Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, động lực cho du lịch khởi sắc

|

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, động lực cho du lịch khởi sắc

Tín hiệu mừng cho nhiều ngành dịch vụ khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng qua tăng lên đáng kể, trong đó có ngành du lịch, dịch vụ, vận tải. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 10,9% so với tháng trước và gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm 2023 và cũng là tháng thứ 5 liên tiếp đón trên 1 triệu lượt khách. Tính chung 11 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trong tổng số hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2023, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 9,8 triệu lượt người, chiếm 87,3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 1,3 triệu lượt người, chiếm 11,9% và gấp 4,1 lần; bằng đường biển đạt 87,9 nghìn lượt người, chiếm 0,8% và gấp 102,8 lần.

Khách từ châu Á đến Việt Nam chiếm số lượng cao nhất, đạt 8.701,5 nghìn lượt người, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2022; khách từ châu Âu đạt 1.288 nghìn lượt người, gấp 3,1 lần; khách từ châu Mỹ đạt 827,4 nghìn lượt người, gấp 2,6 lần; còn khách từ châu Úc và châu Phi lần lượt đạt 388,1 và 26,3 nghìn lượt người, tương ứng gấp 3,0 và 2,8 lần.

 

Khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2023 phân theo vùng lãnh thổ. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ngay từ đầu năm, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch, cùng với lượng khách quốc tế tăng mạnh trong 11 tháng năm 2023 nên du lịch trong nước cũng dần hồi phục và tăng trưởng tốt.

Theo Tổng cục Du lịch, khách quốc tế từ Hàn Quốc có số lượng nhiều nhất trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 với 3,2 triệu lượt (chiếm 28,5%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,5 triệu lượt. Tiếp theo là Đài Loan, Trung Quốc với 758 nghìn lượt, Mỹ với 658 nghìn lượt, Nhật với 527 nghìn lượt. Ba vị trí tiếp theo trong top đầu đều thuộc khu vực Đông Nam Á, gồm: Thái Lan 442 nghìn lượt; Malaysia 419 nghìn lượt; Campuchia 359 nghìn lượt. Úc xếp ở vị trí thứ 9 với 353 nghìn lượt, Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 10 với 352 nghìn lượt.

Nhờ chính sách đơn phương miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 15/8/2023, khách châu Âu đến Việt Nam tăng trưởng mạnh, tăng 58,5% so với tháng 10/2023. Trong đó, Anh tăng 38,6%, Pháp tăng 72,5%, Đức tăng 36,1%, Ý tăng 55,1%, Nga tăng 41,8%, Đan Mạch tăng 32,9%, Thụy Điển tăng 84,8%, Na Uy tăng 52,7%, Phần Lan tăng 30,2%, Tây Ban Nha tăng 15,5%.

Trong khi đó, hoạt động vận tải hành khách sôi nổi trở lại và có mức tăng khá. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vận tải hành khách tăng chủ yếu do lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trở lại. Tính chung 11 tháng năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 4.203,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 222,5 tỷ lượt khách.km, tăng 23,9%. Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 4.189,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước và 181,9 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 9,7%; vận tải ngoài nước ước đạt 13,9 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 3,1 lần và 40,6 tỷ lượt khách.km luân chuyển, gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước.

Nhờ sự phục hồi của du lịch, doanh thu du lịch lữ hành và các ngành liên quan có sự tăng trưởng khá. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng năm 2023 ước đạt 34 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành tăng cao có thể kể đến: Khánh Hòa tăng 138%; Đà Nẵng tăng 134,7%; Cần Thơ tăng 129,9%; Quảng Ninh tăng 87,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 68%; Hà Nội tăng 52,9%; Hải Phòng tăng 44%.

Kéo theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm 2023 ước đạt 616 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng mức và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của một số địa phương tăng gồm: Đà Nẵng tăng 34,9%; Cần Thơ tăng 31,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 30,2%; Hải Phòng tăng 13,3%; Hà Nội tăng 10,5%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6%. Các địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao cũng là những địa điểm có doanh thu du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng nhiều nhất.

Việc du lịch dần phục hồi và tăng trưởng tốt, khách quốc tế đang quay lại với Việt Nam trong bối cảnh kinh tế đất nước và kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay có thể coi là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng chung; qua đó góp phần tạo động lực cho ngành du lịch nói riêng và một số ngành liên quan tiếp tục bứt phá./.

 
P.V