Tổng cục trưởng TCTK tiếp xã giao Trưởng đại diện Văn phòng Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

|

Tổng cục trưởng TCTK tiếp xã giao Trưởng đại diện Văn phòng Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Chiều ngày 29/5/2024, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) có buổi tiếp xã giao bà Pauline Tamesis, Trưởng đại diện Văn phòng Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (UNRCO) tại Việt Nam. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chủ trì buổi đón tiếp.

Tham dự buổi đón tiếp có thủ trưởng một số đơn vị liên quan thuộc cơ quan TCTK, các cán bộ phụ trách, nhân viên dữ liệu và cơ quan M&E thuộc UNRCO tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi đón tiếp, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương bày tỏ vui mừng khi đón tiếp bà Pauline Tamesis, Trưởng đại diện UNRCO tại Việt Nam cùng các đồng nghiệp đến thăm và làm việc với TCTK. Tổng cục trưởng cho biết, những năm qua, TCTK luôn nhận được sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ kịp thời của các cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) trong công tác thống kê, góp phần nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức của Ngành. Các dự án, hỗ trợ kỹ thuật của LHQ vô cùng quý báu trong bối cảnh TCTK phải đáp ứng yêu cầu số liệu ngày càng cao của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước. Các chuyên gia, cán bộ chương trình thuộc các cơ quan chuyên môn của LHQ đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để đào tạo, tư vấn, hướng dẫn cho các công chức của TCTK trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

 

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương và thủ trưởng các đơn vị tiếp đón đoàn UNRCO

Các chính sách lớn của Đảng Nhà nước như xây dựng hạ tầng cơ sở, chính sách phục hồi sau đại dịch, các dự án lớn của quốc gia… đều có sự tham vấn đánh giá tác động của cơ quan TCTK trước khi Chính phủ đưa ra các quyết định cuối cùng. TCTK nhận được sự tin tưởng của Chính phủ, các cơ quan quản lý điều hành, doanh nghiệp một phần nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan thuộc LHQ trong suốt thời gian dài vừa qua.

Một số dự án, hoạt động hỗ trợ nổi bật nhất của các cơ quan chuyên môn của LHQ cho TCTK trong những năm gần đây có thể kể đến:

Một là, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã hỗ trợ TCTK thông qua các dự án về dân số và phát triển, đặc biệt là dự án “Hỗ trợ các cơ quan Việt Nam trong việc sản xuất, cung cấp và sử dụng dữ liệu, bằng chứng có chất lượng về dân số phục vụ công tác đánh giá, xây dựng và thực hiện các chính sách, chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2026” đang được thực hiện.

Hai là, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã hỗ trợ TCTK trong các hoạt động về bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là tiến hành các cuộc điều tra MICS. Hiện nay, UNICEF đang hỗ trợ thực hiện dự án “Chính sách và kế hoạch thân thiện với trẻ em giai đoạn 2023-2026”, trong đó tập trung vào hỗ trợ TCTK thu thập số liệu và bằng chứng về nghèo đa chiều, trẻ em khuyết tật và tính dễ bị tổn thương của trẻ em liên quan đến thiên tai, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường được tạo dựng thông qua hệ thống báo cáo hành chính và khảo sát dân số.

Ba là, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) hỗ trợ TCTK thực hiện Khóa đào tạo về Sử dụng Ma trận hạch toán xã hội và Mô hình số nhân với các phần mở rộng về năng lượng và phát thải ở Việt Nam (eSAM).

Bốn là, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã hỗ trợ TCTK tổ chức khóa đào tạo về “Sử dụng Mô hình mô phỏng chính sách chăn nuôi (LPSM) để đánh giá tác động trung và dài hạn của việc mở rộng sản xuất vào năm 2030 và 2050”.

Năm là, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ TCTK thực hiện điều tra lao động di cư quốc tế lồng ghép trong Điều tra Lao động việc làm năm 2021 và xây dựng các báo cáo đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động, báo cáo lao động phi chính thức, tính năng suất lao động của Việt Nam, thực hiện 03 lớp đào tạo về thiết kế mẫu, kỹ thuật làm sạch dữ liệu và chuyển giao công nghệ xây dựng phần mềm phần đánh mã ngành, mã nghề và mã sản phẩm...

Sáu là, Văn phòng Ma túy và Tội phạm LHQ (UNODC), Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) hỗ trợ TCTK thông qua Dự án khu vực: “Số liệu thống kê và dữ liệu đo lường các dòng tài chính bất hợp pháp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

 

Bà Pauline Tamesis (ngồi giữa) và các cộng sự từ UNRCO

Ngoài ra, còn nhiều hỗ trợ khác của các cơ quan LHQ dành cho TCTK. Điều này thể hiện sự quan tâm của UNRCO, các cơ quan chuyên môn của LHQ cũng như các cán bộ chương trình của UNRCO dành cho TCTK.

Qua buổi gặp gỡ, Tổng cục trưởng TCTK đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của UNRCO và khẳng định những hỗ trợ quý báu của LHQ đã giúp TCTK đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình hoạt động của mình. Đồng thời, Tổng cục trưởng gửi lời cảm ơn bà Pauline Tamesis với vai trò điều hành chung các cơ quan chuyên môn của LHQ tại Việt Nam và chủ trì thực hiện Khung hợp tác giữa LHQ và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2022-2026 đã luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa và luôn đồng hành sát cánh cùng ngành Thống kê. Tổng cục trưởng cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan thuộc LHQ sẽ tiếp tục cộng tác, phối hợp, hỗ trợ ngành Thống kê Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi gặp, bà Pauline Tamesis, Trưởng đại diện UNRCO tại Việt Nam cũng bày tỏ vinh dự khi được gặp và làm việc với các đối tác đang hợp tác với LHQ thuộc cơ quan TCTK. Đồng thời đánh giá cao sự hợp tác, mối quan hệ bền chặt và lâu dài của TCTK và các đối tác với các cơ quan LHQ tại Việt Nam. Bà Pauline Tamesis hy vọng, mối quan hệ hợp tác sẽ được nâng lên tầm cao mới, thể hiện qua số lượng và chất lượng số liệu thống kê sẽ ngày càng được nâng tầm và giữ vai trò quan trọng trong hoạch định các chính sách lớn.

Bà Pauline nhận định, dựa trên việc TCTK vừa công bố số liệu tình hình kinh tế - xã hội trên trang web và các công việc đã triển khai đã cho thấy yêu cầu của Đảng và Chính phủ về hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng đang ngày càng được nhấn mạnh. Qua đó cũng cho thấy hiệu quả từ việc hỗ trợ của LHQ trong tăng cường năng lực cho cơ quan Thống kê ngày càng tốt hơn, góp phần giúp TCTK nâng cao năng lực và thực hiện mục tiêu cuối cùng là đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDG.

Năm 2024, UNRCO có kế hoạch hành động chung tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, trong đó có việc rà soát các chỉ tiêu của SDG; tìm hiểu nghiên cứu đổi mới công cụ hoạch định chính sách rà soát các số liệu thống kê để không để ai bị bỏ lại phía sau; thông qua hỗ trợ giúp các cơ quan ở Việt Nam đo lường tiến độ đạt được mục tiêu SDG đặt ra. Qua buổi gặp này, UNRCO muốn lắng nghe ý kiến, quan điểm và đề xuất của TCTK nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác của TCTK với UNRCO và các cơ quan chuyên môn của UNRCO tại Việt Nam, nhất là về các hỗ trợ kỹ thuật phù hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất, tránh sự chồng chéo nhằm giúp TCTK đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện UNRCO cũng đánh giá cao và mong muốn TCTK tiếp tục tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ thường niên một cách đều đặn để các cơ quan nắm được nhu cầu, qua đó đạt được hiệu quả hỗ trợ cao hơn.

 

TCTK và UNRCO đạt được sự thống nhất cao trong công tác phối hợp, hỗ trợ 

Tiếp theo chương trình, trong không khí thân tình, cởi mở, đại diện lãnh đạo hai cơ quan và các cán bộ tham gia đã bàn bạc, thảo luận, chia sẻ về nhu cầu, cơ chế phối hợp, hỗ trợ và nhiều nội dung đã, đang và có khả năng hợp tác trong tương lai, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến các chỉ tiêu thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững như: Tăng trưởng xanh, phân loại xanh, loại hình kinh tế, dân số, trẻ em./..
 
Thu Hiền