước, đạt hơn 84,5 nghìn tấn.
 
Giá trị hạt gạo nâng cao
 
Sau nhiều năm liên tục nằm trong top đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu, song song với đa dạng hóa thị trường, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã và đang từng bước chuyển đổi theo hướng tập trung vào chất lượng sản phẩm, nhằm tăng giá trị xuất khẩu, nâng cao đời sống cho nông dân. Theo đó, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao. Không chỉ các doanh nghiệp lớn, người nông dân cũng chủ động nâng cao giá trị, chất lượng hạt gạo ngay từ khâu sản xuất, tạo ra quy trình khép kín, an toàn nhằm đáp ứng yêu cầu từ những thị trường khó tính nhất.
 
Bộ Công Thương đánh giá, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu hiện đang đi đúng định hướng, tăng tỷ trọng xuất khẩu chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo thường, chất lượng thấp. Hiện gạo cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 50% tổng lượng gạo xuất khẩu, chủng loại gạo trắng thường chiếm tỷ trọng ổn định ở mức dưới 45%. Chủng loại gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng mặc dù xuất khẩu với số lượng nhỏ nhưng cũng mang lại giá trị cao. Một số sản phẩm gạo giá trị cao của Việt Nam như ST24, ST25 đã khẳng định được giá trị, vị trí trên trường quốc tế.
 
Việc chú trọng tăng chất lượng gạo xuất khẩu cùng với tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng đã khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao. Trong quý I/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân dao động khoảng 450 USD/tấn, có thời điểm vượt qua giá gạo Thái Lan cùng chủng loại.
 
Bước sang quý II/2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng theo đà tăng của giá gạo thế giới, do nhu cầu nhập khẩu gạo tăng mạnh tại nhiều thị trường như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các nước châu Phi, trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ, Pakistan bị hạn chế do ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Tại thời điểm tháng 5/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức 535 USD/tấn.
 
Trong quý III năm nay, giá gạo xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới đạt đỉnh mới khi các nước Ấn Độ, UAE, Nga liên tiếp ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, dẫn tới các quốc gia Trung Quốc, Philippines, Indonesia tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần. Đơn cử, Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Tương tự, châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu 42,2 triệu tấn gạo trong năm 2023.
 
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao

Tính đến ngày 01/8/2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức 590 USD/tấn đối với chủng loại 5% tấm, tăng khoảng 80 USD/tấn so với tháng trước. Đây là mức giá cao nhất trong 11 năm qua và tiến gần hơn với giá gạo của Thái Lan (625 USD/tấn). Đối với đơn hàng xuất khẩu giao tháng 8/2023, giá gạo vượt mức 610 USD/tấn với gạo 5% tấm. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD/tấn so với tháng trước.
 
Tại Việt Nam, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này trong nước tăng nhanh theo từng ngày và lên cao ở mức bất hợp lý.
 
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến 27/7/2023, tức là chỉ sau một tuần từ khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có hiệu lực 20/7/2023, giá thóc nội địa tăng 368-441 đồng một kg so với tháng 6. Giá gạo các loại cũng đắt thêm 850-940 đồng/kg. Giá một số chủng loại ghi nhận ngày 27/7/2023 cụ thể: Giá gạo IR50404 đạt 10.750 đồng/kg, tăng 5% so với ngày 20/7 (tương đương tăng 500 đồng/kg); giá gạo OM5451 đạt 11.000 đồng/kg, tăng 5% (tương đương tăng 550 đồng/kg); giá gạo Đài Thơm 8 đạt 11.300 đồng/kg, tăng 6% (tương đương tăng 650 đồng/kg)… So với cùng kỳ năm 2022, giá gạo tăng 2.400-3.400 đồng/kg. Đến ngày 04/8/2023 mới đây, giá gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục điều chỉnh tăng 100-200 đồng/kg với nhiều chủng loại lúa.
 
Vẫn còn những điểm nghẽn trong xuất khẩu gạo
 
Mặc dù xuất khẩu gạo đã gây ấn tượng bởi các con số trên, nhưng vẫn còn những “điểm nghẽn” cản trở quá trình tái cơ cấu và nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo xuất khẩu. Yếu tố chất lượng vẫn là một trong những điểm nghẽn lớn nhất. Hiện chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là vẫn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường “khó tính” trên thế giới. Chất lượng gạo thể hiện thông qua việc đạt các chứng nhận của các quốc gia và tổ chức khác nhau trên thế giới. Hiện, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt các chứng nhận như: Global GAP (tiêu chuẩn chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu); ISO 22000 (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm); HACCP (hệ thống quản lý chất lượng dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu); Chứng nhận JAS (tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản, áp dụng cho dòng gạo hữu cơ)... là chưa nhiều. Đây lại là những chứng nhận quan trọng, như giấy thông hành đgạo Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu chất lượng cao. Chưa kể hiện nay nhiều thị trường còn đặt ra các tiêu chuẩn khác về môi trường, lao động, thương mại công bằng... Điều này lý giải tại sao lượng gạo xuất khẩu Việt Nam sang các nước Mỹ, Nhật Bản hay EU... vẫn còn khiêm tốn, mà chủ yếu xuất khu sang các thị trường truyền thống là Philippines, Indonesi, Trung Quốc và các nước châu Phi.
 
Bên cạnh đó, theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo vẫn chưa đạt được giá trị gia tăng cao là do Việt Nam còn thiếu các sản phẩm chế biến sâu từ gạo như thực phẩm làm từ gạo, nước uống từ gạo, sữa gạo..., trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đối với các loại sản phẩm này ngày một tăng và giá bán cũng cao hơn gấp nhiều lần so với gạo thô.
 
Ngoài ra, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ khó đáp ứng để thâm nhập thị trường mới. Nhiều doanh nghiệp phản ánh chi phí và thời gian đi lại để nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hiện còn khá lớn. Với các quy định về điều kiện xuất khẩu khắt khe, các doanh nghiệp quy mô nhỏ không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, buộc phải ủy thác xuất khẩu cho doanh nghiệp đủ điều kiện với mức phí ủy thác xuất khẩu hiện khoảng 1-5 USD/tấn. Điều này vô hình trung khiến giá trị hạt gạo của Việt Nam trở nên đắt hơn, giảm sức cạnh tranh so với gạo các nước khác.
 
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp ngành gạo cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động, do việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp còn gặp những vướng mắc, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh gạo.
 
Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống
 
Dự kiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục neo cao trong thời gian tới khi nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, do lo ngại ảnh hưởng của các bất ổn kinh tế, chính trị và hiện tượng El Nino. Việc hàng loạt các thị trường truyền thống tăng nhu cầu nhập khẩu gạo và giá gạo tăng cao đang tạo cơ hội để ngành gạo Việt Nam tăng tốc xuất khẩu, chinh phục dấu mốc mới trong năm 2023. Mặc dù vậy, với quan điểm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam, ngày 05/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị 24/CT-TTg về đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.
 
Trong Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các Bộ, địa phương rà soát quy hoạch, phát triển vùng trồng, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm. Thủ tướng đồng thời yêu cầu các Bộ, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới; tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các bộ đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam và khuyến cáo địa phương, doanh nghiệp, hộ trồng lúa tuân thủ quy định chất lượng lúa, gạo của Việt Nam và nước nhập khẩu.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Khẩn trương hoàn thiện, trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, nhằm tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam. Triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam; khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các FTA nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam. Hướng dẫn, hỗ trợ các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế, nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ động các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm sẽ xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế./.

Ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể là:

1.  Tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.

2. Chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu

- Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.

- Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.

3. Tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu gạo Việt Nam vào các thị trường

- Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%: nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.

- Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030.

4. Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới

- Đến năm 2025, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 4%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 3%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 7%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

- Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.
B.N