Dự án xây dựng và cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên: Phấn đấu hoàn thành tháng 4-2025

|

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, dự án này đã khởi động nhiều năm qua, mục đích đoàn giám sát nhằm xem xét việc chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện của các đơn vị, sở ngành, quận huyện trong việc đẩy nhanh tiến độ của dự án.

Ngày 13-6, đoàn giám sát của Thành ủy TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát- rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP làm chủ đầu tư.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. HOÀNG HÙNG

Tham gia đoàn kiểm tra có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cùng lãnh đạo các sở ngành, quận huyện.

Báo cáo với đoàn giám sát, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Bùi Thanh Tân cho biết, Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên nhằm tiêu thoát nước nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông. Đây là dự án hạ tầng cực kỳ quan trọng, mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Dự án sẽ chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc - Nam, góp phần cùng các dự án khác bảo đảm giao thông thủy theo tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp V. Bên cạnh đó, dự án sẽ xây dựng tuyến kè bờ kênh dài 63,11km; nạo vét 31,46km kênh; làm đường giao thông hai bên bờ kênh dài 63,41km; xây dựng cống thoát nước; xây dựng 12 bến thuyền; xây dựng 3 cầu giao thông; xây dựng các nút giao thông; xây dựng hào kỹ thuật; xây dựng hệ thống thoát nước mưa dọc tuyến dài khoảng 56,42km; hệ thống chiếu sáng; cây xanh, công viên với diện tích 36,4ha…

Quang cảnh tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Vì dự án có quy mô lớn, trải dài qua các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025, tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Bùi Thanh Tân kiến nghị TP chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị có liên quan khẩn trương phối hợp thực hiện tháo gỡ một số vướng mắc như: Cho phép tháo dỡ bức tường rào bãi rác Gò Cát để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công các hạng mục công trình của dự án tại khu vực tiếp giáp với bãi rác Gò Cát; chấp thuận chủ trương cho mở rộng đường bờ kênh khu vực tiếp giáp với bãi rác Gò Cát để đảm bảo đủ hành lang đường 20m, lòng đường 12m thông suốt toàn tuyến như thiết kế.

Tiếp đó, ban quản lý được phép lập các dự án cầu băng kênh theo quy hoạch để hoàn thiện hạ tầng giao thông trong khu vực, tháo dỡ các cầu, cổng dân sinh không phù hợp tại các vị trí cầu băng kênh tại cống Hồng Ký, khu vực bãi rác Gò Cát, khu vực đường số 5, cống M1 và rạch Đá Hàn. TP chỉ đạo các công ty dịch vụ công ích trên địa bàn các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh thực hiện việc thu gom rác thải trên phạm vị bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên...

Công nhân đang thi công Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát- rạch Nước Lên. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh đó, để đảm bảo mặt bằng tổ chức khởi công thi công các gói thầu, quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, đơn vị này kiến nghị các địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng để sớm tổ chức thi công.

Sau khi nghe kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Theo trách nhiệm của từng đơn vị, vướng đâu gỡ đó, mục tiêu cuối tháng 6 này, công tác giải ngân phải đạt trên 35%. Các đơn vị cấp thoát nước, điện, cáp phải phối hợp xử lý các vấn đề liên quan về hạ tầng kỹ thuật, không được chậm trễ, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án...

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu UBND TP, các sở ngành, quận huyện, các đơn vị liên quan phân công trách nhiệm, phần việc cụ thể, chi tiết, nếu xuất hiện khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay và báo cáo người chịu trách nhiệm để xử lý.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị thi công hạn chế tối đa làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt của người dân vùng dự án. Các địa phương đặt nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu làm sao để dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, vận động người dân chia sẻ khó khăn trước mắt để thi công công trình. "Dự án được người dân ủng hộ rất cao, trách nhiệm lãnh đạo TP rất lớn, do vậy phải tập trung quyết liệt để thực hiện dự án hoàn thành đúng tiến độ. Cố gắng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình trước ngày 30 - 4 - 2025", đồng chí Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu bí thư các quận, huyện chỉ đạo UBND quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khẩn trương bàn giao mặt bằng, phối hợp Sở TN-MT TPHCM giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng. Đối với chủ đầu tư, theo dõi hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đối với từng phần việc, đảm bảo công trình thực hiện đúng tiến độ, đặc biệt chất lượng công trình.

Đầu tư 8.200 tỷ đồng cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên