Chúng tôi đến với xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) một trong những địa phương nghèo và xa xôi nhất tỉnh. Lúc này, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Dũng vẫn đang miệt mài cùng người dân lo cho những rừng trúc sắp thu hoạch. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh miền núi Lạng Sơn, người thanh niên dân tộc Tày Hoàng Văn Dũng hiểu rõ khó khăn, vất vả của bà con DTTS vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, khi được tuyển chọn tham gia Dự án 600, đồng chí Dũng đã hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ. Dù phải làm việc tại một vùng đất mới, mọi thứ đều lạ lẫm nhưng người thanh niên này vẫn nhiệt tình, chăm chỉ học hỏi. Hằng tuần, Phó Chủ tịch UBND xã cùng với cán bộ trong xã họp bàn, tìm hướng hỗ trợ, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Huy Giáp Hoàng Văn Dũng tâm sự: "Trong quá trình công tác, khó khăn đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ, dẫn đến chưa được hiểu rõ về phong tục tập quán của địa phương. Thế nên muốn vận động bà con thực hiện chương trình của xã thì tôi phải học và lắng nghe bà con để còn nói chuyện, thuyết phục được".
Với một xã vùng cao, địa hình phức tạp như xã Huy Giáp, để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao cuộc sống cho người dân đòi hỏi lãnh đạo xã phải thường xuyên gần dân, sát dân hơn. Hiểu điều này, ngoài công tác quản lý, Phó Chủ tịch xã luôn trực tiếp xuống các bản làng, thôn xóm, tìm hiểu thực tế để hỗ trợ bà con. Nhờ vậy, đồng chí Hoàng Văn Dũng đã nhanh chóng biết được lợi thế trồng cây trúc sào ở địa phương để mạnh dạn tham mưu cho UBND xã sử dụng nguồn vốn chương trình 135 để giúp người dân trồng và mở rộng diện tích cây trúc sào. Năm 2015, diện tích trúc sào toàn xã đạt gần 1.000 ha, mỗi năm cho thu hoạch từ 700 đến 800 ha. Trung bình mỗi ha trúc thu hoạch được khoảng 60 triệu đồng/năm, thu nhập của bà con ổn định. Ông Đặng Phụ Tịnh, thôn Lũng Pán, xã Huy Giáp kể: “Phó Chủ tịch UBND xã dù còn trẻ nhưng đã hỗ trợ nhiều cho bà con, còn xin được vốn giúp chúng tôi trồng trúc. Bản thân tôi tin tưởng Phó Chủ tịch xã sẽ tiếp tục giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo”.
Trái với lo lắng ban đầu của địa phương khi tiếp nhận trí thức trẻ về làm việc, đến nay, các đội viên dự án 600 đã chứng tỏ được năng lực, tạo niềm tin với lãnh đạo cũng như bà con. Và những cán bộ trẻ như đồng chí Hoàng Văn Dũng cũng góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào trong việc phấn đấu thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ sự góp sức của Phó Chủ tịch UBND xã Huy Giáp Hoàng Văn Dũng, năm 2015, xã đã đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội như tổng sản lượng lương thực đạt 105% kế hoạch, thu ngân sách 360/350 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo 7%. Xã nghèo này cũng hoàn thành 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nguyễn Đức Chánh cho biết: "Các trí thức trẻ đã tham mưu rất tốt cho cấp ủy địa phương, triển khai có hiệu quả việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng mong rằng trên cơ sở kết quả đạt được, những đồng chí Phó Chủ tịch theo dự án 600 chứng tỏ được năng lực sẽ có chế độ chính sách tuyển chọn để trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương".
Theo thống kê của Sở Nội vụ Cao Bằng thì sau bốn năm thực hiện, hầu hết các đội viên Dự án 600 đều hoàn thành nhiệm vụ. Để tạo cơ hội phát triển cho những trí thức này; tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo tổ chức thực hiện việc đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đội viên Dự án 600. Sau Đại hội Đảng cấp cơ sở, có 10/44 đội viên được bầu tham gia ban chấp hành, chiếm tỷ lệ 22,73%. Trong đó, bốn đội viên được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã. Dự kiến trong thời gian tới có năm đội viên được bầu bổ sung vào ban chấp hành đảng ủy xã, nâng tổng số đội viên được tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 là 15/44 (chiếm 34,09%), nâng số đội viên vào ban chấp hành theo quy hoạch 15/29 (chiếm 51,72%). Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng Đồng Kiều Oanh khẳng định: “Kết quả đánh giá rất khả quan đối với sự cố gắng và năng lực của các đội viên trí thức trẻ tại Cao Bằng. Đối với một đề án thí điểm thì như vậy là thành công đáng ghi nhận và cần được phát huy hiệu quả hơn trong tương lai”.