Đến 30-4 phải hoàn thành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây

|

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, mục tiêu không có gì thay đổi, đến ngày 30-4-2023 phải hoàn thành, đưa vào khai thác hai tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết để phục vụ người dân, doanh nghiệp đi lại thuận tiện. 

Chiều 15-3 tại tỉnh Bình Thuận, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và các Ban quản lý dự án (QLDA) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo, thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ tỉnh Đồng Nai đến tỉnh Bình Thuận.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau khi tổ chức kiểm tra thực địa, tiến độ dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, dự án Phan Thiết – Vĩnh Hảo đang bị chậm so với kế hoạch, mới đạt gần 76%. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 phải tập trung nhân lực, máy móc để kịp hoàn thành theo tiến độ.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải hoàn thành đưa vào sử dụng dịp 30-4-2023.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần kịp thời nắm bắt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi các nhà thầu gặp phải. Tuyệt đối không để dự án chậm tiến độ do thiếu tài chính. Các nhà thầu thi công dự án cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quá trình thi công dự án; chất lượng và tiến độ phải đi đôi với nhau. Nhà thầu nào thi công có vi phạm phải kịp thời thay thế.

“Mục tiêu không có gì thay đổi, đến ngày 30-4-2023 phải hoàn thành, đưa vào khai thác hai tuyến cao tốc này để phục vụ người dân, doanh nghiệp đi lại thuận tiện”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Theo đại diện Ban QLDA 7 và Ban QLDA Thăng Long, điểm khó nhất hiện nay là nguồn vật liệu đất đắp để thi công đường gom, đường đầu cầu. Cụ thể tuyến Dầu Giây - Phan Thiết đang thiếu 600.000m3; tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo đang thiếu 900.000m3. Tuy nhiên hiện nay, các mỏ vật liệu đất đắp phục vụ thi công cao tốc tại Đồng Nai và Bình Thuận đã hết hạn, chưa được gia hạn lại sẽ gây khó khăn cho việc hoàn thành toàn bộ dự án theo kế hoạch.

Liên quan đến vấn đề này, hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở TN-MT tỉnh chủ trì, làm việc với các đơn vị liên quan và hướng dẫn nộp hồ sơ cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây đang còn thiếu khoảng 1,5 triệu m3 đất đắp để thi công đường gom, đường đầu cầu.

Đối với 4 mỏ vật liệu đất đắp phục vụ thi công cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, để hoàn thành dự án, các nhà thầu đã trình UBND tỉnh xin gia hạn thời gian khai thác vật liệu đất dôi dư nhưng chưa được tỉnh chấp thuận, do Thanh tra Chính phủ đang thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án giao thông quan trọng quốc gia. Vấn đề này, Bộ GTVT cũng đã ghi nhận để làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng đề nghị Bộ GTVT sửa chữa hư hỏng các tuyến đường công vụ, dân sinh và công trình thủy lợi do thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn giao thông, sinh hoạt của người dân.

Giải quyết vật liệu đất đắp phục vụ thi công đường cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Kiến nghị Chính phủ cho phép gia hạn giấy phép khai thác 6 mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết