Thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TCTK ngày 14/7/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) và Phương án điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (sau đây viết gọn là Điều tra DTTS 2024), Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng Kế hoạch điều tra DTTS 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng đã có những thay đổi tích cực
Theo Kế hoạch, để triển khai thành công cuộc Điều tra DTTS 2024, tỉnh Lâm Đồng tiến hành các công tác chuẩn bị từ rà soát địa bàn, cập nhật sơ đồ nền, lập bảng kê hộ và chọn mẫu hộ. Theo đó, địa bàn điều tra của Điều tra DTTS 2024 là khu vực dân cư được phân định trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Bảng kê hộ được sử dụng làm dàn mẫu để chọn các hộ điều tra. Trên cơ sở danh sách các địa bàn điều tra được chọn, toàn tỉnh Lâm Đồng đã chọn 382 địa bàn, trong đó khu vực thành thị 80 địa bàn và khu vực nông thôn 302 địa bàn tiến hành rà soát địa bàn về số hộ, số nhân khẩu và cập nhật lên trang web.
Sau khi cập nhật toàn bộ bảng kê hộ, tiến hành chọn mẫu hộ điều tra, toàn Tỉnh chọn 382 địa bàn, trong đó 26 địa bàn nhóm 1 điều tra toàn bộ các hộ DTTS trong địa bàn; 241 địa bàn nhóm 2 (mỗi địa bàn điều tra 30 hộ) và 115 địa bàn nhóm 3 (mỗi địa bàn điều tra 40 hộ).
Công tác tuyển chọn điều tra viên (ĐTV) và giám sát viên (GSV) cấp huyện cũng được Tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo kế hoạch, Cục Thống kê tỉnh có trách nhiệm trưng tập GSV cấp tỉnh; Chi cục Thống kê cấp huyện thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn người cập nhật địa bàn, người lập bảng kê, ĐTV, GSV cấp huyện.
Người được lựa chọn cập nhật địa bàn và lập bảng kê phải là người tại địa phương, am hiểu về địa bàn và có khả năng tiếp cận với hộ để lập bảng kê. Trung bình xã có từ 1-3 địa bàn điều tra (ĐBĐT) có 01 người; xã có từ 4-6 ĐBĐT có 02 người; xã có từ 6-10 ĐBĐT có 3 người; xã có trên 10 ĐBĐT có 4 người.
Trong tuyển chọn ĐTV phải chọn những người có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên (những nơi khó khăn, có thể lấy người có trình độ trung học cơ sở), khuyến khích chọn ĐTV là nữ, ưu tiên tuyển chọn ĐTV đã tham gia các cuộc điều tra thống kê gần đây. Trung bình một ĐTV sẽ thực hiện 3 ĐBĐT. Nhiệm vụ của ĐTV đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và nhập đầy đủ các câu hỏi vào phiếu điện tử (phần mềm CAPI) được cài đặt trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh của ĐTV. Trong quá trình tác nghiệp đối với những thông tin mà chủ hộ không nắm chắc, ĐTV cần phỏng vấn trực tiếp thành viên của hộ. Đối với các câu hỏi về lịch sử sinh, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản, ĐTV phải phỏng vấn trực tiếp thành viên của hộ là phụ nữ từ 10-49 tuổi.
Trong tuyển chọn các GSV, GSV cấp Tỉnh là công chức Phòng Thu thập Thông tin thống kê, Phòng Thống kê Xã hội. GSV cấp tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra quá trình triển khai, chỉ đạo thực hiện điều tra tại các huyện, thành phố, thị xã được phân công giám sát; phối hợp với cấp huyện kiểm tra, giám sát công tác thu thập thông tin tại cơ sở; thực hiện kiểm tra, giám sát và duyệt số liệu tại các địa bàn được phân công phụ trách. Đối với GSV cấp huyện là công chức Chi cục Thống kê cấp huyện. GSV có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn ĐTV của huyện, thị xã, thành phố hoàn thành đúng kế hoạch điều tra; thực hiện kiểm tra, giám sát và duyệt số liệu tại các địa bàn được phân công phụ trách.
Trong tập huấn nghiệp vụ điều tra cấp Tỉnh, Cục Thống kê tổ chức các hội nghị tập huấn cho GSV cấp Tỉnh, lãnh đạo Chi cục Thống kê cấp huyện và giảng viên cấp huyện. Tại cấp huyện do Chi cục Thống kê cấp huyện tổ chức triển khai.
Bên cạnh đó, Cục Thống kê tỉnh xây dựng kế hoạch số 345/KH - CTK ngày 29/5/2024 công tác tuyên truyền Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, hình thức tuyên truyền Điều tra DTTS 2024 đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng: Treo, dán, dựng pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tại nơi công cộng; Cổ động thông qua các đội tuyên truyền văn hóa lưu động và các hoạt động văn hóa, thể thao; Lồng ghép nội dung của cuộc điều tra vào các cuộc họp của tổ dân phố/thôn/xã; các buổi sinh hoạt của các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội; Tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, bảng điện tử LED... qua đó, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động thống kê và việc chấp hành pháp luật về thống kê. Để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho ĐTV, góp phần thực hiện thành công điều tra./.
PV (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng)