Hội Nhà báo sẽ đồng hành cùng các cơ quan báo chí ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số

|

NDO - Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã thành công tốt đẹp.

Với phương châm “Đoàn kết-Kỷ cương-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng. 

Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã phỏng vấn ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phóng viên: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Hội Nhà báo Việt Nam thành công tốt đẹp, mang đến cho đội ngũ những người làm báo cả nước một khí thế mới, niềm tin mới. Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của Đại hội lần này?

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Có thể khẳng định, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 29 đến 31/12, tại Thủ đô Hà Nội đã thành công rất tốt đẹp. Đại hội vinh dự được đón tiếp đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, tới tham dự phát biểu chỉ đạo, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, một số địa phương và 553 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên, sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp hội, 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc Trung ương Hội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo, đài và các cấp Hội Nhà báo; phóng viên, nhà báo tới dự, đưa tin về Đại hội.

Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao trước hội viên cả nước, Đại hội đã nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết các hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua; đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xác định phương hướng, nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm kỳ XI; việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI đã bầu Ban Chấp hành gồm 52 nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín và điều kiện, tâm huyết; biểu quyết thông qua Báo cáo Chính trị, Điều lệ Hội khóa XI và Nghị quyết Đại hội XI. 

Với phương châm “Đoàn kết-Kỷ cương-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng. 

Phóng viên: Những công việc trọng tâm cần triển khai sau Đại hội là gì để báo chí tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, đóng góp xứng đáng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, thưa ông?

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh báo chí trong nước và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng nêu bật những thành tựu của đất nước, những điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống các âm mưu, hành động, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, góp phần xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức đợt sinh hoạt học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội nhà báo Việt Nam, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện từ Trung ương đến địa phương, thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Phối hợp các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, kiện toàn tổ chức Hội sau khi thực hiện quy hoạch báo chí theo hướng giảm bớt đầu mối tổ chức Hội trực thuộc Trung ương Hội. 

Thứ ba, xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số; đào tạo ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí; đặc biệt chú trọng việc rèn luyện, tu dưỡng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, hội viên. 

Thứ tư, các cấp Hội Nhà báo phối hợp các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham gia hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, bảo đảm báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, xây dựng môi trường báo chí lành mạnh, hiệu quả. Tham gia xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí và đội ngũ người làm báo. 

Thứ năm, tích cực bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên. Phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe doạ, xúc phạm, hành hung các nhà báo, hội viên hoạt động đúng pháp luật. Các cấp hội cần phối hợp chặt chẽ với các cấp có trách nhiệm và cơ quan báo chí làm tốt công tác tư tưởng, đặc biệt quan tâm đến việc làm, hoạt động nghề nghiệp, đời sống của số người làm báo chịu tác động do thực hiện quy hoạch báo chí, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ người làm báo.

Thứ sáu, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ Hội Nhà báo từ Trung ương đến các cơ sở. Làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp hội, có cơ chế đặc thù để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, quản lý làm công tác hội. Tiếp tục củng cố, xây dưng tổ chức Cơ quan Trung ương Hội, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đủ năng lực tham mưu, giúp việc có hiệu quả cho Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội.

Thứ bảy, tích cực mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế của Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua đó góp phần tích cực thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ tám, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong sinh hoạt hội; tăng cường các hoạt động xã hội-từ thiện, nêu cao tinh thần nhân văn của người làm báo cách mạng, tạo sự lan tỏa tốt đẹp trong xã hội.

Thứ chín, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chính sách kinh tế báo chí. Phối hợp các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan báo chí xây dựng các mô hình báo chí tự chủ về tài chính, các mô hình kinh tế báo chí. Khuyến khích các cấp hội tích cực, chủ động tìm nguồn lực xã hội, trong đó có việc xây dựng và thực hiện các đề án, chương trình đặt hàng sản phẩm báo chí và tìm các nguồn thu để duy trì và phát triển hoạt động hội. 

Phóng viên: Có thể nhận thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đối với báo chí hiện đại, mở ra một hướng phát triển mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Trong nhiệm kỳ mới, Hội Nhà báo Việt Nam có định hướng hoạt động gì để hỗ trợ, thúc đẩy các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong quá trình chuyển đổi này?

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: “Báo chí công nghệ” đang làm thay đổi thói quen của công chúng báo chí sang những nền tảng di động. Việc đọc, nghe, xem báo chí trực tuyến cũng đã dịch chuyển từ thụ động sang chủ động; hình thành xu hướng cung cấp, lan tỏa, kết nối thông tin dựa trên công nghệ. Việc sử dụng “dữ liệu số hóa” ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong quy trình sản xuất và truyền tải sản phẩm báo chí, truyền thông... Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi thay đổi về mặt tư duy từ người lãnh đạo cấp cao ở cơ quan báo chí cho đến phóng viên; không chỉ ở quá trình sản xuất nội dung mà thậm chí là toàn bộ hoạt động của một tòa soạn, kể cả hoạt động quản trị, kinh doanh… đều phải đi theo hướng chuyển đổi số mới gọi là quy trình chuyển đổi số thật sự.

Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ hoàn thiện Đề án công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động điều hành hệ thống hội nhà báo từ Trung ương đến cơ sở, hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số. Phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, xây dựng các chính sách đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí thực hiện tốt chuyển đổi số. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về báo chí, xây dựng mô hình và các chính sách kinh tế báo chí phù hợp trong xu thế chuyển đổi số báo chí.

Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đồng hành cùng các cơ quan báo chí tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, khai thác tối đa nền tảng internet để xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng, trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện mạnh.

Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo đại học, cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại cho hội viên, nhà báo, phóng viên về kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí.

Phóng viên: Giữ vững đạo đức nghề báo, lý tưởng và trách nhiệm xã hội của người làm báo là vấn đề cốt lõi để phát huy tính chiến đấu và tính nhân văn của báo chí cách mạng. Trong nhiệm kỳ mới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ quan tâm đến vấn đề này như thế nào để tăng cường giáo dục, rèn luyện hội viên, đồng thời phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc đoàn kết, tập hợp hội viên, thưa ông?

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Đảng đoàn, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, mở đợt sinh hoạt sâu rộng trong các cấp hội và giới báo chí học tập, quán triệt và thực hiên nghiêm túc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện tốt Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, phát huy ưu điểm, tạo bước chuyển căn bản và vững chắc trong việc khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí và sinh hoạt. Phối hợp các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, thực hiện tốt Đề án quy hoạch báo chí 2020-2025.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cấp hội và các cơ quan báo chí, phát triển Đảng trong hội viên trẻ. Tăng cường kỷ cương, phát huy dân chủ, tinh thần tự chủ, đổi mới sáng tạo của từng tổ chức Hội và cán bộ hội; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ làm công tác Hội, mở rộng và tăng cường các hình thức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các cấp Hội.

Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động của các cấp Hội; tăng cường sự chỉ đạo thường xuyên của Trung ương Hội tới Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các liên chi hội và chi hội trực thuộc. Tổ chức tốt hoạt động của các cụm thi đua, lấy cụm làm nòng cốt trong các hoạt động nghiệp vụ, văn hóa cho hội viên trên cơ sở đặc điểm của từng vùng miền. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, chú trọng công tác khen thưởng, kỷ luật, khích lệ tinh thần cống hiến, lòng say mê nghề nghiệp của người làm báo, hội viên. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hội viên các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phát huy vai trò Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí. Tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội để kịp thời và kiên quyết bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và lợi ích chính đáng của người làm báo, hội viên theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Hội Nhà báo. Đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu. 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp cho hội viên. Đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy việc tôn trọng và thực thi bảo vệ bản quyền trong hoạt động báo chí.

Với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần một thế kỷ, với sứ mệnh cao cả được giao phó, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. 

Nhân dịp bước sang năm 2022 và chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần, kính chúc các đồng nghiệp trên cả nước sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Trân trọng cảm ơn ông!