Nỗ lực đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ

|

Trao đổi với Báo SGGP về thực trạng các dự án hạ tầng kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (SBLT), ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), cho biết:

Nhà thầu tưới nước để giảm bụi tại khu vực xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: HOÀNG BẮC

Bộ GTVT đặc biệt coi trọng việc đầu tư, xây dựng các dự án giao thông kết nối với SBLT. Hiện Bộ GTVT đã và đang phối hợp với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và TPHCM triển khai đầu tư các dự án này. Với tiến độ triển khai như hiện nay, các dự án tuyến T1, T2, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 TPHCM sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kịp đồng bộ với việc hoàn thành SBLT.

Sau khi các dự án giao thông trên đưa vào khai thác, cùng với các tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây, quốc lộ 51 và các đường hiện hữu sẽ tạo thành mạng lưới giao thông khu vực cơ bản hoàn chỉnh, đảm bảo các phương tiện giao thông kết nối thuận tiện giữa SBLT với TPHCM, các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ.

* Phóng viên: Tuy nhiên thực tế cho thấy, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xảy ra vấn đề phức tạp và chậm so với kế hoạch? Còn dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tiến độ hiện nay có đáp ứng yêu cầu hay không, thưa ông?

- Ông Lê Quyết Tiến: Với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT đã quyết liệt phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC làm việc với các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết bố trí nguồn vốn của VEC cho khoản vốn đối ứng và vốn cho thi công khối lượng còn lại của dự án (đối với đoạn hết thời hạn hiệp định vay vốn). Đến nay, nguồn vốn cho dự án đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, do thời gian dừng thi công kéo dài, một số nhà thầu chấm dứt hợp đồng, dự án phải tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu mới, dẫn đến tốn nhiều thời gian.

Bộ GTVT và VEC đang tập trung giải quyết thủ tục triển khai thi công lại các gói thầu đã dừng thi công, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh thi công, đảm bảo hoàn thành dự án trong quý 3-2025. Còn đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đến nay chủ đầu tư các dự án thành phần đã hoàn thành các thủ tục cần thiết, đã tổ chức khởi công, đảm bảo đúng kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2026.

* Có 2 dự án được đánh giá là những tuyến giao thông rất quan trọng trong việc kết nối với SBLT là tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, tiến độ liệu có kịp đồng bộ với SBLT?

- Dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành đang được VEC triển khai nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, đã có báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về phương án bố trí vốn đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng (chưa tính lãi vay).

Dự kiến đến quý 1-2024, dự án sẽ hoàn thành bước lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; quý 4-2024 hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng và triển khai thi công từ quý 1-2025. Với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, hiện dự án đang triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024, tiếp đó sẽ triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành cùng với giai đoạn 2 của SBLT.

* Việc triển khai các dự án giao thông kết nối với SBLT đang gặp những khó khăn gì? Vai trò, trách nhiệm của các bên như Bộ GTVT và chính quyền các địa phương Đồng Nai, TPHCM… ra sao?

- Đối với tuyến T1, T2, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khó khăn lớn nhất là tiến độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) rất chậm, đa số chưa đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai đến nay mới hoàn thành công tác kiểm kê và vận động bàn giao được trong phạm vi tổ chức khởi công công trình. Ngoài ra, nguồn vật liệu xây dựng cũng hạn chế do công suất khai thác các mỏ hiện có còn thấp, chỉ đáp ứng cho các công trình của địa phương. Nếu trong thời gian tới, các mỏ không kịp thời nâng cao công suất khai thác thì có thể ảnh hưởng tiến độ dự án.

Đối với công tác GPMB các dự án và các dự án thành phần do UBND các tỉnh làm cơ quan chủ quản, UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trong tổ chức quản lý, điều hành thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian qua, với trách nhiệm là bộ quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT đã phối hợp UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, chủ đầu tư dự án tập trung thực hiện đẩy nhanh công tác GPMB, rà soát các mỏ vật liệu để có giải pháp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, đảm bảo xây dựng công trình đúng tiến độ.

* Xin cảm ơn ông.

Ông Dương Quang Điện, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành:

Với vai trò nhà đầu tư xây dựng các hạng mục quan trọng nhất của SBLT, ACV đã chủ động nhận làm chủ đầu tư xây dựng 2 tuyến đường T1, T2, trước mắt để phục vụ thi công dự án, sau đó sẽ hoàn thiện thành đường cửa ngõ kết nối SBLT với hạ tầng giao thông khu vực. Tiến độ dự án cũng đang bám theo kế hoạch, đã thiết kế xong, phát hành hồ sơ mời thầu và đóng thầu vào cuối tháng 5; dự kiến trong tháng 6 sẽ chọn được nhà thầu, nếu tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng thì có thể thi công ngay. Hiện ACV đã chuyển hơn 488 tỷ đồng để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án 2 tuyến đường T1 và T2.

Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành: Năm 2030 mới xong

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, TPHCM đã có văn bản gửi Ban Quản lý đường sắt thuộc Bộ GTVT, góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đoạn qua TPHCM. Về phương án tuyến, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành (đoạn qua địa bàn TPHCM) cơ bản phù hợp với nội dung quản lý không gian được duyệt về quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025. TPHCM cũng đề nghị Ban Quản lý đường sắt làm việc với Sở QH-KT TPHCM để được cung cấp các tài liệu liên quan và cân đối phạm vi đất dành cho các dự án đường sắt trong hành lang đã được quy hoạch, cũng như liên kết các nút giao thông; phải xác định cụ thể về diện tích đất cho từng hạng mục, đây là cơ sở tổ chức triển khai quy hoạch xây dựng và phát triển các quỹ đất.

Thiếu giao thông kết nối, tình trạng xếp hàng dài chờ qua phà Cát Lái (nối Tp Thủ Đức, TPHCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) thường diễn ra. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về quy mô, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài 38km, ray khổ đôi 1.435mm, kết nối giữa SBLT và Thủ Thiêm, đồng thời kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Thủ Thiêm. Đối với vị trí các nhà ga, TPHCM đề xuất quy mô nhà ga Thủ Thiêm như một ga đường sắt trung tâm, có tổ chức kết nối đồng bộ với tuyến đường sắt đô thị số 2 giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm). Toàn tuyến có 20 ga, khoảng cách mỗi ga khoảng 1km. Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành thuộc danh mục dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030, tổng vốn dự kiến 40.500 tỷ đồng.

QUỐC HÙNG

Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành: Đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện

Dự án có tổng chiều dài 57,8km do VEC làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng. Công trình khởi công năm 2014, nhưng đến năm 2019 phải dừng thi công. Hiện VEC đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến tháng 9-2025 và gia hạn hiệp định vay JICA lần 2 đến ngày 31-12-2025 nhằm đảm bảo thời gian sử dụng vốn hoàn thành thi công gói thầu J1 (cầu Bình Khánh), J3 (cầu Phước Khánh). Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, một số nhà thầu đã khởi kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore đòi bồi thường do dự án đình trệ nhiều năm, ảnh hưởng tiến độ thi công.

HOÀNG BẮC