Xuất khẩu bứt tốc những tháng đầu năm 2021

|

Xuất khẩu bứt tốc những tháng đầu năm 2021

Những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đã có sự khởi sắc rõ rệt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự khởi đầu ấn tượng, dự báo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu năm 2021, tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2020 và bứt phá trong thời gian tới.

Xuất khẩu bứt phá ngay từ đầu năm

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng đầu tiên của năm 2021 đã ghi nhận sự tăng tốc ấn tượng của nhiều mặt hàng xuất khẩu. Hầu hết các nhóm ngành hàng chính đều có sự tăng trưởng khá, nhiều mặt hàng tận dụng thời cơ thị trường tăng tốc ngay từ đầu năm. Đáng chú ý, ngành dệt may, da giày, thủy sản đã có những bứt tốc xuất khẩu ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản tháng 1/2021 đạt 3,49 tỉ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, thủy sản là một trong những ngành hàng đã tăng tốc xuất khẩu ngay từ đầu năm 2021, để kim ngạch xuất khẩu bật tăng trở lại, trái ngược với sự sụt giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1/2021 ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, mặt hàng tôm tiếp tục duy trì được đà xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng. Dự báo, xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ tiếp tục đà tăng, đạt 4,4 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2020.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Xuất khẩu dệt may cũng tăng tốc từ tháng đầu năm 2021. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 01/2021, chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm trong ngành có mức tăng cao so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu m2, tăng 20,4% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 380,1 triệu cái, tăng 9,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 1/2021 ước đạt 2,6 tỉ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương dự báo, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết hồi giữa tháng 11/2020 sẽ được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Tương tự như ngành dệt may, các doanh nghiệp ngành da giày cũng đã và đang chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các Hiệp định thương mại mang lại nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu. Theo Bộ Công Thương, tháng 1/2021, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng giày, dép da tháng 1 ước đạt 21,9 triệu đôi, tăng 3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại tháng 1 ước đạt 1,8 tỉ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Do tác động của dịch Covid-19, những chuỗi cung ứng mới đang được xác lập lại, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp da giày Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, sự tăng tốc trong tháng đầu năm 2021 đã giúp xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả ấn tượng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,48 tỷ USD, tăng 4,4%, chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,07 tỷ USD, tăng 30,5%, chiếm 76,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, cả nước đã có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 9,3 tỷ USD, chiếm 19,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 27,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 72,6%... Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo và điện tử, điện thoại tăng mạnh chứng tỏ có sự dịch chuyển về cơ cấu sản xuất hàng hóa trong nước theo chiều hướng tốt hơn cho Việt Nam, tập trung mảng chế biến chế tạo mạnh mẽ hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành Công nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản tăng so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 610 triệu USD, tăng 14,6%; cao su đạt 516 triệu USD, tăng 109,7% (lượng tăng 89,9%); hạt điều đạt 442 triệu USD, tăng 21,5% (lượng tăng 46,1%); sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 256 triệu USD, tăng 78,2%; chè đạt 28 triệu USD, tăng 9,7% (lượng giảm 1,6%).

Tại thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,5 tỷ USD, tăng 54,3%. Thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7%. Thị trường ASEAN đạt 4,2 tỷ USD, tăng 6,2%. Hàn Quốc đạt 3,4 tỷ USD, tăng 16,8%. Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 3%.

Đánh giá về kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một sự khởi đầu khá ấn tượng. Hàng hoá lưu thông, xuất khẩu thuận lợi đã mang lại tín hiệu tích cực và khả quan cho hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2021.

Duy trì nhịp độ tăng trưởng

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực. Các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã và đang trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường, mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế sang thị trường các nước thành viên. Với những kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm 2021, cộng với những cơ hội mà các FTA đã đi vào thực thi và được ký kết, kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, năm 2021 cũng kỳ vọng sự dịch chuyển luồng đầu tư của các doanh nghiệp FDI từ các nước trong khu vực sang Việt Nam, định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng các ưu đãi mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để tận dụng tốt những cơ hội từ các FTA, trước mắt, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả về tài chính, tiền tệ và thông tin thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành hàng, sản phẩm và doanh nghiệp; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ và cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Đối với hoạt động xúc tiến xuất khẩu, cần tập trung ở các nhóm ngành hàng chủ lực, có tiềm năng phát triển như nhóm nông sản, nhóm công nghiệp chế biến. Đồng thời, triển khai các chương trình quảng bá liên tục, mới mẻ và hấp dẫn, nhằm củng cố nhận diện và nâng tầm hình ảnh, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và tăng cường xuất khẩu hàng qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Mặt khác, chủ động nghiên cứu thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật khắt khe nhất.

Để phát triển xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó và chủ động trước dịch Covid -19. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu, quảng bá ngành hàng, sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của vùng, miền và tập trung thực hiện quảng bá sâu rộng, tối thiểu mỗi năm 3 - 5 ngành hàng vào các thị trường trọng điểm; Đồng hành cùng doanh nghiệp khai thác tối đa lợi thế từ các FTA bằng việc tiếp tục triển khai các chương trình hành động thực thi, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường.

Ở góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, Bộ Công Thương phải làm tốt vai trò điều phối trong thực thi FTA, dẫn dắt doanh nghiệp thực thi các FTA quyết liệt, hiệu quả hơn.

Về phía doanh nghiệp, cần khẩn trương thay đổi tư duy tiếp cận, nâng nội lực để đủ sức tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu./.


 
ThS. Lương Thị Thu Hằng - ThS. Lê Thị Loan
Đại học Công nghiệp Hà Nội