Tết Dương lịch 2023: Bộ GTVT đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam

|

Sáng 1-1-2023, Bộ GT-VT đã phối hợp với 9 tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ chính thức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025.

Lễ khởi công tiến hành theo hình thức kết nối các điểm cầu trực tuyến với 3 điểm cầu chính, gồm: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện 3 khu vực ở Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nam bộ).

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tại lễ khởi công ở điểm cầu chính Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trong đó, điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) với sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh Bình Định.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, có sự tham dự của trên 450 đại biểu. 9 điểm cầu trực tuyến còn lại, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía Đông với chiều dài 2.063km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế TPHCM, đi qua địa bàn 32 tỉnh thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số, đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô lớn, vai trò động lực, tác động lan tỏa mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở ra không gian mới, tạo điều kiện hình thành khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ khởi công ở điểm cầu Quảng Ngãi, sáng 1-1-2023. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đảm bảo các yếu tố về chất lượng, tiến độ đã được đặt ra, không được đội vốn, có thưởng - có phạt nghiêm minh, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thiết kế, khảo sát mà chưa đánh giá hết được.

Đối với các tỉnh có đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua,Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật đảm bảo bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II-2023.

Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức chính thức khởi công dự án tại điểm cầu Quảng Ngãi, sáng 1-1-2023. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Lễ khởi công tại điểm cầu tỉnh Bình Định thu hút hàng trăm đại biểu, nhân dân địa phương tham dự. Ảnh: NGỌC OAI

Công tác chuẩn bị lễ khởi công tại điểm cầu tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI

Theo Bộ GT-VT, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, với mục tiêu đến năm 2030 cả nước phấn đấu có 5.000km đường cao tốc và năm 2025 hoàn thành đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Từ mục tiêu trên, Chính phủ đã xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km đường cao tốc. Hiện, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 1.417km, như vậy, thời gian tới còn 1.600km.

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông tổng chiều dài 729km, chia làm 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Trị (260,9km), Quảng Ngãi – Nha Trang (352,06km) và Cần Thơ – Cà Mau (110,9km).

Sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 với khoảng hơn 146.990 tỷ đồng. Theo kế hoạch được phê duyệt, dự án gồm 25 gói thầu.

Dự án được Chính phủ cho áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai, như: Áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án; sớm bàn giao cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương thực hiện trước các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật nhằm sớm triển khai thi công.

Rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án cho nhà thầu thi công dự án để khai thác; được phép nâng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Các đơn vị chức năng tại các điểm cầu chuẩn bị máy móc, phương tiện chuẩn bị lễ khởi công, động thổ tại điểm cầu Bình Định, sáng 1-1-2023. Ảnh: NGỌC OAI

Theo Bộ GT-VT, dự án đi qua 9 tỉnh cả nước, trong đó qua một số địa phương ở khu vực miền Trung với nhiều dạng địa hình, địa chất khác nhau, khối lượng công việc triển khai rất nhiều, nhiều công trình cầu, hầm độ phức tạp, kỹ thuật rất cao nhưng thời gian rút ngắn một nửa so với trước đây.

Vì vậy, thời gian qua, các đơn vị của Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các địa phương đến nay đã bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công.

Toàn cảnh lễ khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại điểm cầu tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI

Trước đó, Bộ GTVT cùng các đơn vị chức năng kiểm tra thực địa cao tốc Bắc - Nam phía Đông tỉnh Phú Yên. Ảnh: CTV


* Cũng trong sáng 1-1-2023, tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa diễn ra lễ khởi công Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang (thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025).

Dự án do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư có chiều dài 83km, tổng mức đầu tư 11.808,02 tỷ đồng, bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Theo thiết kế, điểm đầu của dự án nằm ở nút giao đầu hầm Cổ Mã (thuộc địa phận xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh), điểm cuối tại vị trí giao với quốc lộ 27C (thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh), kết nối với dự án đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Quy mô xây dựng giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc cấp 120, vận tốc thiết kế 120km/giờ, bề rộng nền đường 32,25m, quy mô 6 làn xe. Trong đó, giai đoạn phân kỳ tương ứng tiêu chuẩn vận tốc thiết kế 100km/giờ, bề rộng nền đường 17m; mặt đường cấp cao A1; 34 công trình cầu.

Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ước tính khoảng 2.200,98 tỷ đồng, tách thành tiểu dự án riêng do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện.

* Tại điểm cầu xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, các địa phương và đơn vị cũng đã thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công Dự án đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ. Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ có tổng chiều dài 65,48km đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, với tổng mức đầu tư 6.834 tỷ đồng.

Quang cảnh lễ khởi công tại tỉnh Quảng Trị, sáng 1-1-2023. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Trước lễ khởi công, Quảng Trị đã hoàn thành giải phóng mặt bằng với khối lượng hơn 75%. Các đơn vị thi công công trình bao gồm Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Xây dựng 368 và Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh - Công ty Cổ phần giao thông xây dựng số 1 - Công ty Cổ phần Tổng Công ty Đường sắt.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho những hộ dân đã sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công Dự án đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.

* Tại huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang, diễn ra lễ khởi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đến dự.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng lãnh đạo bộ - ngành và các tỉnh, thành ĐBSCL nhấn nút khởi công Dự án tại huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang có điểm đầu Km15+350 giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu - Quốc lộ 1 thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ; điểm cuối Km53+000 giao với điểm đầu Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Tổng chiều dài tuyến khoảng 37,65km… Tổng mức đầu tư là 10.370,74 tỷ đồng.

Dự án sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến năm 2026) được kỳ vọng là sự khơi thông phát triển cho cả vùng ĐBSCL. Đại diện các nhà thầu cho biết, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường sử dụng trong năm 2023 và 2024 khoảng 18,5 triệu m³, trong khi hiện nay nguồn cung cấp tại các mỏ ở khu vực ĐBSCL chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, cần có sự cân đối, ưu tiên phân bổ nguồn vật liệu cho các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc.

* Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau đi qua đại bàn 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.

Dự án có điểm đầu từ Km53+000 và điểm cuối tại Km126+223, tuyến cao tốc dài hơn 73km và tuyến nối dài hơn 16,5km, vận tốc thiết kế 100km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 17.152,65 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cùng chủ đầu tư thực hiện nghi thức khởi công dự án Cần Thơ - Cà Mau, đoạn Hậu Giang – Cà Mau, sáng 1-1-2023

Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp. Nhà thầu tư vấn giám sát là liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải 4 - Công ty Cổ phần Xây dựng VNC; nhà thầu xây lắp: Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 - Công ty Cổ phần Hải Đăng - Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn.


Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, động viên người dân ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam

Sáng 1-1-2023, trước giờ dự lễ phát động khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra, gặp gỡ các hộ dân và chính quyền tại xã Đức Hòa (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) để nắm bắt về tâm tư, tình cảm và công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện dự án.

Tại xã Đức Hòa, có 367 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc – Nam, trong đó 70 hộ dân nhường đất cho dự án. Tại buổi nói chuyện với Thủ tướng Chính phủ, hầu hết người dân địa phương bày tỏ vui mừng, đồng tình và ủng hộ hết mình thực hiện dự án.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc, trò chuyện giữa người dân và Thủ tướng Phạm Minh Chính

Người dân cho biết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được chính quyền thực hiện rất thỏa đáng. Nhiều người dân bày tỏ vui mừng khi đích thân Thủ tướng Chính phủ xuống thăm dân, lắng nghe tâm tư người dân ảnh hưởng của dự án.

Sau khi lắng nghe tâm tư, tình cảm của người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước sự ủng hộ của người dân đối với dự án. Thủ tướng cũng đã thông tin để cho người dân địa phương nắm về tình hình đất nước trải qua năm 2022 và các mục tiêu, nhiệm vụ mới 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, động viên người dân ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam, tại xã Đức Hòa (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi)

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn đặt mục tiêu xây dựng, giữ gìn đất nước độc lập, tự do và người dân được ấm no, hạnh phúc lên hàng đầu.

Qua đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan và chủ đầu tư tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sinh kế của người dân, đảm bảo người dân dời đi có nơi ở mới và cuộc sống mới ít nhất là bằng, phấn đấu tốt hơn so với trước và so với nơi ở cũ…

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng Đoàn công tác Trung ương tới dâng hoa, dâng hương và tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở quê hương cố Thủ tướng (tại xã Tân Đức).

Thủ tướng cùng Đoàn công tác Trung ương đến dâng hương, tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng