Tìm giải pháp căn cơ “đòi lại” vỉa hè cho người đi bộ

|

Ngày 30-3, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Cách nào dẹp loạn vỉa hè” với sự tham gia của các chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng TP Hà Nội.

Lực lượng chức năng xử lý tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè trên một số tuyến phố Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, sau 1 tháng ra quân thực hiện xử phạt hành vi vi phạm vỉa hè, đỗ dừng xe tại vỉa hè, lòng đường từ ngày 1-3 (kết thúc vào ngày 31-3), nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội khá thông thoáng. Tại khu vực quận Tây Hồ, các tuyến đường quanh hồ Tây, đường Nguyễn Đình Thi, đường Văn Cao... tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè cơ bản không còn. Tương tự, tại các tuyến phố đông khách du lịch của quận Hoàn Kiếm cũng phong quang hơn. Tuy nhiên, ở nhiều địa bàn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tái diễn ngay sau khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi.

Nói về nguyên nhân của tình trạng này, các ý kiến đều cho rằng, vi phạm lấn chiếm vỉa hè rất khó giải quyết dứt điểm do nhiều nguyên nhân như: thói quen sinh hoạt, hoạt động kinh doanh trên vỉa hè lâu đời của người dân; công tác kiểm tra, xử lý chưa quyết liệt; ý thức chấp hành của người dân chưa cao... Theo Thượng tá Lương Anh Tuấn, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội), một nguyên nhân quan trọng cần được nhìn nhận nữa là cơ sở hạ tầng của Thủ đô còn hạn chế, vỉa hè của nhiều tuyến phố không đủ rộng để sắp xếp phương tiện và dành cho người đi bộ, có những tuyến phố vỉa hè chỉ có 60-80cm.

Thượng tá Uông Viết Thành, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ, cho biết, từ kinh nghiệm của quận Tây Hồ có thể thấy, để xử lý tận gốc vấn đề, các địa phương cần làm tốt bước điều tra cơ bản, sau đó mới đến các bước tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý, duy trì.

Một số ý kiến cho rằng, quản lý trật tự vỉa hè là bài toán khó nhưng có thể làm được. Trước hết, lãnh đạo thành phố, quận huyện phải có trong tay bản đồ quy hoạch các tuyến phố, chiều rộng hiện hữu của các vỉa hè; quy định rõ vỉa hè cỡ nào chỉ dành cho đi bộ, cỡ nào có thể được sắp xếp phương tiện, cỡ nào có thể kinh doanh. Đồng thời, TP Hà Nội phải có khảo sát đánh giá toàn bộ những người liên quan đến kinh tế vỉa hè, phân loại các hộ gia đình sống phụ thuộc lâu năm vào việc kinh doanh vỉa hè một cách công khai, minh bạch, có hội đồng thẩm định và có phương án hỗ trợ.

Thượng tá Lương Anh Tuấn cho biết, sắp tới, Công an TP Hà Nội sẽ tham mưu đề xuất trích xuất camera để xử phạt các phương tiện dừng đỗ trên các vỉa hè.

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần nâng chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè vì mức hiện nay là 2-3 triệu đồng chưa đủ sức răn đe cũng như cần có mức xử phạt bổ sung cho các hành vi tái phạm. Về lâu dài, các địa phương cần tổng kết, đánh giá ảnh hưởng đến đời sống người dân để giải quyết tận gốc việc lấn chiếm vỉa hè.