Ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam: Cơ hội và thách thức

|

Ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam thời gian qua đã vượt qua những thách thức lớn do tác động của đại dịch Covid-19 mang lại kết quả tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đã và đang khiến cho chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gẫy, thị trường bất ổn, giá cước vận chuyển tăng, nguồn cung nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, lao động khan hiếm… do vậy, để duy trì đà tăng trưởng, ngành gỗ cần chủ động và nỗ lực hơn nữa nhằm loại bỏ các yếu tố khó khăn tiềm ẩn và hiện hữu.
 
Tận dụng cơ hội, đẩy mạnh tăng trưởng
Thời gian qua, mặc dù thế giới phải ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, song ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam vẫn có sự duy trì và bứt tốc tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam hiện đã trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu đồ gỗ với thị trường trải rộng khắp 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bằng sự nỗ lực, sáng tạo trong quá trình sản xuất sản phẩm, đồ gỗ nội thất Việt Nam đã thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà nhập khẩu, các khách hàng, đối tác toàn cầu.

Nếu như giai đoạn 2006 - 2010, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của nước ta là 2,8 tỷ USD/năm thì sang giai đoạn 2011 - 2020 đã tăng khoảng 8 tỷ USD/năm. Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, trước biến động phức tạp của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp chế biến, sản xuất đồ gỗ, nội thất đã ứng phó chống dịch nghiêm ngặt, thực hiện tổ chức sản xuất hợp lý, cải tiến công nghệ, nghiên cứu sáng tạo sản phẩm phù hợp với các khách hàng, các quốc gia nhập khẩu, nên đã có những lợi thế đặc biệt trên thị trường quốc tế.

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2020 đạt 12,3 tỷ USD. 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng xấp xỉ 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, tại thời điểm 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 9,5 tỷ USD, tăng 53,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, vượt lên những tác động do dịch Covid-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng khác vẫn đang ngập trong khó khăn. Trong đó, các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, hiện chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Mỹ đạt 5 tỷ USD, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 814 triệu USD, tăng 27,1%; Nhật Bản đạt 704 triệu USD, tăng 17,2%; Hàn Quốc đạt 453,1 triệu USD, tăng 12,8%...

Nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất là nhóm sản phẩm có nhiều triển vọng nhất trong bức tranh xuất khẩu đồ gỗ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất nhà bếp 7 tháng đầu năm đạt khoảng 550 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020.

 


Ảnh minh họa

 
Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ (phần lớn là đồ gỗ) trong tháng 7/2021 đạt 196 triệu USD, nâng trị giá xuất khẩu trong 7 tháng lên tới 1,4 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Thực tế cho thấy, trước đây Hoa Kỳ chủ yếu nhập khẩu đồ gỗ nội thất phòng ngủ từ Trung Quốc, nhưng đến thời điểm này, Việt Nam đã vượt Trung Quốc, trở thành nguồn cung cấp số 1 về mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ cho Hoa Kỳ. Trị giá xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ tới thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 991,4 triệu USD, tăng 69,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất phòng ngủ của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng từ 30,7% năm 2009, lên 50% trong năm 2020. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 7,02% trong năm 2020.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021 ngành gỗ nhận 23 dự án mới từ 9 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng số vốn 136,056 triệu USD; 10 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng đạt 45,28 triệu USD; 26 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn 41,14 triệu USD. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với 12 dự án, tổng vốn đầu tư 29,26 triệu USD; Hàn Quốc với 2 dự án, tổng vốn 8,14 triệu USD; Nhật Bản với 2 dự án, tổng vốn 1,265 triệu USD…

Về mặt hàng, sản xuất giường, tủ, bàn ghế thu hút 16 dự án, với tổng vốn đầu tư 46,53 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc đầu tư 12 dự án với tổng vốn 29,26 triệu USD. Các nước còn lại như: Belize, BritishVirginIslands, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đều đầu tư 1 dự án; cưa bào, xẻ có 1 dự án do Nhật Bản đầu tư với vốn 865,8 nghìn USD; pallet gỗ với 1 dự án do Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư, vốn 500 nghìn USD.

Các chuyên gia cho biết, lợi thế của Việt Nam đối với ngành xuất khẩu gỗ, nội thất thời gian qua là do có môi trường sản xuất an toàn nhờ kiểm soát dịch Covid-19 một cách chặt chẽ trong khi hàng loạt quốc gia phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy. Mặt khác, các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam có khả năng nhận diện thị trường tốt và tận dụng các cơ hội khá hiệu quả. Theo đánh giá, hiện các doanh nghiệp ngành đồ gỗ nội thất đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất bằng gỗ nói chung và đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam nói riêng đã đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới và sử dụng hiệu quả kênh tiếp thị, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã có sự thay đổi rất lớn về mẫu mã và phong cách bán hàng, bắt kịp những tiêu chuẩn xuất khẩu và chủ động marketing sản phẩm. Các sản phẩm đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam đã từng bước đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người tiêu dùng trên thế giới (cụ thể như: Hoa Kỳ, Pháp, Anh…) và ngày càng có xu hướng tăng thị phần tại thị trường này.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng nhanh sang các thị trường như Anh, Canada, Pháp và Úc... cũng góp phần thúc đẩy trị giá xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ trong thời gian tới, bởi nhu cầu của các thị trường này đối với đồ nội thất phòng ngủ đều ở mức cao. Trong đó, theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 6 cho Pháp, nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 4,5% tổng trị giá nhập khẩu, vẫn còn khá thấp so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường này. Do đó, cơ hội mở rộng thị phần tại Pháp là rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.

