Thêm nhiều phố đi bộ về đêm - Tại sao không? - Bài 1: Hấp dẫn du khách, tăng doanh thu

|

Đêm cuối tuần, phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện (quận 1, TPHCM) là những điểm hẹn của các sự kiện lớn, nhộn nhịp người dân và du khách… Hàng loạt nhà hàng, điểm vui chơi, ăn uống mọc lên san sát, tất bật phục vụ du khách. Tổng doanh thu ước tính ở hai tuyến phố này mỗi đêm lên tới nhiều tỷ đồng. 

LTS: Các tuyến phố đi bộ kết hợp quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực đêm đã thêm sân chơi cho người dân và du khách. Tại TPHCM, một số phố đi bộ đã hình thành và bước đầu ghi nhận hiệu quả thu hút du khách trong và ngoài nước, các hoạt động dịch vụ sôi động, tăng doanh thu. Do vậy, việc nhân rộng mô hình phố đi bộ về đêm sẽ tạo phúc lợi xã hội lan tỏa đến nhiều người dân hơn.

Phố “không ngủ”

Một ngày cuối tháng 9, đêm đã khuya nhưng con hẻm số 71-73 Mạc Thị Bưởi (cách phố đi bộ Nguyễn Huệ khoảng 50m) vẫn rực sáng ánh đèn từ các cửa hàng kinh doanh. Đây là hẻm cụt nhưng có 6 quán đang mở cửa, kinh doanh nhộn nhịp với đủ mặt hàng như bánh mì, cơm, cà phê, rượu…, có cả không gian chill (thư giãn) cho du khách. Anh Nguyễn Trung Tín, cổ đông của một quán kinh doanh thức uống, cho biết, sau dịch Covid-19, anh và nhóm bạn thuê 80m2 tầng trệt để mở quán phục vụ khách chơi ban đêm. Thu nhập tương đối ổn định, sau khi trừ tiền lương cho 7 nhân viên, tiền mặt bằng và các chi phí khác thì vẫn có lời đáng kể. “Khách rất thích thú, có khi tới 2 giờ sáng vẫn còn khách vào quán, hầu hết là khách Việt, thỉnh thoảng có du khách ngoại quốc”, anh Tín nói.  

Từ khi phố đi bộ Nguyễn Huệ hình thành, các tuyến đường lân cận như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Hiệp, Nguyễn Thiệp, Hải Triều, Mạc Thị Bưởi… cũng “ăn theo” và được xem như những tuyến phố “không ngủ”, là nơi mưu sinh cho nhiều tầng lớp khác nhau. Với những gia đình ít vốn, chỉ cần mặt bằng nhỏ xíu kèm chiếc xe đẩy cùng vài chiếc ghế đã có thể kinh doanh. Hoặc một số căn hộ chung cư cũ cao tầng được tận dụng mở quán nước, làm nơi check-in (đánh dấu sự có mặt) cho khách tận hưởng ngắm toàn cảnh khu phố, và vẫn có khách thường xuyên. 

Phố đi bộ Nguyễn Huệ được giới trẻ chọn làm bối cảnh quay MV ca nhạc. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ghi nhận cho thấy, khách đến các khu phố đi bộ về đêm gần như liên tục, hết nhóm này đến nhóm khác. Nửa đêm về sáng là khung giờ dành cho những người ngắm phố, nhóm nhạc, nhóm nhảy, nhóm trượt patin… vui chơi. Thời điểm này, những hàng quán từ ăn uống cho đến quán nhậu vẫn mở cửa phục vụ những người có nhu cầu, với mức giá từ 20.000-30.000 đồng/ly cà phê; 40.000-75.000 đồng/phần ăn (tùy món). Khi mặt trời ló dạng, nhóm vui chơi lui dần, thay vào đó là những người tập thể dục, những khách du lịch đến check-in địa điểm. Lúc này, nhiều vị trí kinh doanh buổi tối được chủ mới thuê lại để tiếp tục bán đồ ăn, cà phê… Nhờ lợi thế “con phố không ngủ” mà mặt bằng phố đi bộ trở nên đắt đỏ. Tại tuyến phố Nguyễn Huệ, giá thuê trung bình một căn nhà diện tích hơn 100m2 ở mức 250-500 triệu đồng/tháng; căn hộ chung cư diện tích khoảng 40m2 có giá thuê khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Đường Bùi Viện có 166 cơ sở kinh doanh phục vụ du khách


Theo thống kê từ UBND quận 1, hiện nay trên toàn tuyến đi bộ Bùi Viện có 166 cơ sở (gồm 79 nhà hàng, cơ sở ăn uống; 45 khách sạn, phòng cho thuê; 9 cơ sở dịch vụ lữ hành du lịch; 5 cửa hàng tiện lợi; 12 cơ sở spa, cắt tóc, xăm hình...) Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình kinh doanh tại phố đi bộ rất phát đạt, thu hút khoảng 1.000-1.500 lượt người vào các dịp cuối tuần. Các dịp lễ hội có từ 4.000-5.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Tại khu phố đi bộ về đêm Bùi Viện, khi màn đêm buông xuống, lượng khách đổ về đông nghẹt. Dọc tuyến phố sặc sỡ ánh đèn màu, tiếng người nói cười vui vẻ hòa cùng tiếng nhạc rộn ràng… Sau đại dịch, du khách quốc tế quay trở lại TPHCM, trong đó có phố Bùi Viện, ngày càng đông hơn, đặc biệt vào các buổi chiều, tối, kéo dài tới tận đêm khuya. Chị Thúy Ngọc, chủ kinh doanh một quán nhậu trên phố đi bộ Bùi Viện, chia sẻ, lúc cao điểm đại dịch, mặc dù được chủ nhà hỗ trợ tiền thuê mặt bằng nhưng chị vẫn rất khó khăn vì không có khách; có lúc phải vay mượn bạn bè, cầm cố nhà cửa để trả nợ. “Hiện tại khách đến đông hơn, nên tiền thuê mặt bằng gần 40 triệu đồng/tháng nhưng vẫn kham nổi”, chị Thúy Ngọc nói. 

Chọn loại hình phù hợp

Lợi ích từ phố đi bộ về đêm rất rõ ràng, là nơi vui chơi của người dân, du khách và đem lại nguồn lợi nhuận to lớn cho những người dân sống trong khu vực. Theo UBND quận 1, kinh tế tại khu vực phố đi bộ Bùi Viện phát triển hơn so với thời điểm trước khi thành lập, doanh thu tại các cơ sở kinh doanh tăng từ 30%-50% so với thời điểm trước khi triển khai phố đi bộ. Việc thí điểm tổ chức phố đi bộ Bùi Viện có sự phối hợp của lực lượng công an, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố, dân quân... nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định, các vụ việc vi phạm hình sự giảm hẳn. Đối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, từ khi đưa vào hoạt động cho đến nay đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của người dân địa phương và khách du lịch đến tham quan, vui chơi, giải trí. Không chỉ vậy, các tuyến phố hoạt động sôi nổi về đêm còn tạo ra việc làm cho người lao động, gia tăng tỷ lệ đóng góp cho ngân sách. 

Phố đi bộ Bùi Viện trong những ngày lễ hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thành quả là vậy, tuy nhiên dưới góc nhìn của nhà quản lý, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Văn hóa -  Thông tin quận 1, vẫn chưa hài lòng với một số tồn tại. Đó là tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tiếp diễn với các hành vi như: đeo bám, chèo kéo, tranh giành, gây phiền hà cho khách du lịch và người dân, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và trật tự an toàn xã hội. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do các cơ sở kinh doanh mở nhạc âm lượng lớn thường xuyên diễn ra tại tuyến phố sau 22 giờ, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tình hình an ninh trật tự và môi trường văn hóa du lịch tại phố đi bộ… Bên cạnh đó, vấn nạn lớn nhất mà người dân phản ánh là việc gửi xe ở khu phố đi bộ hết sức khó khăn. 

Trong thời gian tới, UBND quận 1 tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với tình hình hoạt động tại các tuyến phố này. Quận 1 sẽ thực hiện kế hoạch chuyên đề tuyên truyền người dân, hộ kinh doanh và mọi người nâng cao ý thức và trách nhiệm khi đến tham quan vui chơi, giải trí và du lịch tại các tuyến phố. Ngoài ra, quận 1 sẽ rà soát các loại hình kinh doanh ở từng khu vực của tuyến đường để đánh giá tổng thể về tính hợp lý, tính mỹ quan, hiệu quả các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, ăn uống… để đề xuất phương án sắp xếp, quy hoạch các nhóm ngành nghề đặc trưng của quận và thành phố. Quận 1 cũng lên kế hoạch xây dựng đề án tổ chức các ki ốt, xe bán hàng cố định hoặc không cố định tại các tuyến đường nhánh, ô phố lân cận với các tiêu chí điều kiện cụ thể mang tính khoa học đáp ứng mỹ quan đô thị…

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM:


Thêm giải pháp phục hồi kinh tế

Các tuyến phố ẩm thực, vui chơi, mua sắm, biểu diễn văn hóa - nghệ thuật… đã và đang góp phần phục hồi ngành du lịch TPHCM nói riêng, cả nước nói chung. Nhiều tour du lịch đa dạng, phong phú đã thực sự kích hoạt những nét văn hóa cộng đồng thú vị của TPHCM, như ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, thưởng thức ẩm thực đêm trên du thuyền, tham quan TPHCM bằng xe buýt hai tầng, chương trình âm nhạc “Có hẹn với Sài Gòn” diễn ra cuối tuần… Với những lợi thế sẵn có nêu trên, ngành du lịch gắn với kinh tế đêm được xác định là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, thu hút khách đến TPHCM và lưu trú lâu hơn.


Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, UBND quận 1, TPHCM:


Chúng tôi đang nghiên cứu và quy hoạch điểm giữ xe cho người dân, khách du lịch đến tham quan, vui chơi và giải trí tại tuyến phố đi bộ; tăng cường công tác, thu gom rác thải, vệ sinh sạch sẽ các thùng rác, thường xuyên tưới nước rửa mặt đường tại các tuyến phố đi bộ. Đồng thời, quận sẽ huy động các lực lượng liên quan để tuần tra, xử lý các hoạt động lấn chiếm vỉa hè, buôn bán hàng rong, nhất là vào các ngày cuối tuần, làm ảnh hưởng đến trật tự và mỹ quan đô thị.