Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn các hoạt động uy hiếp an toàn hàng không

|

Ngày 24-2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nâng cao năng lực công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới.

Hiện vẫn xảy ra nhiều hoạt động uy hiếp an toàn hàng không

Tại chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không (ANHK) đặt trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia, xây dựng trên nền tảng quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện và ban hành Đề án công tác công an bảo đảm an ninh hàng không; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổ chức và hoạt động của lực lượng An ninh trên không; Đề án thành lập Đồn công an tại các cảng hàng không, sân bay trọng điểm.

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án ứng phó máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không tăng cường tổ chức diễn tập thực chiến về an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin tại các cảng hàng không, sân bay. Bộ Công an chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm đến an ninh, an toàn hàng không.

Thủ tướng chỉ thị UBND các tỉnh thành có cảng hàng không, sân bay tăng cường tuần tra kiểm soát khắc phục tình trạng cò mồi, taxi dù tại các cảng hàng không, sân bay; triển khai, tăng cường các tuyến xe buýt, dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối các trung tâm đô thị, trung tâm du lịch đi, đến cảng hàng không, sân bay. Triển khai các phương án ngăn chặn, ứng phó việc sử dụng nguồn sáng công suất lớn, đèn chiếu laser, thả diều, máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quản lý tốt hoạt động của các câu lạc bộ dù lượn, tránh uy hiếp an toàn hàng không… Đồng thời, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kế hoạch khẩn đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng của từng địa phương; chủ động rà soát việc mua sắm vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, tài liệu và đảm bảo các điều kiện khác để thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ…

Năm 2022, các nước chuyển sang trạng thái bình thường mới để phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó các hãng hàng không trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng được hoạt động trở lại, khai thác và có sự phục hồi mạnh mẽ. Đối với Việt Nam, thị trường vận tải hàng không đạt 55 triệu khách, tăng 3,6 lần so với năm 2021 và bằng 69,6% so với năm 2019; vận tải hàng hóa ước đạt 1,22 triệu tấn, bằng 94% so với năm 2021 và tương đương năm 2019. Trong đó, vận chuyển nội địa đạt 43,2 triệu khách, tăng 1,8 lần so với năm 2021; vận chuyển quốc tế đạt 12,1 triệu khách, tăng 22 lần so với năm 2021…

Báo cáo mới nhất của Bộ GTVT cho thấy, năm 2022 xảy ra 680 vụ việc vi phạm an ninh hàng không dân dụng, tăng 445 vụ so với năm 2021. Số vụ việc hành khách bị từ chối nhập cảnh tăng mạnh (340 vụ năm 2022 so với 2 vụ năm 2021); số vụ việc trộm cắp tăng 73 vụ; số vụ việc gây rối trật tự, mang vật phẩm nguy hiểm tăng nhẹ.

Các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng phản ánh còn tình trạng chiếu tia laser, đèn công suất lớn vào buồng lái máy bay, có nơi có chiều hướng diễn biến phức tạp; máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; tình trạng cò mồi, taxi dù tại các nhà ga, bến bãi...