Sức lan tỏa mạnh mẽ từ “giấc mơ thế kỷ” đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam

|

Sức lan tỏa mạnh mẽ từ “giấc mơ thế kỷ” đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án giao thông quan trọng có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp. Dự án sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng, tác động tích cực và lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế cũng như bảo đảm an sinh xã hội.

Từ khóa: Đường sắt, tốc độ cao, tác động, kinh tế, xã hội

The North-South high-speed railway project is an important transportation project of very large scale, requiring complex technical technology. The project will create a breakthrough in infrastructure, positively impacting and spreading to economic growth as well as ensuring social welfare.

Keywords: Railway, high-speed, impact, economic, social


Ngày 28/02/2023, Bộ Chính trị ra Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh định hướng "xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới". Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, hơn một năm qua, Chính phủ đã chủ trì triển khai xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và tiến hành nhiều cuộc họp quan trọng để xem xét các nội dung. Các nhà lãnh đạo, chuyên gia cấp cao đều khẳng định, ở vị thế và tiềm lực của Việt Nam hiện nay, đây là thời điểm "chín muồi" để nước ta xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam cả về điều kiện, năng lực.

Ngày 13/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là dự án giao thông quan trọng có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng, tác động tích cực và lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế cũng như bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD. Mức chi đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công. Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt cao tốc độ cao này làm tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm GDP. Đây là con số góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng như góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế của đất nước.

 Phân tích sâu hơn, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là dự án siêu lớn, công trình mang tính chiến lược dài hạn này được đánh giá sẽ tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta.

Thứ nhất, nâng cao năng lực ngành công nghiệp đường sắt và ngành xây dựng trong nước

Với tổng chiều dài chính tuyến dự kiến khoảng 1.541km, tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam là công trình xây lắp siêu lớn, tạo cơ hội nâng cao năng lực của ngành xây dựng trong nước và tăng tỷ trọng đóng góp của ngành này trong cơ cấu GDP.

Mặc dù đường sắt tốc độ cao có công nghệ cực kỳ hiện đại, chúng ta chưa tự làm được, nên phải thực hiện hợp đồng với nhà thầu nước ngoài để cung cấp công nghệ nhằm đảm bảo sự thống nhất từ hạ tầng đến thiết bị và hệ thống điều khiển đảm bảo khai thác, song quan điểm của Đảng, Chính phủ là ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu; công nghiệp đường sắt... Do đó, dự án sẽ huy động nguồn lực của đất nước, mang đến “cơ hội trăm năm” để nhiều ngành sản xuất và ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển, từ sản xuất vật liệu (kể cả các vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi hay vật liệu đặc chủng như sắt, thép) đến chế tạo cơ khí có cơ hội học hỏi, nâng tầm và phát triển. Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD, trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).

Ông Hoàng Năng Khang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao tạo thị trường đủ lớn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất các chi tiết, phụ tùng cho dự án và hướng tới xuất khẩu.

Hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp xây lắp, sản xuất vật liệu, chế tạo... chủ động nghiên cứu, tìm hiểu dự án đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia sân chơi tầm cỡ này. Đây sẽ là điểm tựa để doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam vươn lên nâng tầm phát triển.

Thứ hai, thúc đẩy phát triển công nghệ số

Công trình đường sắt tốc độ cao không chỉ liên quan xây dựng cầu, đường, hầm mà sẽ có sự tham gia của những yếu tố hết sức quan trọng hiện nay là công nghệ số, robot, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng và vận hành khai thác sau này.

Triển khai đường sắt tốc độ cao, Bộ Chính trị và Trung ương quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài, trên tinh thần tự lực tự cường. Chúng ta xác định đầu tư công dựa trên các phương án cân đối nguồn vốn trong nước và vay vốn nước ngoài với điều kiện ưu đãi và ít ràng buộc. Chúng ta tự chủ nguồn vốn cũng có nghĩa chúng ta nắm thế chủ động trong cuộc chơi lớn này, có cơ hội chủ động lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng yêu cầu.

Đây là một công trình có trình độ công nghệ tiên tiến mang tính lịch sử. Khi đàm phán hợp đồng với quốc gia cung cấp công nghệ, ngoài điều khoản phải chuyển giao công nghệ, sẽ có điều khoản đảm bảo chúng ta cùng đồng hành với họ từ giai đoạn thiết kế, sản xuất, thi công xây dựng. Từ đây sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp trong nước tiếp cận và tiến tới làm chủ ngành công nghiệp xây dựng,  công nghệ đường sắt tốc độ cao trong tương lai.