Tương tự như với Pháp, mặc dù xuất khẩu sản phẩm từ gỗ sang thị trường EU nói chung tăng mạnh, song đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Điều này cho thấy, dư địa cho việc mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU còn khá lớn. Các chuyên gia dự báo, nửa cuối năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tăng mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát, EU dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện hơn. Nền kinh tế các quốc gia thuộc EU khởi sắc sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh.

Bên cạnh đó, lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đã giúp ngành gỗ Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng loại với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU, đặc biệt là đối với nhóm mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.

Theo thông tin từ nhiều công ty xuất khẩu đồ gỗ, nội thất trong nước, những tháng đầu năm 2021 đơn hàng các công ty nhận được vẫn tiếp tục tăng do các nhà nhập khẩu nước ngoài đã bắt đầu mùa mua hàng mới phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm. Phía các công ty nhận định, khi dịch Covid-19 có thể là cơ hội cho sản phẩm đồ gỗ và nội thất, các công ty đã tiến hành cải tiến nhà máy sản xuất, đầu tư chuyên sâu về công nghệ để nâng cao năng suất. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đa chức năng, phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong thời dịch…

Còn đó những khó khăn, thách thức

Có thể thấy, những kết quả tăng trưởng ấn tượng của ngành đồ gỗ, nội thất Việt Nam thời gian qua đã cho thấy sự nỗ lực và thích ứng trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui trước mắt của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam là sự gia tăng mạnh mẽ về đơn hàng, tăng kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp đồ gỗ, nội thất vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, điều đầu tiên phải kể tới đó là, cũng chính vì sự gia tăng đơn hàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ khiến khả năng đáp ứng của nhiều doanh nghiệp bị hạn chế, bởi nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn (do dịch bệnh Covid-19), việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải thực hiện khắt khe theo yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc từng bộ phận sản phẩm cũng ngày càng được thực hiện chặt chẽ hơn, do đó nếu chỉ một chi tiết sản phẩm không đáp ứng quy trình sẽ làm ách tắc cả lô hàng xuất khẩu…

Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng khi các đơn hàng gia tăng, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ tăng mạnh, chính điều này cũng sẽ tiềm ẩn những yếu tố rủi ro bởi các đối tác cạnh tranh sẽ gia tăng các biện pháp phòng vệ đối với các mặt hàng có sự tăng trưởng đột biến. Cụ thể như, hiện nay, cơ quan chức năng Hoa Kỳ rất quan tâm tới hoạt động đầu tư có dấu hiệu gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Việt Nam cần phải cẩn trọng, tránh trường hợp trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho quốc gia thứ ba. Bộ Công Thương cũng đã khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, nhằm tránh những tổn thất nặng nề khi các nước khởi kiện với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh việc phải đối diện với những quy định mới của các thị trường nhập khẩu, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với một vấn đề chung của nền kinh tế thế giới. Đó là tình trạng thiếu container rỗng để xuất hàng qua các cảng quốc tế trước khi chuyển giao cho các khách hàng khắp thế giới.

Theo báo cáo dữ liệu ngành logictics của SSI Research, Việt Nam không tham gia vào vận tải biển liên lục địa. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ nói riêng chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá cước trên các tuyến đường dài. Chi phí vận chuyển đến các thị trường Mỹ, châu Âu đã tăng từ 2-3 lần trong năm qua, gần đây nhất là phí vận chuyển trong tháng 7/2021 đã tăng lên 10 lần so với thời điểm trước dịch.

Các chuyên gia ngành vận tải hàng hải, logictics đánh giá, giá cước có thể đạt đỉnh vào quý IV/2021 và sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào đầu năm 2022. Giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước dịch Covid-19. Do đó, để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam được thuận lợi trong việc tìm container rỗng để vận chuyển, giao hàng đúng hợp đồng đã ký, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự hỗ trợ, tìm hướng đi hợp lý cho ngành hàng đang phát triển thuận lợi trong tình huống ứng phó dịch bệnh Covid-19 này. Các doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Công Thương có thêm các biện pháp tạo kênh liên kết, kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu nói chung và trong vận chuyển gỗ xuất khẩu nói riêng. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại nhằm khai thác các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi tiềm năng hiện nay.

Ngoài ra, hiện nay theo thống kê, ngành gỗ có khoảng 5.300 doanh nghiệp, sử dụng trên 700 nghìn lao động và hàng vạn lao động tự do ở trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất, qua đó giúp ngành gỗ đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, ở góc độ toàn ngành, nếu dịch lan rộng, cộng đồng doanh nghiệp gỗ sẽ đối mặt nguy cơ ngưng trệ sản xuất, vi phạm hợp đồng giao hàng, có doanh nghiệp thậm chí bị phá sản do đứt gãy chuỗi cung ứng…

Chính vì vậy, trước nhiều khó khăn, thách thức, để giữ vị trí bền vững, duy trì đà tăng trưởng, ngành chế biến gỗ, nội thất Việt Nam cần nỗ lực, chủ động hơn nữa nhằm đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp; chủ động nguồn lao động và nguyên liệu đầu vào; nâng cao chất lượng và đổi mới mẫu mã sản phẩm hợp với văn hóa của các quốc gia, khách hàng; ngăn chặn hiệu quả tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ… như vậy mới có thể ngăn chặn, loại bỏ những rủi ro đang hiện hữu và tiềm ẩn./.

 
Gia Linh