TPHCM: Hàng trăm trụ, bảng quảng cáo ngoài trời không ai quản lý

|

“Nhiều trụ bảng quảng cáo tới nay không biết nổi đơn vị, địa phương nào quản lý, khai thác, có giấy phép hay không. Qua khảo sát, Sở mới đề xuất cái nào cho tồn tại, cái nào không”, đại diện Sở GTVT nói.

Sáng 10-11, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM có buổi khảo sát tại Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM về công tác triển khai thực hiện, phối hợp thực hiện trong hoạt động quảng cáo ngoài trời. Tham gia buổi khảo sát có đại diện các sở ngành thành phố. Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình, chủ trì buổi khảo sát.

Bất cập trong quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời

Trước buổi khảo sát, đại biểu Cao Thanh Bình và các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cùng đại diện các sở ngành đã đi thực tế một số khu vực trung tâm quận 1.

Tại khu vực Công viên 23 tháng 9, đoàn ghi nhận có hơn 20 trụ, bảng quảng cáo đủ kích cỡ được lắp dựng trong khuôn viên công viên và gần giao lộ các tuyến đường Lê Lai, đường Nguyễn Thái Học, đường Nguyễn Thị Nghĩa, bến xe buýt trung tâm.

Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, hầu hết các trụ bảng quảng cáo tại khu vực này có từ hơn 10 năm nay, qua rà soát mới biết có nhiều đơn vị cùng quản lý, khai thác.  

Khảo sát thực tế khu vực Công viên 23 Tháng 9
“Nhiều trụ bảng quảng cáo tới nay không biết nổi đơn vị, địa phương nào quản lý, khai thác, có giấy phép hay không. Qua khảo sát, Sở mới đề xuất cái nào cho tồn tại, cái nào không”, đại diện Sở GTVT nói.

Cũng theo đại diện Sở GTVT, đơn vị này chỉ đứng ra ký hợp đồng cho các đơn vị, doanh nghiệp thuê địa điểm đặt trụ bảng quảng cáo, còn giá trị và nội dung của từng trụ bảng quảng cáo như thế nào thì không biết. Trong một khu vực đặt trụ bảng quảng cáo có đến 2 đơn vị quản lý là Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) và Trung tâm Giao thông đường bộ (Sở GTVT). Hiện Sở GTVT quản lý hơn 700 địa điểm, hiện đã ký hợp đồng thuê được hơn 500 trụ bảng quảng cáo. Số còn lại thuộc Sở Xây dựng và các quận huyện quản lý. Một số trụ nhiều năm nay không ai quản lý nhưng vẫn được tồn tại, khai thác, thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm.

“Số 979 trụ bảng quảng cáo hiện nay mà Sở GTVT đang quản lý chưa phải là toàn thành phố. Thực tế hiện nay có bao nhiêu nữa thì không thể biết được. Ngoài những trụ bảng quảng cáo ở các công viên do Sở Xây dựng quản lý, các công viên, khu dân cư do người dân và các quận huyện quản lý, hiện có rất nhiều trụ bảng quảng cáo trên các tuyến đường cao tốc thì các sở ngành và địa phương của TPHCM không thể quản lý nổi, kể cả doanh thu hay nội dung quảng cáo", ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM nói

Tương tự, tại khu vực vòng xoay Ngã 6 Phù Đổng, khu vực Công viên Tao Đàn cũng có hàng chục trụ bảng quảng cáo tồn tại nhiều năm nay, do nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân quản lý, khai thác các hoạt động quảng cáo. Trong đó, đặc biệt là có các bảng hiệu quảng cáo ốp tường, mặt dựng mặt tiền các tòa nhà, khu vực trống trải đều sai phép, không phép, chưa được cấp phép nội dung…

Đối với quảng cáo thương mại trên xe buýt, trạm dừng, nhà chờ, bến xe cũng có nhiều bất cập trong quản lý và kém hiệu quả trong khai thác. Cụ thể, số liệu mà Sở GTVT đang quản lý là 4.477 điểm, vị trí nhà chờ, nhưng chỉ có 10 nhà chờ xe buýt là còn quảng cáo. Quảng cáo trên xe buýt thì đã ngưng từ năm 2021 đến nay. Đến giờ chỉ còn số xe buýt có trợ giá có quảng cáo. Đối với phần lớn xe buýt các tuyến không trợ giá thì vẫn có quảng cáo nhưng do chủ xe, chủ doanh nghiệp tự khai thác, tự thỏa thuận nội dung quảng cáo với đơn vị thuê quảng cáo, không do đơn vị nào cấp phép, quản lý và thu phí.

Khó quy trách nhiệm khi có sai phạm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Sở GTVT, nhiều nội dung chất vấn được đưa ra đối với các sở ngành liên quan trong quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. Theo Sở GTVT, trên địa bàn TPHCM hiện có 979 trụ pano tuyên truyền cổ động chính trị, an toàn giao thông kết hợp với quảng cáo thương mại nằm trong hành lang đường bộ mà sở này qua khảo sát nắm được.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi khảo sát
Trong đó có 591 trụ cổ động chính trị kết hợp quảng cáo thương mại có trước năm 2012 (trước khi có Luật Quảng cáo). Số còn lại do UBND các quận huyện và TP Thủ Đức quản lý, phát sinh sau thời điểm năm 2012. Cũng theo Sở GTVT, ngoài 104 trong số 145 trụ bảng quảng cáo mà UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Bình Minh thực hiện, hiện không thể nắm nổi còn những địa điểm, khu vực quảng cáo nào được cấp phép hoạt động. Từ năm 2015 đến nay, Sở GTVT ký hợp đồng cho thuê tạm thời duy trì các trụ hộp đèn cổ động chính trị và quảng cáo nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ được 509 trụ, với số tiền thu được là hơn 30 tỷ đồng (từ 10 đến 15 triệu đồng/trụ/năm).

Một thực tế khác được phản ánh trong buổi khảo sát là tình trạng có nhiều trụ bảng quảng cáo trên các giao lộ, trong khu vực công viên, bến xe, bến tàu không biết ai cấp phép, quản lý, khai thác, từ Sở Xây dựng, Sở GTVT đến các quận huyện. “Đây là lỗ hổng rất lớn, Nhà nước không thu được một đồng nào, còn cá nhân và doanh nghiệp được hưởng lợi”, đại biểu Cao Thanh Bình bức xúc nói.

Đại biểu Cao Thanh Bình hỏi đại diện Sở VH-TT về việc quản lý nội dung quảng cáo trên hàng ngàn trụ bảng quảng cáo, trả lời vấn đề, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VT-TT TPHCM Trần Thanh Vương cho biết: “Hiện Sở VH-TT vẫn cấp phép vị trí quảng cáo ở một số công viên. Tôi không khẳng định là toàn TP có bao nhiêu. Sở VH-TT chỉ quản lý, cấp phép nội dung quảng cáo ở những khu vực, trụ bảng quảng cáo có pháp lý rõ ràng, còn lại thì không thể quản lý nổi”.

Nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời tại TP Thủ Đức