Bộ Công Thương: Quan tâm phát triển công tác thống kê theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại

|

Bộ Công Thương: Quan tâm phát triển công tác thống kê theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại

Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: Công nghiệp năng lượng điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp cơ khí, luyện kim, hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao; Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; Thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển thị trường ngoài nước; Quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử, dịch vụ thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, trong nhiều năm qua, công tác thống kê được Bộ Công Thương đặc biệt coi trọng và sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong thực hiện nhiệm vụ công tác trên mọi lĩnh vực. Theo đó, hoạt động thống kê của Bộ luôn được quan tâm và ngày càng hoàn thiện về tổ chức, phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đảm bảo cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác của Bộ chủ quản và các Bộ, ngành liên quan...

Đảm bảo cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời

Về Hệ thống thông tin thống kê của Bộ

Hiện tại, chuyên mục Thống kê tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương (vận hành từ năm 2008 đến nay) gồm các website sau: Hệ thống điều tra Năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp (đã có dữ liệu giai đoạn 2012 - 2020 và vận hành ổn định); Cơ sở dữ liệu thống kê ngành Công Thương (đã cập nhật số liệu thống kê ngành Công Thương và một số chỉ tiêu có liên quan từ năm 1985 đến 2020); Chế độ báo cáo thống kê Bộ Công Thương (đã đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng dữ liệu chưa đầy đủ); dữ liệu các chỉ tiêu thống kê quốc gia về cơ sở hạ tầng thương mại giai đoạn 2008 - 2020.

Các dữ liệu trong chuyên mục Thống kê được cập nhật và phổ biến công khai, được chia sẻ với Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương; Tuy nhiên Hệ thống chưa kết nối được với Tổng cục Thống kê do chưa xây dựng được đường truyền kết nối, chia sẻ thông tin thống kê.

Về tình hình thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia và các chỉ tiêu ngành Công Thương

Công tác thu thập, tổng hợp 03 chỉ tiêu thống kê quốc gia (có bổ sung thêm yêu cầu quản lý nhà nước của ngành Công Thương) được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ với chất lượng ngày càng cao qua Chế độ báo cáo thống kê của Bộ Công Thương và qua các cuộc điều tra thống kê quốc gia.

Công tác thu thập, tổng hợp 85 chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương được phân công cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ. Với sự phối hợp của các doanh nghiệp thuộc Bộ, các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công Thương đã thực hiện chính xác, đầy đủ, kịp thời 77 chỉ tiêu thống kê, đạt 90,6% số lượng chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương. Ngoài ra, để phục vụ các kỳ họp Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ, Thống kê Bộ đã kết hợp sử dụng nhiều chỉ tiêu thống kê từ nhiều nguồn khác nhau để tổng hợp, phân tích và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu kế hoạch của ngành, phân tích các mối quan hệ, các mặt cân đối lớn của nền kinh tế ảnh hưởng đến ngành, những vấn đề mang tính chất quy luật và quá trình phát triển của ngành từ đó dự báo kế hoạch những năm/giai đoạn tiếp theo. Sau khi tổng hợp, Bộ Công Thương đã gửi toàn bộ số liệu theo quy định cũng như kết quả điều tra thống kê quốc gia cho Tổng cục Thống kê để công bố.

Nhiều năm qua, thông tin thống kê ngành Công Thương đã trở thành nguồn thông tin chính thức, tin cậy, là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng để đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Công Thương, đồng thời, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Về thực hiện các cuộc điều tra thống kê quốc gia

Thực hiện Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ thực hiện 02 cuộc điều tra quốc gia gồm: (1) Điều tra thống kê quốc gia Năng lực sản xuất của sản phẩm công nghiệp (mã số 19) nhằm thu thập, tổng hợp chỉ tiêu thống kê quốc gia Năng lực sản xuất của sản phẩm công nghiệp (mã số 0907); (2) Điều tra thống kê quốc gia Thương mại điện tử (mã số 29) nhằm thu thập, tổng hợp chỉ tiêu thống kê quốc gia Số đơn vị có giao dịch thương mại điện tử (mã số 1309).

