Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Với quyết tâm thực hiện điều đó, những năm qua, công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam liên tục gặt hái được những thành tựu ấn tượng và được cộng đồng thế giới ghi nhận.
Từ khóa: Chuyển đổi số, thành tựu, quốc gia, cơ sở, phát triển, hoàn thiện…
Abstract: The National Digital Transformation Program sets the vision for Vietnam to become a digital nation by 2030, stable and prosperous, pioneering in experimenting with new technologies and models; fundamentally innovating comprehensive management operations, government governance, business production activities, people’s way of life and work, and developing a safe, humane, and widespread digital environment. With determination to realize this, in recent years, Vietnam’s digital transformation efforts have continuously achieved significant milestones, recognized by the global community.
Keywords: Digital transformation, achievements, nation, foundation, development, improvement...
Tiếp tục đạt nhiều thành tựu nổi bật
Kể từ khi Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được ban hành năm 2020 đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, quyết tâm hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số đất nước và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu; có sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và tạo thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực. Các chỉ số phản ánh chuyển đổi số Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Cụ thể:
Giai đoạn 2021-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành 43 quyết định, 14 chỉ thị, 4 công điện và các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn chuyển đổi số và triển khai Đề án 06; tổ chức 9 phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và 40 phiên họp của Đề án 06. Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành 3 luật liên quan (Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước); Chính phủ đã ban hành 19 nghị định; các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 45 thông tư nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh (đã có 16,4 triệu tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp 4.543/6.325 thủ tục hành chính, 43/53 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06).
Đáng chú ý, kinh tế số và xã hội số tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm số tăng từ 113,5 tỷ USD năm 2021 lên 117,3 tỷ USD năm 2023; 6 tháng năm 2024 đạt 64,9 tỷ USD, tăng 23%. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng khá, đạt 13 tỷ USD năm 2023; xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam, cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển, trí tuệ nhân tạo...
Số hóa các ngành kinh tế, công tác chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư xây dựng, sản xuất được triển khai mạnh mẽ. Doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên 20,5 tỷ USD năm 2023. Hàng trăm sản phẩm OCOP đã được bán thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, tạo sinh kế và thu nhập cao cho người nông dân. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%. Hiện có 9,13 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, trong đó 72% khách hàng tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hệ thống thuế điện tử được xây dựng đồng bộ từ đăng ký thuế đến khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử và triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc (xử lý 8,8 tỷ hóa đơn).
Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, như đăng ký thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đăng ký xét tuyển trực tuyến trong giáo dục; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, khai tử... Trong bảo hiểm xã hội 63/63 địa phương thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho 1,96 triệu người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng. Đặc biệt giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, trong 1 tháng, đã chi trả 31.836 tỷ đồng cho trên 13,3 triệu lượt người lao động qua hệ thống điện tử.
Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các cơ sở dữ liệu mang tính nền tảng như: Dân cư, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, giáo dục và đào tạo... đã đi vào vận hành ổn định, mang lại hiệu quả tích cực. Hạ tầng số, nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2022 xếp hạng 86/193; Chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132; Chỉ số Bưu chính năm 2023 đạt cấp độ 6/10, xếp hạng 47/172.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục đạt được thành tựu chuyển đổi số tại nhiều lĩnh vực như: Có 55/63 địa phương ban hành Kế hoạch đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trong năm 2024; đã đơn giản 242 thủ tục hành chính. 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) có bước phát triển khá với doanh thu ước đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và đã xuất khẩu đi khắp thế giới; 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 64,8 tỷ USD, tăng 23%, nhập khẩu đạt 56,1 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,2% về số lượng và 36,7% về giá trị. Hơn 1 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 1,8 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có internet băng thông rộng; 100% cơ quan từ Trung ương đến cấp xã đã được kết nối với mạng số liệu chuyên dùng (trong 6 tháng đầu năm 2024 đã xóa 256 điểm lõm sóng, lõm điện). Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 85 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. 100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản VNeID đã được cấp. 6 tháng đầu năm 2024 đã cấp mới 4,8 triệu tài khoản và 13,9 triệu hồ sơ được nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai 43/53 dịch vụ công thiết yếu, tăng 5 dịch vụ công so với cuối năm 2023. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 hằng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội 3.500 tỷ đồng/năm. Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh (cấp bộ là 46,4%, tăng 22,1%; địa phương đạt 58,1%, tăng 14,6%). Từ 1/7/2024, người dân có thể sử dụng duy nhất tài khoản VNeID để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Tăng tốc, bứt phá chuyển đổi số với tinh thần “5 đẩy mạnh, 5 bảo đảm, 5 không”
Tăng tốc, bứt phá chuyển đổi số với tinh thần “5 đẩy mạnh, 5 bảo đảm, 5 không”
Năm 2024 được coi là năm tăng tốc, bứt phá, hướng tới thực hiện thành công các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nói riêng. Do đó, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào tháng Bảy vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Thủ tướng lưu ý một số trọng tâm về chuyển đổi số, gồm: (i) Phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; (ii) Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; (iii) Phát triển hạ tầng số toàn diện nhưng phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; (iv) Quản lý, điều hành số hóa, thông minh; (v) Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thủ tục phiền hà, sách nhiễu, xóa xin, cho và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh, cần mạnh dạn "tăng tốc", "bứt phá" trong chuyển đổi số với khí thế tiến công mạnh mẽ, phát huy tinh thần 5 "đẩy mạnh", 5 "bảo đảm' gắn với 5 "không". Cụ thể:
“5 đẩy mạnh” gồm: (1) Đẩy mạnh thống nhất nhận thức và hành động của người lãnh đạo trong chuyển đổi số, phát huy tính tiên phong, nêu gương, đi đầu; (2) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, thúc đẩy chuyển đổi số, phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; (3) Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số quốc gia thông suốt, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận tiện; (4) Đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa; (5) Đẩy mạnh xây dựng văn hóa số, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới.
“5 bảo đảm” gồm: (1) Bảo đảm triển khai chuyển đổi số, Đề án 06 đồng bộ, hiệu quả tại tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng; (2) Bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, đào tạo nhân lực số; (3) Bảo đảm 100% dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân, tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, tiết giảm chi phí; (4) Bảo đảm nhân lực cho chuyển đổi số và các ngành kinh tế mới nổi, chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với nhu cầu thị trường; (5) Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
“5 không” gồm: (1) Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không bàn lùi, chỉ bàn làm; (2) Không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06; (3) Không tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử, phòng chống tham nhũng; (4) Không giấy tờ, hướng tới số hóa toàn diện; (5) Không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí tuân thủ.
Một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công chuyển đổi số: Tiếp tục thống nhất, nâng cao nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân trong chuyển đổi số. Tiếp tục triển khai Nghị quyết của Đảng, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong chuyển đổi số. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan trong phát triển kinh tế số như: Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Chiến lược phát triển thương mại điện tử… Triển khai phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; đến năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, nhân lực số tương xứng với tầm vóc và yêu cầu phát triển; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh, an toàn các hệ thống thông tin mạng./.
Minh Hà