Chăn nuôi bò thịt theo hướng bền vững

|

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hết năm 2022, đàn bò nước ta có 6,53 triệu con (chủ yếu là bò thịt, bò sữa chỉ có 335.000 con), tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2021.

Nhiều chính sách (về nghiên cứu khoa học, khuyến nông, khuyến khích đầu tư, kiểm soát dịch bệnh...) đã và đang đi vào thực tiễn, thu hút người dân và các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi nói chung và bò thịt nói riêng; chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật được nghiên cứu, cập nhật và chuyển giao cho sản xuất, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống, chuồng trại và thức ăn dinh dưỡng cho bò thịt.

Thí dụ như Hà Nội, do triển khai hiệu quả cơ cấu lại ngành chăn nuôi, nhiều tiềm năng và lợi thế được khai thác triệt để, cho nên đạt được nhiều đột phá, trong đó có chăn nuôi bò. Hiện đàn bò của thành phố đạt 130 nghìn con (bò thịt là chính), trở thành điểm sáng của khu vực đồng bằng sông Hồng.

Theo Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, sau nhiều năm tập trung cải tạo các giống bò (giống bò chuyên sinh sản, gồm Brahman, Senepol…; giống bò chuyên thịt như: BBB, Charolai, An gus, Wagyu...), nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào thực tiễn sản xuất, giúp người chăn nuôi trên địa bàn có lợi nhuận và thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Lý ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn chục con bò thịt, mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng, cho nên đời sống cũng khấm khá hơn”.

Bên cạnh đó, Hà Nội phát huy lợi thế có 150.000ha đồi gò, 155 bãi phù sa để phát triển gia súc ăn cỏ, nhất là bò thịt; tiếp tục nâng quy mô, năng suất và chất lượng đàn bò, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thịt, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6094/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò lai Sind thành bò lai F1 hướng thịt giai đoạn 2019-2025, do Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội thực hiện, trên quy mô 50 nghìn con bò cái nền, với sự tham gia của hơn 30 nghìn nông hộ; đến nay đã lai tạo được hơn 290 nghìn bê lai F1 BBB, giúp tăng năng suất đàn bò thịt.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong cho biết, mới đây doanh nghiệp được UBND thành phố cho phép xây dựng trung tâm sản xuất tinh bò chất lượng cao. Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ giúp chủ động nguồn tinh cung cấp cho chăn nuôi bò của thành phố và các địa phương khác trong cả nước. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo đạt 90% tổng đàn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện ngành chăn nuôi bò thịt vẫn phải đối mặt một số thách thức như: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ tiên tiến, công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm năng suất, giá thành. Việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cỏ và cây thức ăn cho bò ở nhiều nơi còn gặp khó khăn.

Mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt còn hạn chế. Tình hình nhập lậu vật nuôi sống, nhất là bò thịt từ nước ngoài qua biên giới đường bộ vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7,05 triệu tấn, song sản lượng thịt bò mới chỉ có 474 nghìn tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thịt lợn và gia cầm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, tới đây cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Có thêm các cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với các hộ chăn nuôi bò hướng đến sản xuất hàng hóa lớn; tận dụng thế mạnh, tổ chức sản xuất để khai thác tốt, nâng cao năng suất, chất lượng bò thịt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt gắn với trồng, chế biến cây thức ăn thô, xanh; tiếp tục chuyển đổi diện tích đất lúa, nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; chế biến phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp; áp dụng công nghệ sinh học trong chế biến thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng; thống nhất hệ thống quản lý giống bò thịt ở các cơ sở nhân giống trên phạm vi cả nước gắn liền với hệ thống thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi; tổ chức gắn kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi bò, chú trọng liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác...