Xuất khẩu của Việt Nam trước tác động của Thỏa thuận Xanh EU

|

Xuất khẩu của Việt Nam trước tác động của Thỏa thuận Xanh EU

Thỏa thuận Xanh châu Âu (The European Green Deal - EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU), được thông qua ngày 15/1/2020 nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. EGD định hình chiến lược của EU để đạt được mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.

Tại một số trường hợp cụ thể, các chính sách của Thỏa thuận Xanh EU cũng được áp dụng cho các đối tượng ngoài EU, phổ biến là các trường hợp như: Có phạm vi áp dụng là hàng hóa lưu hành, mua bán thương mại, sử dụng, tiêu thụ và/hoặc tạo phát thải tại EU, không phân biệt hàng hóa sản xuất tại EU hay hàng nước ngoài nhập khẩu vào EU; hoặc được thiết kế để áp dụng riêng cho hàng nhập khẩu vào EU từ bên 2 ngoài nhằm đảm bảo cân bằng với các quy định EU áp dụng cho hàng hóa nội khối EU.

 

Thỏa thuận xanh EU dự kiến sẽ gia tăng tác động tới xuất khẩu Việt Nam trong tương lai

Trong gần 4 năm triển khai Thỏa thuận Xanh, EU đã có nhiều chính sách xanh đang ảnh hưởng và dự kiến sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này, trong đó có Việt Nam. Danh sách các chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sẽ còn tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh EU đến năm 2050, mà đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030.

Với vị thế là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm, việc EU thực hiện Thỏa thuận Xanh cũng sẽ ảnh hưởng tới một bộ phận đáng kể hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tác động của chính sách xanh tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu (các tiêu chuẩn kỹ thuật xanh mới, hoặc sửa đổi, nâng cấp yêu cầu hoặc mở rộng diện áp dụng của các tiêu chuẩn hiện có). Nhóm tiếp theo là các quy định gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững” (dưới dạng các khoản phí bổ sung phải nộp, các loại chứng chỉ trung hòa carbon phải mua…). Cuối cùng là các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu (ví dụ về nguồn gốc xuất xứ đất trồng, về lượng carbon phát sinh trong quá trình sản xuất trên đơn vị sản phẩm…), hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh “xanh, bền vững” của sản phẩm cho người tiêu dùng (ví dụ về ghi nhãn, về hộ chiếu số cho sản phẩm…).

Với các chính sách xanh được nhận diện tới thời điểm hiện tại của Thỏa thuận Xanh EU, các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới bao gồm: (i) Sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, 3 linh kiện liên quan; (ii) Nông sản (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt,…), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; (iii) Thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); (iv) Dệt may, giày dép; (v) Các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; (vi) Sắt thép, nhôm, xi măng; và (vii) Bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất…).

Theo Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được thực hiện 8/2023, có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới Thỏa thuận xanh hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam. Điều đáng nói là, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp Việt Nam biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia Khảo sát khác (8-12%).

Đáng nói là, không chỉ EU, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự. Vì vậy, việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt và cập nhật về các chính sách xanh của EU tới từng loại sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là điều cần thiết để ứng phó với các tác động của Thỏa thuận Xanh EU tới xuất khẩu, đồng thời là bước chuẩn bị ban đầu của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các chính sách mới của thị trường quốc tế. Trong đó, nông sản - thực phẩm là một trong các nhóm sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu mang lại giá trị cao là lĩnh vực tập trung nhiều chính sách xanh của EU; nổi bật trong số đó là Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” với các định hướng quan trọng. Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của hàng dệt may Việt Nam, trong khi dệt may lại đứng trong tốp đầu các ngành làm suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, do đó dệt may cũng thuộc nhóm tập trung nhiều nỗ lực xanh nhất của EU với các chính sách tập trung tại Chiến lược của EU đối với dệt may tuần hoàn và bền vững.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tìm hiểu, tuân thủ và thích ứng với các tiêu chuẩn xanh trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU, ngày 16/11/2023 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với sự hỗ trợ của Viện FNF (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo Thỏa thuận Xanh EU - Tác động tới xuất khẩu Việt Nam: Những điều doanh nghiệp cần biết. Tại đây, doanh nghiệp đã cơ cơ hội trang bị thêm kiến thức về: Mục tiêu, tính chất, các nội dung cơ bản của EGD; Tổng hợp các chính sách xanh EU có tác động tới hàng hóa nhập khẩu vào EU đã và dự kiến áp dụng; Nhận diện các ngành xuất khẩu sẽ chịu tác động mạnh và phân tích hướng tác động của EGD tới xuất khẩu Việt Nam; Nhận diện các chính sách xanh EU cụ thể đối với nông sản, thực phẩm và dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU cùng với các khuyến nghị giải pháp ứng phó, thích ứng. Quan trọng hơn cả là sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu của EU và chuẩn bị các giải pháp ứng phó ở mọi tình huống./.

 
P.V