Trong giai đoạn 2014 - 2021, Bộ Công Thương đã thực hiện đúng quy định: Thu thập, tổng hợp đầy đủ và gửi Tổng cục Thống kê thẩm định phương án cũng như kết quả 02 cuộc điều tra thống kê quốc gia trên (09 lần điều tra) theo đúng phân tổ. Riêng kỳ điều tra, do 2 cuộc điều tra quy định cùng vào năm chẵn nhưng kinh phí ngân sách bố trí hạn hẹp nên Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra so le, vẫn đảm bảo kỳ công bố đầy đủ, kết quả chính xác theo quy định tại Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg. Có thể khẳng định đây là kênh cung cấp thông tin thống kê cơ bản và đầy đủ nhất từ trước tới nay của Bộ Công Thương. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình thẩm định, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả 09 Quyết định thực hiện Chương trình điều tra thống kê quốc gia và 03 cuộc điều tra thống kê ngành, lĩnh vực Công Thương.

Ngoài ra, Bộ Công Thương làm tốt công tác phối hợp với Tổng cục Thống kê ( Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện tốt các cuộc điều tra thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia như: Tổng điều tra kinh tế năm 2017, 2021; Điều tra quốc gia về vốn đầu tư năm 2015, 2018; điều tra cơ sở hành chính sự nghiệp 2021; điều tra mức độ hài lòng của người dùng tin hàng năm;...

Về công tác phổ biến thông tin thống kê và các ấn phẩm thống kê

Trong công tác phổ biến thông tin thống kê, tuy chưa ban hành quy chế và lịch phổ biến thông tin thống kê nhà nước áp dụng thống nhất nhưng Bộ Công Thương đã thực hiện hiệu quả Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước. Sản phẩm thông tin thống kê được đánh giá cao trong công tác quản lý Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, đồng thời, được công khai phổ biến, đáp ứng mọi nhu cầu khai thác thông tin của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước qua Mục Thống kê trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Cụ thể:

Xuất bản các ấn phẩm Niêm giám Thống kê giai đoạn: 1996-2000, 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020.

 Xuất bản các ấn phẩm Kết quả điều tra thống kê quốc gia Năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp giai đoạn: 2012-2014, 2014-2016, 2016-2018, 2018-2020; xuất bản các ấn phẩm Kết quả điều tra thống kê quốc gia Thương mại điện tử năm 2016-2017, 2017-2019, 2019-2021; ấn phẩm Kết quả điều tra thống kê Các loại hình kinh doanh thương mại 2016; ấn phẩm Kết quả điều tra thống kê Các chỉ tiêu môi trường ngành Công Thương năm 2015; các đề tài nghiên cứu lĩnh vực thống kê: Đánh giá thực trạng công tác thống kê ngành Công Thương; Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng mô hình quy trình công tác thống kê chung vào Thống kê Bộ Công Thương; Nghiên cứu đề xuất mô hình hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chung đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương; Nghiên cứu dự báo một số chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025;…

Về tình hình triển khai công tác thống kê tại các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ; các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ (sau đây gọi tắt là các đơn vị thuộc Bộ) và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Đối với Bộ Công Thương, nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác thống kê, Lãnh đạo Bộ đã phân công một đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo lĩnh vực kế hoạch - thống kê. Được dự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, Thống kê Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Tổng cục Thống kê để phổ biến, hướng dẫn, giám sát các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thống kê và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Triển khai bài bản, theo đúng lộ trình, tần suất và đầy đủ các phân tổ việc thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu ngành Công Thương qua các cuộc điều tra thống kê quốc gia, các cuộc điều tra ngành, lĩnh vực và qua Chế độ báo cáo của Bộ Công Thương từ các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tới Thống kê Bộ; Một số Tập đoàn, Tổng công ty đã xây dựng chế độ báo cáo riêng theo đặc thù ngành, lĩnh vực trên cơ sở Chế độ báo cáo của Bộ để phục vụ công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh; Định kỳ hàng năm, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, trong đó có việc đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện công tác thống kê tại cơ sở, đồng thời, làm tốt công tác động viên khen thưởng lĩnh vực thống kê cho các đơn vị cơ sở từ Trung ương tới địa phương.

Tích cực, chủ động trong phối hợp thực hiện công tác thống kê


Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành Thống kê cũng như ngành Công Thương trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Thống kê Bộ đã nhận được sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ từ các Vụ chức năng thuộc Tổng cục Thống kê trong việc thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích và chia sẻ thông tin thống kê định kỳ, đột xuất. Bên cạnh đó, Thống kê Bộ đã thường xuyên chủ động, tích cực trao đổi nghiệp vụ thống kê nhằm nâng cao chất lượng số liệu thống kê, góp phần củng cố bộ máy tổ chức thống kê và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thống kê của ngành Công Thương; Phối hợp với Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê, Vụ Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê, Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Thanh tra Tổng cục,... tổ chức tập huấn Luật Thống kê và các Nghị định hướng dẫn thi hành, Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Chế độ báo cáo thống kê quốc gia, các Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác thống kê cho các đơn vị thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công tác phối hợp chia sẻ thông tin, số liệu thống kê

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương và ngành Thống kê ở Trung ương và địa phương, năm 2012, Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê đã ký kết Thỏa thuận cơ chế phối hợp thực hiện công tác thống kê nhằm trao đổi, chia sẻ và kết nối thông tin thống kê, đồng thời, làm cơ sở cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Cục Thống kê địa phương xây dựng thỏa thuận cơ chế phối hợp công tác thống kê trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và tình hình thực tế của địa phương.

Với sự phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình, đầy trách nhiệm và hiệu quả của cả hai cơ quan, ở cấp Trung ương và địa phương (có bổ sung thêm một số nội dung cần chia sẻ theo yêu cầu quản lý nhà nước của hai ngành), công tác thống kê của Bộ Công Thương đã đi vào nề nếp; ở cấp địa phương, đến nay đã có 42 tỉnh, thành phố ký kết Thỏa thuận cơ chế phối hợp thực hiện công tác thống kê giữa Sở Công Thương với Cục Thống kê địa phương.

Công tác phương pháp chế độ thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng chuyên nghiệp

Công tác phương pháp chế độ thống kê

Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành là căn cứ pháp lý quan trọng, tác động tích cực đến hiệu quả công tác thống kê nói chung cũng như thống kê ngành Công Thương nói riêng. Song song với việc triển khai các hoạt động quản lý nhà nước ngành Công Thương, Bộ Công Thương luôn phối hợp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động thống kê ngành Công Thương như: Ngày 14 tháng 10 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chế độ báo cáo Thống kê cơ sở áp dụng đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ Công Thương theo Thông tư số 38/2011/TT-BCT; ngày 30 tháng 12 năm 2016, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương tại Thông tư số 40/2016/TT-BCT (lần 2); ngày 30 tháng 12 năm 2016, ban hành Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Thông tư số 41/2016/TT-BCT ngành Công Thương và Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Công Thương theo Thông tư số 42/2016/TT-BCT; ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 8 tháng 5 năm 2020 về việc thực hiện Chế độ báo cáo thống kê điện tử của Bộ Công Thương; các văn bản triển khai hoạt động thống kê nhà nước theo chỉ đạo của cơ quan Thống kê Trung ương và các văn bản khác trong lĩnh vực thống kê làm cơ sở cho việc thực hiện hiệu quả công tác thống kê ngành Công Thương. Bộ Công Thương không xây dựng Phân loại thống kê ngành, lĩnh vực riêng mà sử dụng các bảng phân loại thống kê của ngành Thống kê.

ng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê

Thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Công Thương, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thống kê, tiến đến hoàn thiện hệ thống thống kê nhà nước thống nhất, thông suốt trong ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã xây dựng Chế độ báo cáo thống kê điện tử, Hệ thống phần mềm các cuộc điều tra thống kê, Cơ sở dữ liệu thống kê ngành Công Thương để xử lý, tổng hợp dữ liệu thống kê; chia sẻ, kết nối dữ liệu thống kê với các đơn vị thuộc Bộ, đồng thời, chuẩn bị liên thông với Hệ thống báo cáo quốc gia. Định kỳ đôn đốc việc thực hiện và cập nhật thông tin thống kê vào các Hệ thống trên.

