Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỉ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0". Điều này đòi hỏi Việt Nam cần khoản đầu tư khổng lồ trong thời gian tới.
Thực tế ở nước ta, nguồn lực chính cho các dự án xanh là từ vốn tín dụng ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Trong thời gian qua, tín dụng xanh cũng đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017- 2022 đạt khoảng 23%, cao hơn cả mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, với tổng số chưa đầy 600 ngàn tỷ đồng tín dụng xanh được các ngân hàng cung cấp đến nay, có thể thấy nguồn vốn xanh đầy tiềm năng này vẫn chưa hoàn toàn được khơi thông.
Tại hội thảo "Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh" vừa được tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng để tăng nguồn tài chính cho phát triển xanh cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý như: Phải có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp; phải xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ. Đồng thời, đa dạng hóa nguồn vốn như: Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh…
Ngoài ra, để tận dụng hết các cơ hội nhằm tiếp cận nguồn lực tài chính, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng theo đúng các tiêu chuẩn và quy định mà các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đặt ra. Trong đó, doanh nghiệp phải phát triển theo hướng bền vững, xây dựng thành chiến lược bài bản, với việc cung cấp thông tin công khai và đầy đủ để được các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay, kiểm soát chất lượng khoản vay./.
Nhiều giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng xanh
PV