Tăng cường năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước

|

Tăng cường năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh. Trong đó, 90 nhà máy thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI (chiếm 33,5% về số lượng; 51,3% về công suất thiết kế) và 179 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 66,5% về số lượng và 48,7% về công suất thiết kế). Tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu các loại, cám các loại, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi là khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm.

Mặc dù nhu cầu nguyên liệu thức ăn tinh của toàn ngành nông nghiệp là rất lớn, song năng lực sản xuất trong nước khá hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 13 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (chiếm khoảng 65%). Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung chính (vitamin, axit amin…), nước ta cũng phải nhập khẩu tới 80%, do không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ, không thu hút được đầu tư.

Nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngày 15/12/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 theo Quyết định số 1625/QĐ-TTg.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể là công nghiệp hóa sản xuất các loại thức ăn bổ sung trong nước có lợi thế (chế biến vi sinh vật, enzyme, thảo dược, các loại hợp chất thiên nhiên, khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, khoáng tự nhiên...) để cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu vào năm 2025 và 30-35% vào năm 2030. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm... làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế. Đến năm 2025, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp cả nước đạt 24-25 triệu tấn và đến năm 2030 đạt 30-32 triệu tấn; đáp ứng tối thiểu 70% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh. Mở rộng một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu.
 
Đến năm 2030 đáp ứng tối thiểu 70% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án tập trung vào giải pháp phát triển và đổi mới trình độ công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại vùng có định hướng phát triển chăn nuôi. Trong đó, rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng chuỗi giá trị gắn với vùng phát triển chăn nuôi; đánh giá thực trạng về công nghệ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện nay để khuyến cáo đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả; phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở vùng đang còn không gian chăn nuôi lớn; hạn chế mở mới và mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở khu vực đang có mật độ chăn nuôi và mật độ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cao.

Song song với đó, phát triển công nghiệp sản xuất các loại thức ăn bổ sung và chế biến các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi thông qua rà soát cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư, nhập khẩu, chuyển giao cộng nghệ, hoàn thiện công nghệ sản xuất một số loại thức ăn bổ sung và chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm… làm thức ăn chăn nuôi.

Để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế việc nhập khẩu, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đánh giá hiện trạng đất nông nghiệp có khả năng chuyển đổi để mở rộng diện tích sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để sản xuất các loại cây trồng có năng suất, chất lượng phù hợp với các vùng, miền theo hướng công nghiệp hóa nhằm giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh với nguyên liệu nhập khẩu đáp ứng một phần nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Trong giai đoạn 2023-2030, Đề án sẽ ưu tiên triển khai 4 nhiệm vụ, dự án. Đầu tiên là đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nhằm đánh giá thực trạng công nghệ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam hiện nay; đề xuất chính sách, giải pháp đổi mới công nghệ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung, nhằm mục tiêu chủ động sản xuất nguồn nguyên liệu thức ăn bổ sung trong nước góp phần tăng hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, để tận dụng tối đa và nâng cao giá trị sử dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi góp phần giảm tỷ trọng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Đồng thời, triển khai thực hiện dự án phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, nhằm chủ động được một phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nguồn nguyên liệu làm thảo dược dùng trong chăn nuôi./.

 
P.V