Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với việc thực hiện Đề án NOE

|

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với việc thực hiện Đề án NOE

Ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (viết gọn là Đề án NOE), Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành đo lường hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm đánh giá thực trạng của khu vực kinh tế này trong nền kinh tế.  
 
Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Đề án NOE, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. 
 
Năm 2019-2020, các văn bản chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội liên quan tới các hoạt động kinh tế chưa được quan sát được Bộ LĐTBXH nghiên cứu, soạn thảo, tham mưu và trình Quốc hội, Chính phủ bao gồm:
 
- Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 với nhiều điểm mới liên quan đến lao động, việc làm phi chính thức, trong đó đã mở rộng đáng kể phạm vi điều chỉnh bằng cách mở rộng định nghĩa về người lao động, hợp đồng lao động và đưa ra khái niệm mới về người làm việc không có quan hệ lao động. Đây là những căn cứ quan trọng để đối chiếu, xem xét và xác định mối quan hệ lao động của những lao động tự làm dựa trên các nền tảng công nghệ với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ hay người làm việc không có quan hệ lao động (đối tác kinh doanh, đồng sở hữu, nhà thầu độc lập, lao động tự do, Freelancers, v.v…). Những thay đổi này sẽ có tác động đáng kể đến nhóm lao động phi chính thức, đặc biệt là nhóm lao động tự do. 
 
Bên cạnh đó, Bộ Luật lao động 2019 cũng ghi nhận hình thức giao kết hợp đồng lao động điện tử để phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và ghi nhận giao kết hợp đồng bằng lời nói. Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực là dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam, theo đó quy mô người lao động được bảo vệ bởi hệ thống luật pháp về lao động sẽ được mở rộng hơn.
 
- Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm tiếp tục được gia hạn, hoàn thiện và bổ sung tạo điều kiện cho người lao động nói chung và lao động phi chính thức nói riêng tiếp cận các nguồn cho vay tín dụng, hỗ trợ lao động phi chính thức tự tạo việc làm hoặc đi làm việc ở nước ngoài.  
 
- Chính sách hỗ trợ người lao động trong các khu vực kinh tế chưa được quan sát tham gia các hình thức bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện với mục tiêu hướng tới tốc độ gia tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của năm sau so với năm trước ít nhất bằng 50%.
 
- Trong năm 2020, người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid - 19. Trước tình hình đó, Bộ LĐTBXH đã kịp thời tham mưu, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Quyết định về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19. Theo đó, lao động phi chính thức sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Tính chung, Chính phủ và các địa phương đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo phần nào đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, giúp ổn định tình hình lao động. 
 
Dịch Covid - 19 năm 2021 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế-xã hội nước ta. Ứng phó với đại dịch, Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ ban hành 3 gói chính sách an sinh lớn, nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách. Trong đó, có 2 gói hỗ trợ được thực hiện trong năm 2021 là gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 với tổng kinh phí là 26 nghìn tỷ đồng và gói hỗ trợ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí là 38 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện, trong năm 2021, Nghị quyết 68 cũng trợ giúp hơn 14,91 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ, với tổng kinh phí là 19.600 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt Trận tổ quốc Việt Nam...
 
- Năm 2021, Bộ LĐTBXH cũng đã tham mưu trình trình Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể là: Tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động vào năm 2025 và chiếm khoảng 5% vào năm 2030; đơn giản hóa thủ tục về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho thu và hoàn thuế để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Mục tiêu và giải pháp này nếu được thực hiện tốt sẽ có tác động tích cực hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức đang làm việc trong các hộ kinh doanh thành lao động chính thức.
 
- Bộ cũng đã ban hành chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19./.