Đề án ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong công tác thống kê và nâng cao chất lượng hoạt động thống kê, ngày 21 tháng 12 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4718/QĐ-BCT về việc phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, hàng năm, Bộ Công Thương từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động thống kê, tiến đến hoàn thiện hệ thống thống kê nhà nước thống nhất, thông suốt trong ngành Công Thương.

Các Đề án, Chương trình khác

Bộ Công Thương đã thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê ngành Công Thương với Cục Thống kê Cộng hòa Séc, Cục Thống kê Nhật Bản, Tổ chức OECD tại Pháp và Italia nhằm tiếp cận chuẩn mực thống kê quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và học tập phương pháp thống kê tiên tiến áp dụng vào thống kê Bộ Công Thương; đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thống kê làm cơ sở, căn cứ cho việc triển khai đúng tiến độ Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Đề án khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương với địa phương, Khung theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và phối hợp thử nghiệm Khung theo dõi, đánh giá Chiến lược tại Bộ Công Thương; Triển khai thực hiện Kế hoạch Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030; Bộ tiêu chuẩn chất lượng thống kê, quy chế thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê, phân loại thống kê; Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, Đề án đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổ công tác thống kê phục vụ giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Tổ công tác liên ngành về Hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS), Hệ thống phổ biến số liệu riêng (SDDS),…

Để tiếp nối những thành quả đã đạt được trong hoạt động công tác của Bộ Công Thương nói chung, của công tác thống kê Bộ, ngành nói riêng, đồng thời để phát triển hoạt động thống kê của Bộ Công Thương theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, Trong những năm tới, Thống kê Bộ Công thương sẽ tập trung thực hiện những giải pháp sau:

Công tác bảo đảm thông tin thống kê

- Tiếp tục thực hiện thu thập, tổng hợp chính xác, đầy đủ, kịp thời các chỉ tiêu thống kê trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương và các chỉ tiêu thống kê phối hợp khác gửi Tổng cục Thống kê để công bố, đồng thời, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Biên soạn, cung cấp kịp thời số liệu phục vụ công tác lập, theo dõi, đánh giá thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của ngành Công Thương.

- Tiếp tục cập nhật Cơ sở dữ liệu thống kê ngành Công Thương để hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Công Thương; nghiên cứu áp dụng thiết bị điện tử cầm tay vào việc thu thập thông tin, hoàn thiện và đẩy nhanh tiến độ xử lý thông tin trong việc thực hiện các cuộc điều tra thống kê quốc gia và các cuộc điều tra ngành, lĩnh vực Công Thương nhằm nâng cao chất lượng thu thập thông tin thống kê.

Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê

- Triển khai đánh giá việc thực hiện Thỏa thuận cơ chế phối hợp thực hiện công tác thống kê giữa Bộ Công Thương với Tổng cục Thống kê và các hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê tại địa phương để sửa đổi, bổ sung các nội dung cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập và đề xuất các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa công tác thống kê tại Trung ương cũng như địa phương cho phù hợp với tình hình mới.

Công tác phương pháp chế độ thống kê

- Nghiêm túc thực hiện Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia; tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương, các Chế độ báo cáo thống kê của Bộ Công Thương và tổ chức triển khai thực hiện.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả các cuộc điều tra thống kê quốc gia, các cuộc điều tra ngành, lĩnh vực Công Thương gửi Tổng cục Thống kê để công bố.

- Nghiên cứu áp dụng thiết bị điện tử cầm tay vào việc thu thập thông tin, hoàn thiện và đẩy nhanh tiến độ xử lý thông tin trong việc thực hiện các cuộc điều tra thống kê quốc gia và các cuộc điều tra ngành, lĩnh vực Công Thương mại nhằm nâng cao chất lượng thu thập thông tin thống kê./.

 

(Nguồn: Bộ Công Thương)