Thứ ba, tác động lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế khác. Cụ thể, dự án sẽ tác động lan tỏa, giúp nhiều ngành kinh tế được hưởng lợi như dịch vụ tài chính, ngân hàng hay dịch vụ về huy động vốn… Đặc biệt, xây dựng và khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam, thu hút lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước, tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trong khu vực. Theo quy hoạch, đường sắt tốc độ cao không chỉ kết nối các thành phố lớn mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cho những thị tứ nhỏ hơn, nơi tiềm năng du lịch chưa được khai thác do hạn chế về hạ tầng giao thông.  Điều này sẽ giảm thời gian di chuyển, tăng cường liên kết vùng và phối hợp giữa các địa phương, tạo sức bật cho ngành du lịch phát triển.
 

Thứ tư, tác động đến cả hành lang kinh tế dọc đất nước. Việc phát triển giao thông theo trục Bắc - Nam giúp kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế của khu vực và thế giới. Từ đó sẽ cắt giảm chi phí logistic, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng tuyến đường sắt này. Hơn nữa, khi giao thông thông suốt thúc đẩy giao thương, kéo các vùng miền lại gần nhau hơn, chênh lệch kinh tế giữa các vùng sẽ được thu hẹp lại.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển đô thị. Theo quy hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mở ra hơn 20 ga từ Bắc vào Nam, kết nối hai đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) với quy mô dân số lên đến khoảng 10 triệu người và 17 đô thị loại 1 có tổng quy mô dân số từ 500 nghìn người trở lên, chưa kể các đô thị nhỏ hơn. Khi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đưa vào khai thác sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, phân bố dân cư của cả nước sẽ hài hòa và hợp lý hơn, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, giảm quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn và tạo động lực phát triển đô thị tại các địa phương. Đây là một động lực tốt để phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ sáu, tạo công ăn việc làm cho người dân. “Giấc mơ thế kỷ” đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình quy mô cực lớn, sẽ huy động lực lượng tham gia vào xây dựng công trình này, từ đó sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, các doanh nghiệp tham gia vào dự án. Dự kiến, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ cần khoảng 700-1.000 tham gia đội ngũ quản lý dự án, đơn vị tư vấn cần đào tạo 1.000-1.300 người; đơn vị vận hành khai thác cần 13.800 người. Trong các lĩnh vực xây dựng, tổ hợp công nghiệp chế tạo, sản xuất vật tư, linh kiện theo lộ trình thực hiện dự án cần khoảng 220.000 người.

Thứ bảy, cơ cấu lại và đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông vận tải. Dự sắt đường sắt cao tốc đồng thời sẽ hướng tới hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải; tác động tăng trưởng của ngành vận tải với việc tăng thêm doanh số, năng suất, công suất phục vụ, giảm chi phí logistics nhờ tối ưu hóa hệ thống vận chuyển, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, vận tải đường sắt tốc độ cao khi hình thành, có các nhà ga đặt ở các khu trung tâm, khu phát triển dân số đông, sẽ tạo thuận lợi cho hành khách đi lại so với các hình thức giao thông khác, từ đó đồng bộ kết nối 5 phương thức chính: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, theo trục Bắc-Nam. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong cơ cấu lại thị phần vận tải hành khách giữa các phương thức theo hướng bền vững.

Thứ tám, giúp giảm phát thải, bảo vệ môi trường. So với các loại hình giao thông khác, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sử dụng quỹ đất ít hơn, sử dụng nguyên liệu điện, điện từ nên không phát thải khí nhà kính. Đây được đánh giá là phương thức vận tải xanh, một trong những giải pháp hữu hiệu để góp phần không làm cho giảm biến đổi khí hậu và giúp Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án đặc biệt, sẽ có các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai đầu tư Dự án. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để triển khai chủ trương đầu tư án, phải có cách làm mới với quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm", tập trung trí tuệ, thời gian, công sức xây dựng dự án, khơi dậy và phát huy tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần dám nghĩ dám làm, vận dụng sáng tạo truyền thống nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong lịch sử dân tộc để làm công trình này.

Với quyết tâm chính trị cao nhất của các cấp, các ngành và ý chí tự lực tự cường, sự đồng thuận, đồng lòng của Nhân dân, tuyến đường sắt tốc độ cao chạy dọc Bắc - Nam sẽ sớm thành hiện thực trong tương lai gần, tạo ra không gian phát triển mới và là tiền đề cho Việt Nam vươn lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên mới./.

Về phạm vi đầu tư, tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km.

Về quy mô đầu tư của dự án, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Về công nghệ, đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

 
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh
ThS. Đặng Thị Hường

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội